Tại hành lang Phòng cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, chị Phạm Thị Bích (SN 1982, trú tại thôn Dâu, xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) nức nở, cầu trời khấn phật mong cho đứa con trai 5 tháng tuổi bị sởi đã biến chứng sang phổi qua cơn hoạn nạn. Còn tại Bệnh viện Nhi TƯ, chồng chị - anh Khúc Văn Khôi (SN 1982) cũng đang tất bật chăm lo cho cô con gái song sinh đang điều trị viêm phổi, nay phổi đã trắng hết phải thở máy.
Hết nước mắt vì con nằm trong “tâm bão” sởi
Tại phòng cấp cứu khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi bắt gặp vô vàn những ánh nhìn vô định. Họ không biết nhìn về đâu khi những đứa con đứt ruột đẻ ra đang đau đớn chống chọi với dịch sởi. Mỗi ngày đọc báo, nghe đài, thấy con số trẻ nhỏ ra đi vì sởi tăng lên vùn vụt mà họ không khỏi rùng mình sợ hãi cầu cho “thần chết” đừng quét qua gia đình mình.
Trong góc căn phòng, chúng tôi thấy một người mẹ trẻ mặt phờ phạc, mắt thâm quầng. Chị là Phạm Thị Bích, mẹ của hai đứa trẻ sinh đôi mới được 5 tháng tuổi thì cả hai đều nhập viện vì sởi. Hiện chị đang chăm sóc cháu nhỏ là Khúc Đức Anh (sinh tháng 10.2013). Nhìn con trai khóc không thành tiếng, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật, chị Bích không cầm được nước mắt, chia sẻ: “Tôi sinh đôi được hai cháu, một trai, một gái. Tưởng số mình sung sướng vì có cả nếp lẫn tẻ ai ngờ giờ các cháu lại ra nông nỗi này. Cháu ra trước là chị, tôi đặt tên Khúc Phương Linh mới đẻ được 2 ngày đã phải nhập viện cấp cứu vì sinh thiếu tháng.
Sau khi ra viện một thời gian về nhà thì cháu bỏ ăn, vợ chồng tôi lại đưa cháu vào viện và được các bác sĩ kết luận là viêm phế quản, suy dinh dưỡng nặng, phải ở lại viện điều trị. Từ lúc cháu Linh sinh ra, thời gian nằm viện còn nhiều hơn ở nhà. Hiện chồng tôi đang trông cháu Linh bên Bệnh viện Nhi T.Ư. Cháu phải thở máy, phổi đã trắng hết rồi, khó mà qua khỏi. Các bác sĩ bên đó cũng nói với vợ chồng tôi cháu rất dễ nhiễm sởi nữa nên gia đình cứ chuẩn bị tinh thần…”.
Nói đến đây, chị Bích nức nở khóc nghẹn. Mẹ chồng và mẹ đẻ chị ngồi bên cạnh, trấn an tâm lý mãi chị mới có thể tiếp tục câu chuyện: “Cháu thứ hai là Khúc Đức Anh, khi chị cháu vào Bệnh viện Nhi T.Ư được hai ngày thì cháu Anh cũng bị sốt cao, vợ chồng tôi đưa vào viện huyện rồi lên viện tỉnh. Sau đó, các bác sĩ lại giới thiệu cháu lên viện Nhi T.Ư, nhưng tại đây các bác sĩ nói cháu chỉ bị sốt virus, nói gia đình đưa cháu về quê kiểm tra lại vì bệnh viện đã quá tải, không nhận thêm bệnh nhi nữa, chỉ những trường hợp quá đặc biệt mới được nhập viện. Gia đình tôi không biết đi đâu về đâu nữa.
Tôi sợ cháu mắc dịch sởi nên lại đưa cháu sang Bệnh viện Bạch Mai, may mà bên này cháu được nhập viện, nhưng sang tới đây thì các bác sĩ nói cháu đã bị sởi nặng, biến chứng sang phổi rồi. Hiện cháu đang thở bình oxy nhưng rất yếu, nếu không khá hơn sẽ phải thở máy”.
