“Trường phái” ngụy biện đó, thậm chí, đã đi xa hơn khi “mượn” cả Kinh Thánh để “giãi bày”: Chẳng phải vì sai lầm - không nghe lời Chúa dặn mà Eva và Adams đã ăn trái cấm, do vậy mới có loài người sao?...
Cái cung cách thích bày biện những lỗi lầm để nhận được sự cảm thông dường như đã tạo nên đặc tính “hổng giống ai” của thời nay - thời của sợi dây kinh nghiệm rút hoài chẳng hết và mọi lỗi lầm đều dễ dàng chặc lưỡi cho qua…
Xin khẳng định rằng đã đến lúc chúng ta cần phải dứt khoát đoạn tuyệt với mọi loại hình bao biện đầy tai họa bởi cứ tìm cách đổ tội cho thiên tai, chiến tranh hay bất kỳ một lý do nào đó đã trở thành căn bệnh nguy hại vô cùng.
Hãy bắt đầu từ "HAI NỖI ĐAU" không đáng xảy ra chỉ trong vòng một tuần từ hai cái… chân!
Một nữ sinh 16 tuổi ở Đắc Lắc bị gãy chân trong một tai nạn giao thông. Bó bột cố định là bài học sơ đẳng nhất của ngành y nhưng kết quả là cái chân đó bị hoại tử, phải cắt bỏ.
Một người phụ nữ 49 tuổi ở Đà Nẵng, cũng bị gãy chân, phải mổ, rồi tử vong!
Thiếu nữ Lê Thị Hà Vi trên giường bệnh sau khi bị cưa một chân - Ảnh: Thùy Dương.
Chẳng một người nào dẫu có chút lương tri ít ỏi, lại có thể cầm lòng nổi trước hai sự thật rành rành về sự kém cỏi của các cán bộ ngành y có liên quan đến những vụ việc đau lòng trên.
Chắc chắn những người gây ra hai tai họa đó ít hay nhiều cũng sẽ dằn vặt và day dứt vì tội ác (vâng, chính xác, đó là tội ác) mà họ đã gây ra.
Sự tắc trách là không thể chối cãi, cái tinh thần lương y như từ mẫu hoàn toàn vắng bóng cũng là một trong những căn cớ gây ra tai họa…
Thế nhưng, mục đích của bài viết này là muốn cảnh báo về sự “dốt, kém” đã và đang trở thành một thứ dịch bệnh hoành hành khắp nơi, gây ra không biết bao nhiêu hậu quả cho toàn xã hội, làm trì trệ đất nước.
>> Xem thêm những bài viết của tác giả TẠI ĐÂY
Dẫn chứng có nhiều lắm, chỉ xin nêu vài vụ việc điển hình…
Chỉ mới đây thôi, dư luận cả nước đã choáng váng khi biết sự thật là một nữ doanh nhân, bằng cách lập khống hồ sơ, quay vòng tài sản thế chấp giả mà vẫn có thể lừa được… 7 ngân hàng với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Gần đây hơn, một giám đốc vừa bị truy tố vì tội giả mạo hồ sơ, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng – và vẫn là “bài học thuộc” là lửa đảo ngân hàng.
Ngay trong ngành giáo dục – nơi luôn được coi là cái kho trí tuệ, tinh hoa của bất kỳ dân tộc nào thì lại luôn là đầu mới của khuất tất, kém cỏi. Mới nhất là việc báo chí rộ lên về chuyện cần phải bỏ bớt các "môn học vô bổ".
Sơ sơ vài ví dụ dễ thấy, chưa đủ lâu để quên trên đây để thấy rằng cái kém, cái dốt đang được “vận hành” trôi chảy đến mức nào!
Không ai không biết ngành ngân hàng có tính đặc thù là chặt chẽ nhất, cẩn trọng nhất và ít sai lầm nhất. Thế nhưng, ở nước ta, cái sự dốt và sự kém của nó lại trở nên điển hình nhất bởi đó là nơi dễ… lừa nhất.
Trường đại học ra đời, phát triển mạnh mẽ, thành tựu chất đầy gần cả thế kỷ nay, bỗng dưng(!) phát hiện ra rằng có những môn học vô bổ, cần phải thay đổi?
Thì ra, vô bổ nhưng cứ dạy, cứ học thì lầm sao đất nước không đi lùi, văn hóa không xuống cấp, giáo dục luôn mãi là thành quả hạng hai trong con mắt của thế giới?...
Những cái sai, cái kém tương tự như thế có nhiều nhiều lắm.
Chắc chắn đó là nhưng nỗi đau.
Thế nhưng, đó vẫn là chưa đủ.
Lá đơn cầu cứu Bí thư Đà Nẵng của gia đình bà Là.
Cái đau hơn nữa là khi viết, bàn về những điều đó, hầu như ai cũng coi là chuyện nhỏ, chỉ là chuyện… bình thường của sai lầm trong vô số lỗi lầm của nhịp sống bình thường!
Tại sao ta không "thử giật mình" một lần để kết luận rằng các sai lầm đó không hề bình thường bởi nếu không dốt, không kém thì chẳng bao giờ có ở nơi nào người ta mắc phải những điều tương tự?
Tại sao ta luôn mắc những sai lầm mà đa số loài người không phạm phải?
Tại sao ta không nghĩ rằng nếu có những chế tài thích đáng, cách sử dụng người đúng chỗ, đúng việc đồng nghĩa với việc loại bỏ ngay và luôn mọi sự bất tài, kém cỏi thì đỡ tổn thất, mất mất rất nhiều?
Gia đình tôi ở Đông Hà, trong khi tôi làm việc ở Huế. Nhiều năm nay, mỗi sáng thứ Hai, trên chuyến xe sớm bao giờ trên xe tôi đi cũng có đến 80-90% người đi khám bệnh, chữa bệnh ở Huế.
Trung bình, mỗi ngày có không dưới trăm người tìm vào Huế để khám – chữa bệnh. Tôi đã nói nhiều lần, nhiều năm với không ít bác sĩ ở tỉnh Quảng Trị rằng họ có áy náy gì không khi người ta chẳng dám đến chữa bệnh ở tỉnh nhà?
Không có ai xấu hổ và hàng chục năm nay vẫn thế…
Nói như thế để thấy rằng sự kém cỏi của “một bộ phận” bác sĩ ở Đắc Lắc, Đà Nẵng không phải là điều bất thường mà, phải nhấn mạnh rằng có cả một bộ máy đang vận hành bởi những con ốc lắp sai chỗ, những con vít mòn vẹt…
Cái chân của bé Vi chẳng bao giờ còn nữa. Cuộc sống của bà Là đã tắt. Làm sao có thể lại tiếp tục cho rằng đó là “sự cố y tế”, rằng cần phải rút kinh nghiệm; trong khi không ai không hiểu rằng chính dốt nát, kém cỏi là căn cớ đầu tiên của tội ác?