Bệnh nhân mổ chân tử vong ở Đà Nẵng: Chính thức có kết luận

Đình Thức |

Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng khẳng định, viện đã rà soát lại tất cả các khâu tiếp nhận, chỉ định mổ, mổ, hồi sức và tất cả đều đúng quy trình.

> Gia đình bệnh nhân tử vong ở Đà Nẵng cầu cứu Bí thư Xuân Anh
> Đà Nẵng: Người phụ nữ mổ chân do gãy xương đã tử vong
> Chỉ gãy xương vì té ngã, vào viện mổ xong thì khó qua khỏi

Đợi mổ 9 ngày do nhập viện ngày Chủ nhật

Trưa nay 18-3, Bệnh viện Đà Nẵng, Sở Y tế Đà Nẵng đã hoàn tất cuộc họp hội chẩn về trường hợp bệnh nhân Trần Thị Là (trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) tử vong sau ca phẫu thuật chân.

Ngay sau đó, bệnh viện đã tổ chức buổi thông báo nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân Là không được tham dự.

Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ nỗi đau mất người thân cùng với gia đình bệnh nhân.

Ông Thạnh cho hay, ngay sau khi có sự cố của bệnh nhân Là, Ban Giám đốc Bệnh viện đã tổ chức rà soát quy trình điều trị.

“Từ khâu tiếp nhận bệnh, khám, chụp X quang, xét nghiệm, hội chẩn chỉ định mổ, mổ, hồi sức cấp cứu, truyền máu, hồi sức tích cực khi nạn nhân hôn mê đều đúng quy trình.

Quy trình chữa trị cho bệnh nhân Là hoàn toàn đúng quy định, không có sai sót”, ông Thạnh khẳng định.

Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng: Bệnh viện làm đúng quy trình
Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng: "Bệnh viện làm đúng quy trình"

Ông Thạnh thông tin, sau ca phẫu thuật, bệnh nhân Là bị mất 500ml máu. Các bác sĩ đã chỉ định truyền máu bổ sung cho bệnh nhân.

Gia đình bệnh nhân Là cho rằng, bệnh viện truyền nhầm loại máu khiến bà Là bị hôn mê sâu, khó thở. Tuy nhiên, ông Thạnh phủ nhận sự việc này.

Theo ông Thạnh, các quy định về truyền máu ở Bệnh viện Đà Nẵng rất nghiêm ngặt. Bệnh nhân được theo dõi ở khu cách ly đặc biệt nên được chăm sóc chu đáo.

“Trước khi truyền máu chúng tôi tiến hành kiểm tra đến 4 lần, không có chuyện truyền nhầm máu”, ông Thạnh khẳng định.


Bệnh nhân Là thời điểm nguy kịch sau ca mổ

Bệnh nhân Là thời điểm nguy kịch sau ca mổ

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc bệnh viện cũng khẳng định, không có chuyện bệnh viện bỏ mặc nạn nhân sau 9 ngày mới tiến hành ca mổ.

“Do bệnh nhân nhập viện ngày Chủ nhật nên đến ngày thứ 6 chúng tôi mới họp chỉ định mổ. Bệnh nhân được tiến hành mổ ngày thứ 3 là đã rất nhanh.

Bệnh viện cũng quy định rõ quy trình mổ cấp cứu hoặc mổ chương trình. Mổ cấp cứu là sẽ mổ ngay.

Bệnh nhân Là nằm trong diện mổ quy trình, cần chuẩn bị đầy đủ, đánh giá toàn diện trước khi mổ”, ông Nhân nói.

Tử vong do sự cố y khoa

Ông Thạnh khẳng định Bệnh viện Đà Nẵng đã tuân thủ hoàn toàn quá trình chuyên môn và đã làm hết sức trong khả năng của mình về chuyên môn. Các bác sĩ giỏi nhất cũng đã tham gia cứu chữa bệnh nhân Là.

“Sau buổi hội chẩn với Sở Y tế, các phòng ban của Sở và dựa trên kết quả xét nghiệm lâm sàng, chúng tôi đưa ra kết luận ban đầu về nguyên nhân bệnh nhân Là tử vong.

Có 2 vấn đề được đặt ra là do thuyên tắc mạch phổi hoặc do sốc phản vệ khi truyền máu.

Đây là sự cố y khoa. bệnh nhân đã được tiếp đón, theo dõi chu đáo nhưng tình trạng bệnh diễn biến phức tạp”, ông Nhân cho hay.

Ông Thạnh thông tin thêm bệnh nhân vẫn tỉnh táo sau ca mổ. Gia đình đều có thể nói chuyện với bệnh nhân sau đó mới xảy ra biến chứng.

“Trong y văn, những trường hợp gãy xương dài, phức tạp thường có biến chứng thuyên tắc phổi với tỉ lệ từ 1- 3 người/100 bệnh nhân. Khoảng 30 % người có di chứng thuyên tắc phổi dẫn đến tử vong.

Các trường hợp xảy ra biến chứng này thường tiên lượng rất nặng nề”, ông Thạnh cho hay.

“Gia đình bức xúc do không nắm rõ chuyên mô. Bệnh nhân mới mới 49 tuổi nên chúng tôi cũng rất đau lòng. Chúng tôi đã kiểm tra và quy trình điều trị không có vấn đề gì, chỉ là sự cố y khoa.

Bệnh viện sẽ nhanh chóng báo cáo sự việc lên UBND TP Đà Nẵng và Thành ủy Đà Nẵng để tránh gây hoang mang dư luận”, ông Thanh kết luận.

Trao đổi với PV Trí thức trẻ, bác sĩ Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM cho rằng, chấn thương của bà Là là khá phức tạp.

“Tôi không có hồ sơ bệnh án đầy đủ nên không thể khẳng định. Với chấn thương “liên lồi cầu xương bên phải dạng phức tạp” có thể xảy ra nhiều biến chứng.

Bệnh nhân ở tuổi 49 thì xương, khớp bắt đầu thoái hóa nên mọi vấn đề đều có thể xảy ra. Khi phẫu thuật có thể dẫn đến tắc huyết mở gây tắc mạch cấp tính và chảy máu.

Hoặc bệnh nhân có thể sốc phản vệ với bất cứ loại thuốc nào.

Tôi cho rằng, xu hướng chung là bác sĩ thường mổ sớm. Nếu để muộn phải có lý do, sắp xếp lich không phải là nguyên nhân. Mổ ở ngày thứ 9 không phải là muộn và không sớm. Đây không thể là nguyên nhân chính gây tử vong”, bác sĩ Lý cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại