Hà Nội: Hy hữu chuyện học cùng… người "cõi âm"

Trần Thụ |

Từ nhiều năm nay, các học trò trường THPT Trần Hưng Đạo thuộc địa bàn phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội đã và đang phải học cùng… người "cõi âm" khi trường này mở rộng sân chơi trùm lên khu đất vốn là nghĩa địa cổ.

Sân chơi vốn là … bãi tha ma

Theo các bậc cao niên ở tổ dân phố số 4, phường Phú Lãm, hàng trăm năm trước đây, khu sân chơi phía sau của trường THPT Trần Hưng Đạo xưa kia là khu nghĩa địa, chủ yếu của làng Quang Lãm.

Ngôi làng cổ này với hàng trăm hộ dân sinh sống, đông nhất là 3 chi (chi Giáp, chi Ất, chi Bính) thuộc họ Nguyễn... đều lấy khu gò này làm nơi mai táng người thân quá cố.

Ông Nguyễn Văn Tượng (87 tuổi) nguyên cán bộ ruộng đất xã Phú Lãm (nay là phường Phú Lãm) cho biết: Khu sân trường hiện nay vốn xưa là nghĩa địa cổ của làng Quang Lãm...

Sau này nhà trường xây tường “quây” toàn bộ nghĩa địa cổ lại. Đến năm 2012 tiến hành đổ bê tông bề mặt (dày hàng chục cm), bao nhiêu mồ mả vô chủ đã bị vùi lấp.

Nếu “khai quật” sân chơi của trường lên, tôi cam đoan là còn đầy hài cốt - ông Tượng nói.

Tồn tại do… quá khứ

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch UBND phường Phú Lãm nói, theo tài liệu nhà trường cung cấp, năm 1987 UBND tỉnh Hà Sơn Bình giao 11.280 m2 đất để xây dựng trường PTTH Bắc Thanh Oai (nay là trường Trần Hưng Đạo).

Năm 2002, UBND tỉnh Hà Tây đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường này. Tuy nhiên mới đây chúng tôi đã đo đạc lại và diện tich thực tế của trường chỉ còn 10.482 m2.

Ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ có liên quan như biên bản giao đất, sơ đồ địa chính, sổ mục kê chúng tôi đều không nắm được.

Trước câu hỏi có hay không nhiều hài cốt còn nằm dưới sân trường và khi qui hoạch, giải phóng mặt bằng có thông báo với người dân theo trình tự qui định hay không?

Ông Cường nói: Tôi không phải người địa phương và mới nhận công tác từ 2013, nhưng cũng  nghe nói đến việc này. Nếu có chuyện đó, thì cũng do tồn tại từ quá khứ.

Sáng 3.5 chúng tôi đã liên hệ với trường Trần Hưng Đạo gặp 1 nữ giáo viên (được biết là phó hiệu trưởng) cô này nói: Hiệu trưởng đi họp rồi, tôi còn phải lo công việc của phòng trưng bày.

Liên hệ (qua điện thoại) với ông Nguyễn Văn Chính – Hiệu trưởng nhà trường, ông trả lời:

Anh không cần phải gặp chúng tôi đâu, đến 15/6, vấn đề này sẽ được liên ngành (giáo dục, tài chính, kế hoạch và đầu tư…) họp để xem xét.

Mộ tổ bị… “giam”

Hiện tại trong khuôn viên trường Trần Hưng Đạo đang tồn tại 2 ngôi mộ cổ. Một trong 2 ngôi là mộ tổ của họ Nguyễn.

Theo ông Nguyễn Thái Ngọc (trưởng chi Bính họ Nguyễn) thì trước đây khu nghĩa địa không nằm trong khuôn viên nhà trường và mộ tổ của họ Nguyễn đã tồn tại ở đây khoảng 400 năm.

Sau này thấy nhà trường quây tường rào và bỗng dưng ngôi mộ tổ của chúng tôi gồm 3 ngôi nằm lọt vào khuôn viên.

Hàng năm, con cháu xa gần về viếng tổ tiên gặp nhiều phiền hà bởi phải được sự nhất trí của trường mới được vào hương khói.

Ha Noi: Hy huu chuyen hoc cung… nguoi “coi am“
PV đang trao đổi với ông Nguyễn Văn Tượng.

“Đến 2012 trường tiến hành đổ bê tông sân chơi (dày hàng chục cm) bao nhiêu mồ mả vô chủ đã bị vùi lấp.

Nếu “khai quật” sân chơi của trường lên, tôi cam đoan là còn đầy hài cốt, mồ mả”  ông Tượng nói.

Thời gian qua ngôi mộ đã xuống cấp, vỡ và sụt lún nghiêm trọng, dòng họ Nguyễn đã nhiều lần đề nghị phía nhà trường và chính quyền địa phương tạm thời cho tu sửa, chỉnh trang ngôi mộ nhưng không được chấp thuận.

Ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch UBND phường Phú Lãm cho rằng, việc để 1 ngôi mộ trong khuôn viên làm ảnh hưởng đến môi trường dạy và học.

UBND phường và nhà trường cũng đã vận động phía dòng họ di dời ngôi mộ, nhưng dòng họ Nguyễn chưa nhất trí.

Ông Cường cũng cho rằng khi tiến hành xây dựng, việc nhà trường không thông báo, rà soát di dời mồ mả là thiếu sót, nhưng đấy là vấn đề tồn tại  từ trước.

Tuy nhiên phía dòng họ Nguyễn lại cho rằng nhà trường đã… lấn sang đất khu nghĩa địa cổ và “quây” luôn mộ tổ của họ, bởi đã có quyết định giao đất phải có sơ đồ địa chính kèm theo và khi tiến hành thi công công trình phải rà soát mồ mả thông báo cho người dân biết...

Anh Nguyễn Xuân Thắng – con cháu ở làng này cho hay, chúng tôi ai cũng biết sự việc tồn tại trong quá khứ để lại.

Và cũng rất biết nơi đây là môi trường học tập, con em chúng tôi cũng đang học tại đây.

Một năm đại diện con cháu cũng chỉ xin phép vào thắp nén nhang một đến hai lần dịp ngày giỗ và tết thanh minh, mọi việc diễn ra trong trật tự văn minh, không hề có việc tổ chức cúng lễ mê tín gì ảnh hưởng tới nhà trường.

Anh Thắng cho rằng, cách giải quyết của cấp xã/phường và Lãnh đạo nhà trường thời gian qua rất phản cảm, thiếu sự tôn trọng khi đã cho xây khu nhà vệ sinh vào cuối sân, sát vị trí các ngôi mộ.

Dịp Tết Ất Mùi mới đây (04 Tết), khi đại diện con cháu thuộc chi Bính đến đây xin thắp nén nhang nhưng cũng bị cửa đóng then cài, đành ngậm ngùi quay về.

Thiết nghĩ vụ việc cũng đã lỡ rồi, do cách làm ẩu của những cán bộ trước; khu mộ đã có từ hàng trăm năm nên sụt vỡ nhếch nhác ngay nơi sân trường nhưng từ nhiều năm qua chưa có phương án di chuyển và cũng không cho trùng tu.

Sự việc này người dân đâu có lỗi. Mà lỗi thuộc về cách ứng xử, giải quyết của cán bộ nhà trường và cấp chính quyền Quận, Phường sở tại.

“Cá nhân tôi mong muốn Phường cùng nhà trường xem xét khách quan toàn diện, hợp tình hợp lý, tránh đổ lỗi do quá khứ mà buông xuôi, hay đưa ra các biện pháp áp đặt cứng nhắc.

Phải làm sao để đạt tới sự đồng thuận sẻ chia, cùng dòng họ Nguyễn có giải pháp di dời ngôi mộ” – Anh Thắng nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại