Hai cán bộ bị bắt vụ ông Chấn có thể bị phạt 15 năm tù giam

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo Luật sư Diện, với hành vi phạm tội gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hai cán bộ bị bắt trong vụ ông Chấn có thể bị phạt 15 năm tù giam...

Liên quan đến vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn, trao đổi với chúng tôi, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10, Viện KSND tỉnh Bắc Giang) và ông Trần Nhật Luật (thượng tá, nguyên phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi cố tình "làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo điều 300 BLHS là hoàn toàn đúng đắn.

"Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10, Viện KSND tỉnh Bắc Giang) và ông Trần Nhật Luật (thượng tá, nguyên phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), là những người đã thực hiện hành vi phạm tội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Từ đó dẫn đến sai phạm khiến ông Nguyễn Thanh Chấn phải chịu án oan 10 năm tù hoàn toàn là việc làm cần thiết bảo đảm pháp luật được thực thi, thể hiện sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn", Luật sư Diện cho hay.

Cũng theo Luật sư Diện, với hành vi cố tình "làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo điều 300 BLHS, hai cán bộ vừa bị khởi tố, bắt tạm giam trên có thể phải chịu mức án phạt 15 năm tù giam.

"Tôi hoàn toàn đồng tình với tội danh "làm sai lệch hồ sơ vụ án" theo quy định tại Điều 300 BLHS. Với hậu quả đã khiến ông Nguyễn Thanh Chấn đã phải thi hành bản án oan sai đến 10 năm tù thì tôi cho rằng hành vi phạm tội của những đối tượng này đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Thêm vào đó, vấn đề này còn phải được xem xét dưới góc độ dư luận và niềm tin của người dân đối với hệ thống cơ quan và cán bộ ngành tư pháp trong xử lý tội phạm về hình sự.

Vậy tôi cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng vụ án này cần phải xem xét xử lý nghiêm khắc theo quy định thì mới có đủ sức răn đe, giáo dục loại tội phạm này nhằm giảm thiểu tối đa oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử án hình sự.

Với hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng như tôi đã nói ở trên thì theo tôi mức hình phạt dành cho những tội phạm trong vụ án này cần phải được xem xét áp dụng Khoản 3 của Điều 300 Bộ Luật Hình sự, với mức án tối đa các bị cáo có thể phải gánh chịu là 15 năm tù giam" Luật sư Diện nhấn mạnh.

Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh.
Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh.

Cũng theo Luật sư Diện: "Ngoài hành vi vi phạm quy định tại Điều 300 BLHS, cơ quan điều tra VKSND tối cao cần tiếp tục xác minh điều tra bổ sung về các hành vi "truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không có tội, ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật, bức cung, dùng nhục hình".

Bởi lẽ, các bị can này có thể vừa là những người có thẩm quyền chỉ đạo điều tra, truy tố lại vùa là những điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp điều tra, truy tố ông Chấn buộc ông Chấn phải nhận tội theo "kịch bản" của họ vậy mới dẫn đến sai phạm nghiêm trọng.

Bản thân ông Nguyễn Thanh Chấn không nhận tội, liên tục kêu oan mà có được những bản khai, bản cung, kết luận điều tra, cáo trạng truy tố trong đó có nội dung ông Chấn đã nhận tội thì có nghĩa phải có sự tác động nhất định về tâm lý hoặc dùng nhục hình buộc ông phải thực hiện việc nhận tội đó".

Ngoài hai cán bộ vừa bị khởi tố, bắt tạm giam trên, theo Luật sư Diện, việc ông Chấn khai bị nhiều điều tra viên khác đánh đập, bức cung, mớm cung... cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng điều tra, tránh bỏ lọt tội phạm.

"Tôi cho rằng việc tiến hành xác minh, điều tra theo lời khai của ông Chấn không khó để xác định được tính đúng đắn của lời khai và sự thật khách quan của vụ án và những kẻ phạm tội đã khiến cho ông này bị đi tù oan 10 năm.

Hồ sơ vụ án có đủ các bản khai, bản cung do các điều tra viên, kiểm sát viên thực hiện và ký kết trong vụ án này, vậy theo nguồn tin, lời khai, tố cáo của ông Nguyễn Thanh Chấn, những người làm chứng có nội dung buộc tội ông Chấn... cơ quan điều tra cần yêu cầu những đối tượng này làm việc, giải trình để làm sáng tỏ và có hình thức xử lý nghiêm khắc.

Trong trường hợp có dấu hiệu của tội "Dùng nhục hình, tội bức cung" theo quy định tại Điều 298 và Điều 299 BLHS thì cần phải khởi tố bổ sung để xem xét xử lý toàn diện vụ án này nhằm trả lời một cách minh bạch trong đường lối xử lý các vụ án hình sự, nghiêm minh, tránh oan sai, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm trước công luận, nhân dân để lấy lại niềm tin đối với ngành tư pháp", Luật sư Diện bày tỏ.

Về việc bồi thường cho ông Chấn, theo Luật sư Diện: "Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Thanh Chấn theo tôi phải căn cứ các quy định tại Bộ luật dân sự và Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà Nước để thực hiện, bản thân các bị can trong vụ án này họ là những người tiến hành tố tụng được giao nhiệm vụ, thực hiện công vụ đại diện cho cơ quan chứ họ không vì tư thù, động cơ, mục đích cá nhân.

Tuy nhiên, họ đã thực hiện sai quy trình, quy định trong hoạt động tư pháp mà mình phụ trách nên dẫn đến sai phạm nghiêm trọng. Vậy họ có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn trong trường hợp này, vì những bị can này đã trực tiếp làm sai lệch hồ sơ vụ án một cách có hệ thống, hồ sơ được tiến hành một cách đầy đủ, kín kẽ khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng khác không thể phát hiện sai phạm để khắc phục.

Nhưng tôi cho rằng trong trường hợp này, theo quy định thì cơ quan tiến hành tố tụng phải đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau đó thu hồi khoản bồi thường này từ những cán bộ sai phạm của mình thì mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn đồng thời phương án này phù hợp quy định, bảo đảm tính khả thi và khả năng thực hiện trên thực tế".

Điều 300. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án

1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

A) Có tổ chức;

B) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 Clip ông Chấn khấn gia tiên:

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại