Hà Nội chi 75 tỷ, sởi 'cơ bản được khống chế'

Hà Nội chi 75 tỷ đồng để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi. Bộ trưởng Y tế nhận định việc chỉ đạo điều hành của UBND TP trong việc công bố dịch sởi “là đúng".

Hà Nội không công bố dịch là đúng?

Tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội vào chiều 21/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, dịch sởi ở Hà Nội “cơ bản được khống chế” vì 2 tuần gần đây không có ca tử vong, số mắc cao nhưng 4-5 tuần nay giảm.

Về việc không công bố dịch sởi của UBND TP Hà Nội, bà Tiến cho rằng công bố dịch ở Thủ đô là cả một vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, kinh tế, du lịch, giao thông vận tải, giáo dục, … Trường học sẽ đóng cửa, giao thông sẽ hạn chế nếu công bố dịch sởi.

Bộ trưởng Y tế nhận định việc chỉ đạo điều hành của UBND TP Hà Nội trong việc này “là đúng”.

Ngay trước giờ thị sát của Bộ trưởng Y tế thì tại BV Bạch Mai đã có thêm 1 ca tử vong do sởi. Trẻ tử vong là bé 25 tháng tuổi (Hà Nội), người mẹ đưa đứa con đầu lòng về an táng, lòng đầy lo lắng vì đứa con thứ 2 mới 7 tháng tuổi cũng đang cấp cứu, phải thở ôxy vì biến chứng viêm phổi tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai).

Bác sĩ cho biết, đây là chùm ca bệnh đặc biệt vì cả 2 anh em ruột đều bị quá nặng. Trước đó cũng có chùm bệnh nhân nhưng chỉ một trong 2 bé bị nặng và đều được cứu sống.

Bà ngoại của 2 bệnh nhi trên cho biết, mẹ của các bé bị sởi sau đó lây sang cho cậu con trai đầu rồi đến bé thứ 2. Ba mẹ con được đưa vào BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị nhưng do bệnh của 2 bé quá nặng đã được chuyển sang Khoa Nhi (BV Bạch Mai) thở máy.

Trước đó, vào 2 giờ sáng ngày 21/4, một bé 9 tháng tuổi (Hà Nội) cũng tử vong sau 10 ngày nhập viện điều trị sởi tại đây.

Trường học cho nghỉ học nếu có học sinh mắc sởi

Bà Tiến đã chỉ ra 4 nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát mạnh trong thời gian qua gồm: Bệnh nhi dồn vào một nơi, nhiễm trùng bệnh viện, thời tiết quá ẩm làm bệnh hô hấp tăng, trẻ em không được tiêm phòng sởi đầy đủ.

Tại buổi làm việc với BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Bộ trưởng đặt câu hỏi với các chuyên gia dịch tễ: “Miền núi họ dập được dịch, tại sao Hà Nội và TP.HCM là những nơi có điều kiện tốt hơn nhiều lần lại để dịch bùng phát mạnh với nhiều ca tử vong như thế? Nguyên nhân là gì và chúng ta có biện pháp gì để giảm số ca tử vong?”.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về tình hình dịch sởi trên địa bàn thành phố chiều 21/4, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Hà Nội chi 75 tỷ đồng để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi.

Để đáp ứng nhu cầu điều trị hiệu quả và giảm lây nhiễm chéo, các BV thuộc Hà Nội tiếp tục tiến hành các biện pháp: BV Xanh Pôn mở thêm 50 giường bệnh, BV Đống Đa phân luồng và lập khu điều trị riêng biệt, …

Cục Y tế dự phòng cũng chỉ đạo đặc biệt chú ý dịch sởi trong các trường học, nếu có ca mắc sởi cần cho học sinh nghỉ học, tránh tình trạng bùng phát dịch trong cả trường.

Nhận định “Hà Nội không giải quyết dịch sởi tốt sẽ ảnh hưởng đến các địa phương khác”, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lo ngại nguy cơ thiếu vắc xin dịch vụ do nhu cầu tăng vọt. Với vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng, ông Phu nhấn mạnh dù thiếu ở đâu cũng phải đảm bảo cho Hà Nội để “hạ hỏa” dịch sởi.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nhật Cảm, GĐ TT Y tế dự phòng Hà Nội cũng thông tin: Mỗi năm Hà Nội chi tới 7 tỷ đồng cho 448 phường, xã để rà soát (vào tháng 3 và tháng 9) các đối tượng ở hộ gia đình nhằm nắm chắc số lượng cần tiêm chủng.

Theo báo cáo của GĐ Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, từ đầu năm đến 20/4, trên toàn thành phố có 1.253 bệnh nhân sởi, phân bố rải rác ở 356/584 (61%) xã, phường của 30 quận, huyện thị xã.

Trẻ dưới 5 tuổi chiểm 58,1% (trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm vắc xin sởi là 19,7%), nhóm đối tượng trên 15 tuổi chiếm 32,4%.

Bệnh nhân đông nhất ngày 26/3 với 27 trường hợp, từ 26/3 tới 11/4 dịch sởi đạt đỉnh và có xu hướng giảm. Tháng 3 ghi nhận nhiều nhất với 543 ca mắc. 90,2% số mắc chưa được tiêm chủng hoặc ko rõ tiền sử tiêm chủng (trong đó có trẻ dưới 9 tháng tuổi). 14 ca tử vong phân bố ở 11 quận, huyện.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại