Hy hữu: Học sinh Hà Nội tá hỏa gọi bố mẹ mang quần đến phòng thi

Thiên Di |

Sáng nay (11/6), nhiều thí sinh lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì quên quy chế không được mặc quần soóc, ngố vào phòng thi.

Sáng nay (11/6), gần 80.000 học sinh Hà Nội bước vào kỳ thi lớp 10. Theo ghi nhận của phóng viên ở điểm Trường THPT Hà Nội Amsterdam, nhiều thí sinh không được vào phòng thi vì mặc quần soóc, quần ngố.

Em Khắc Bình (THCS Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hôm qua (10/6), nhà trường đã phổ biến quy chế thi yêu cầu thí sinh phải mặc đồng phục nhưng nhiều bạn cũng quên.

Nhiều thí sinh quên quy chế thi nên mặc quần ngố đến thi sáng nay.

Nhiều thí sinh quên quy chế thi nên mặc quần ngố đến điểm thi sáng nay.

Khi đến trường nghe thông báo từ loa về quy định mặc đồng phục, quần dài, nhiều em mới tá hỏa gọi điện cho bố mẹ quay về nhà mang quần dài đến cho kịp giờ vào thi môn Ngữ văn sáng nay.

Nhiều trường hợp do nhà xa nên bố mẹ đã “chống cháy” bằng cách quay xe đi mua gấp quần cho con để thay thế.

Thậm chí, có em không gọi được cho người nhà hoặc nhà xa đã được các phụ huynh khác giúp đỡ chở đi mua quần dài.

Một phụ huynh cho rằng, quy định như vậy là khắt khe quá vì trời nắng nóng, nhà trường nên “mở” quy chế để giúp thí sinh thoải mái nhất khi làm bài, miễn là trang phục không quá lố.

Nhiều phụ huynh cho biết, nhà trường ngày hôm qua đã phổ biến quy chế thi nhưng nhiều em không để ý hoặc quên.

Nhiều em gọi điện cho bố mẹ hoặc được chở người nhà chở đi mua quần dài.

Nhiều em học sinh được người nhà chở đi mua quần dài.

Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Văn Như Cương (Chủ tịch Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh) tỏ ra bất ngờ với tình huống xảy ra sáng nay.

Ông cho rằng, nếu trong quy chế thi vào lớp 10 không có thì bản thân các em cũng nên ý thức được việc mặc như thế là không đúng, không nên.

“Làm sao mà quy chế quy định cụ thể, chặt chẽ từng việc thí sinh phải mặc quần dài, đi dép như thế nào. Chẳng lẽ phải nói rằng cấm các em mặc quần đùi, đi chân đất – những điều tối thiểu của học sinh khi đến trường?

Bản thân trong quy định trang phục đến trường đã yêu cầu các em mặc chỉn chu, lịch sự phù hợp với lứa tuổi và môi trường giáo dục.

Tôi cho rằng, quy định mặc đồng phục khi tham gia thi tuyển sinh THPT là đúng”, PGS.TS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm.

Mặc dù được phổ biến nhưng nhiều em vẫn quên.
Mặc dù được phổ biến nhưng nhiều em vẫn quên.

Ông nói thêm rằng, ở trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, ông chưa thấy trường hợp nào đến thi mặc trang phục như vậy. Nếu có thì Hội đồng thi sẽ không cho thí sinh vào thi cho đến khi thí sinh thay đồng phục học sinh.

“Thậm chí riêng chuyện vi phạm vậy cũng có thể đánh trượt các em. Bởi tôi cho rằng, các em đã cẩu thả và quá thoải mái.

Tôi không hiểu bố mẹ các em sao lại chấp nhận việc con mặc quần đùi, áo phông, quần ngố trước khi tham gia một kỳ thi quan trọng như vậy mà không nhắc nhở, bảo ban con.

Hay các em đó coi thường kỳ thi lên cấp này khi ăn mặc như vậy? Nếu đúng thì tôi không chấp nhận được”, PGS.TS Văn Như Cương nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của thầy Cương, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng – Chủ tịch Hiệp Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng, việc yêu cầu học sinh thay quần dài như vậy là đúng quy chế.

Một thí sinh chạy vội vàng phòng thi sau khi bố mẹ đã lấy quần dài.

Một thí sinh chạy vội vàng vào phòng thi sau khi bố mẹ đã mang quần dài đến.

TS. Tùng Lâm nhấn mạnh: “Nguyên tắc của học sinh là thực hiện đúng quy định của nhà trường, quy chế thi đã được thông báo trước.

Các em mặc quần ngắn, ngố là vi phạm quy chế. Thậm chí, tôi cho rằng, Hội đồng thi nên quy định thí sinh mặc đồng phục đến dự thi.

Trường tôi cũng không cho phép thí sinh mặc quần soóc, ngố vào trường và yêu cầu học sinh về nhà thay đồng phục.

Nếu các em đi học thêm ở ngoài thì có thể ăn mặc thoải mái tùy thuộc vào giáo viên dạy có quy định hay không. Còn vào trường học thì học sinh cần mặc đồng phục chỉn chu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại