Như đã đưa tin, Công an quận Tân Bình cho rằng, do sự việc phát sinh tình tiết mới, cần có thời gian xác minh làm rõ nên chưa thể giải quyết số tiền trên theo quy định của pháp luật trong thời hạn 1 năm kể từ ngày đăng thông báo tìm chủ sở hữu.
Văn bản trả lời của công an quân Tân Bình nêu rõ: "Công an quận Tân Bình tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, xác minh làm rõ và giải quyết vụ việc trong thời gian sớm nhất”.
Tại sao lại tạo tranh chấp giữa chị Hồng và bà Ngọt (người tự nhận có chồng là chủ nhân số tiền 5 triệu yen)?
Đó là câu hỏi của luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM, đại diện pháp lý của chị Hồng) sau khi công an quận Tân Bình có văn bản trả lời xung quanh số tiền 5 triệu yen.
Vị luật sư này lý giải trên tờ Vietnamnet, công an chưa giải quyết số tiền 5 triệu yen cho chị Hồng khi hết thời hạn 1 năm là vượt thẩm quyền và tự tạo tranh chấp giữa bà Ngọt và bà Hồng.
Tờ Người Lao Động dẫn lời của luật sư Hà Hải như sau: "Văn bản trả lời của công an không dựa theo một điều luật nào.
Tôi và thân chủ sẽ yêu cầu công an trả lời những điều như sau: Tại sao lại tự tạo tranh chấp giữa bà Phạm Thị Ngọt (người tự nhận 5 triệu yen là của chồng mình) và chị Hồng?
Công an kéo dài vụ việc, làm phức tạp gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Chị Hồng chia sẻ với báo giới trong nước, chị không biết thời gian sớm mà công an nói sẽ giải quyết là 1 tuần, 1 tháng hay 1 năm. Sự việc kéo dài khiến người phụ nữ này khá mệt mỏi.
Theo tờ Tuổi Trẻ, trước câu hỏi khi nào thì giải quyết dứt điểm vụ việc do luật sư Hà đặt ra, đại diện Công an quậnTân Bình, cho biết hiện vẫn đang xác minh và không thể cho biết thời gian giải quyết xong.
Cũng theo nguồn trên, bà Ngọt cho biết, hiện ông Caleb (chồng bà) vẫn đang bận nên chưa biết có qua Việt Nam giải quyết vụ việc được hay không. Nếu không qua được, ông Caleb sẽ làm giấy ủy quyền cho bà Ngọt giải quyết.
Số tiền 5 triệu yen Nhật là "tiền" hay "vật"?
Trước đó, báo giới trong nước đã ghi lại ý kiến khá khác biệt của một luật sư quanh vụ việc này rằng, 5 triệu yen là tiền chứ không phải vật.
Ông đặt câu hỏi, tại sao lại lấy quy định với vật để áp dụng cho trường hợp 5 triệu yen trong chiếc loa thùng. Vị này cho rằng, theo Điều 163 Bộ luật Dân sự thì 5 triệu yen là tiền chứ không phải vật.
Vị luật sư này cũng viện dẫn Khoản 7 Điều 170 và Khoản 1 Điều 274 Bộ luật Dân sự để khẳng định, chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng sẽ phải đợi 9 năm mới được nhận số tiền, nếu không có ai tranh chấp và chứng minh được quyền sở hữu của mình.
Tuy nhiên, theo tờ Tuổi Trẻ, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu quan điểm ngược lại.
Ông Hải khẳng định: "Tiền yen hay bất kỳ ngoại tệ nào hoàn toàn không được xem là tiền theo luật Việt Nam vì nó không phải là phương tiện thanh toán.
Mà nếu nó không phải là phương tiện thanh toán (tiền) thì chỉ xem nó như một loại tài sản theo Khoản 2 Điều 174 Bộ luật Dân sự. Do đó, không thể áp dụng Điều 163 Bộ luật Dân sự xem nó là “tiền” như ý kiến trên viện dẫn".
(Tổng hợp)
>> 5 người phụ nữ khổ sở vì mang tên "lạ"
>> “2 ngày rồi, con vẫn nằm dưới sông lạnh giá...”