Từ hôm hai con cùng vào viện, chị Bích hốc hác đi trông thấy. Những lúc ra ngoài đi mua cơm, canh, chị cũng cố đi thật nhanh để trở về bên con. Chị sợ con chị không qua khỏi cơn nguy hiểm, sẽ rời chị đi bất cứ lúc nào bởi mấy ngày nay chị đã chứng kiến nhiều gia đình đưa con về vì không còn cơ hội sống. Nhìn người mẹ trẻ gầy khô, hốc hác, nước mắt ngắn, nước mắt dài mà chúng tôi cũng không kìm được nước mắt.
Gia đình đã khánh kiệt
Khi con bị bệnh gia đình nào cũng tất tả chạy chữa cho con, dù trong nhà không còn một đồng nào. Đó cũng là hoàn cảnh của gia đình chị Bích, anh Khôi hiện nay. Từ ngày sinh con ra, cháu lớn Khúc Phương Linh đã nằm viện liên tục, sau đó lại tới cháu nhỏ Khúc Đức Anh, nên làm được đồng tiền nào hai anh chị lại dốc hết vào chạy chữa cho con trong bệnh viện.
Chị Bích vốn trước kia đi làm công nhân tại địa phương. Đồng lương vốn đã eo hẹp, từ ngày sinh con, con lại vào viện thường xuyên nên chị xin nghỉ việc, theo con vào bệnh viện. Còn anh Khôi nhận tất cả những việc mà người ta thuê làm, từ xe ôm, công nhân, đến bốc vác, miễn là có tiền cho con đi viện.
Giờ nhìn con nằm đó, hơi thở dồn dập, bụng phập phồng, mắt lơ mơ ngủ, xung quanh là dây truyền khắp người, thỉnh thoảng lại ho lên từng hồi, tiếng ho thắt nghẹn không thoát ra nổi khiến anh không cầm được nước mắt. Ngày ngày, anh Khôi vẫn đi đi lại lại giữa Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Bạch Mai để xem xét tình trạng của hai con cũng như động viên, trấn an tâm lý cho vợ.
Chị Bích tâm sự, tính sơ sơ từ ngày vào viện gia đình đã chi hết gần 100 triệu đồng. Phần lớn số tiền đó hai vợ chồng đi vay lãi bên ngoài bởi thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ chữa trị cho con tháng đầu tiên nằm viện. Chị Bích cho biết, hiện vợ chồng anh chị không làm được việc gì vì phải ở bên cạnh chăm con, bà nội và bà ngoại cũng phải bỏ bê việc đồng áng ở quê lên Hà Nội phụ giúp vợ chồng chị chăm nom cháu. Ông nội và ông ngoại ở quê chỉ biết chăn nuôi gà, vịt, bán được đồng nào là lại dồn hết gửi lo cho hai cháu nằm viện.
“Các con không biết nằm viện tới bao giờ, mà có nằm tới bao giờ thì bằng mọi giá vợ chồng tôi cũng phải vay mượn chữa trị cho cháu. Tài sản lớn nhất của chúng tôi chỉ có hai con thôi, các con có mệnh hệ gì, chắc tôi không sống được… Nhưng biết vay thêm tiền ở đâu nữa đây, bà con họ hàng cũng đã giúp đỡ hết sức có thể rồi, vay lãi ngoài chúng tôi cũng đã vay rồi.
Hiện gia đình tôi 4 người ở viện, thức ăn đắt đỏ, mỗi bữa ăn xuất cơm 25 – 30 nghìn đồng mà vẫn chưa đủ no nhưng cũng không dám ăn hơi. Rồi tiền thuê nhà trọ nữa. Mỗi đêm luôn có hai người túc trực bên hai cháu, hai người còn lại phải về nhà trọ ngủ để hôm sau thay phiên trực... Vợ chồng tôi cũng cố dè xẻn, tiết kiệm lắm rồi”, chị Bích nức nở tâm sự.
Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.
Tài khoản: 1902.798.7602.011
Dương Thị Hà Vân - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 17, tòa nhà VTC Online số 18 đường Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.