Chưa đến tuổi tiêm phòng đã mắc bệnh
Tại BV Nhi Trung ương, Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó khoa Truyền nhiễm cho biết trong mấy ngày đầu tháng 2 đã có 80 bệnh nhân nhập viện vì sốt phát ban nghi do sởi, nhiều trường hợp đã xuất viện, còn 43 cháu phải nằm viện vì có phát ban sởi kèm theo sốt cao, có viêm phổi, suy hô hấp.
Điều bất thường của dịch sởi năm nay là nhiều cháu chưa đến độ tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi) đã mắc bệnh. Độ tuổi này đáng lẽ có miễn dịch từ mẹ truyền sang con, nhưng vì một lý do nào đó khiến miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ.
Theo lý giải của ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội thì những người mẹ sinh con trong giai đoạn này thường ra đời vào thời điểm những năm 1985-1990, có tiêm chủng nhưng chỉ được 1 mũi nên miễn dịch không bền vững. Ngoài ra, nhiều người không cho con bú nên trẻ không nhận đủ miễn dịch từ mẹ để phòng bệnh.
Sởi trở lại vì người dân ngại tiêm chủng?
Lý giải về nguyên nhân khiến bệnh sởi trở lại nhiều trong thời điểm này tại Hà Nội, ngoài lý do khách quan (như sởi đang diễn biến phức tạp ở các khu vực khác) thì một lý do khác được ông Cảm đưa ra là từ năm ngoái tới năm nay có nhiều thông tin liên quan đến tai biến sau tiêm chủng nên có một tỉ lệ nhất định bà mẹ quá lo lắng nên không đưa con đi tiêm. Đó cũng là nguyên nhân làm cho dịch sởi xuất hiện trở lại.
Tại “Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh đông xuân” do Sở Y tế Hà Nội tổ chức diễn ra sáng 8/2, bệnh viện Xanh Pôn báo cáo từ trước Tết tới nay có 110 ca sốt phát ban nghi do sởi, trên 90% số này có biến chứng vào phổi.
Đã có 1 ca viêm não do sởi (vào từ 27 Tết) rất may giờ đã hồi phục. Cháu nhỏ nhất mới 1,5 tháng tuổi đã mắc bệnh, cháu lớn nhất 9 tuổi. Đặc biệt trong 110 ca thì có 4 cháu bé có mẹ cũng bị sởi trong thời gian đang nuôi con.
Việc nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi đặt ra vấn đề liệu lịch tiêm chủng vắc xin sởi hiện nay có cần phải xem xét lại hay không? (Theo lịch tiêm chủng, vắc xin sởi được tiêm mũi đầu khi trẻ đủ 9 tháng và mũi 2 khi trẻ 18 tháng).
Trả lời câu hỏi này, ông Cảm cho biết: Việc chưa đến lịch tiêm phòng đã mắc sởi không phải bất thường vì trong cộng đồng có những trẻ có miễn dịch thấp hoặc không có miễn dịch thì có thể mắc bệnh ở bất kỳ tuổi nào. Số trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi so với tỉ lệ quần thể chung là rất thấp.
Theo ông Cảm, những nghiên cứu trên quần thể lớn thì phần lớn trẻ dưới 9 tháng tuổi vẫn có miễn dịch của mẹ truyền cho và vẫn có khả năng bảo vệ, chỉ có số ít là không đảm bảo. Việc tiêm chủng là phải bảo số lớn, đa số trong cộng đồng và việc tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi đã thực hiện trong nhiều năm nay, hiệu quả rất rõ rệt.
Tại sao trẻ tiêm phòng rồi vẫn mắc bệnh sởi?
Theo lý giải của ông Nguyễn Nhật Cảm, có 2 khả năng dẫn đến việc này. Thứ nhất là trẻ tiêm chưa đầy đủ. Trẻ được tiêm 1 mũi thì nguy cơ mắc bệnh vẫn rất cao.
Thứ hai, nếu trẻ được tiêm đủ 2 mũi vẫn có thể bị sởi (tỉ lệ này rất thấp). Lý do là vì hiệu lực của vắc xin sởi đạt 95-98%, như vậy vẫn có một tỉ lệ rất nhỏ những trẻ được tiêm chủng đủ số mũi nhưng vẫn có thể bị mắc bệnh sởi do đặc điểm về miễn dịch của từng trẻ và nhiều yếu tố khác.
“Nhưng số đó là rất ít, nếu được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo chất lượng thì trên 95% trẻ được bảo vệ”, ông Cảm khẳng định.
Tỉ lệ tiêm vắc xin sởi của Hà Nội nhiều năm nay thường xuyên trên 95%, nhiều năm đạt 98-99%. Theo tính toán, nếu trẻ được tiêm 1 mũi vắc xin sởi thì nguy cơ bị bệnh là 10-20%, nếu tiêm 2 mũi thì nguy cơ này giảm xuống 5-10%.
Để dập dịch sởi đang lan nhanh, ông Cảm cho biết Hà Nội triển khai 2 nội dung: Đáp ứng chống dịch (phát hiện sớm, điều tra, bao vây, khoanh vùng xử lý dập dịch sớm) và Tổ chức tốt công tác tiêm chủng để bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (đến lịch tiêm mà chưa tiêm).
Từ quý I/2014, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội sẽ triển khai labo xét nghiệm sởi nhằm giảm tải các labo ở các viện vừa khiến việc lấy mẫu và cho kết quả được nhanh hơn.
Nhiều dịch bệnh sẽ xảy ra nếu tỉ lệ tiêm chủng thấp
Theo nhận định của ông Cảm, nếu tỉ lệ tiêm chủng thấp thì nhiều dịch bệnh sẽ xảy ra trong thời gian tới. Vì thế, tất cả những trường hợp đã đến lịch tiêm chủng (và chưa mắc sởi) cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Với những bé dưới 9 tháng tuổi và chưa đến lịch tiêm chủng bệnh sởi, ông Cảm khuyến cáo cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng sốt phát ban nghi sởi để tránh lây lan và tăng cường dinh dưỡng để tăng miễn dịch, tăng sức đề kháng.