Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra TNGT liên quan đến việc tồn tại 2 dải phân cách không hợp lý trên cây cầu này.
Theo nhiều người dân, các vụ việc xảy ra chủ yếu vào ban đêm, khi tài xế khó quan sát. Có những tối xảy ra tới 2 vụ. .
Nhiều lái xe phản ánh, mặt cầu hẹp, dải phân cách lại không có biển báo, sơn phản quang thì mờ.
Vào những giờ cao điểm lưu thông qua đây tầm nhìn lái xe bị che khuất nên ô tô rất dễ bị 'nuốt' dải phân cách.
Hầu hết lái xe đều cho rằng, việc tồn tại dải phân cách này trên cầu là bất hợp lý.
Mục sở thị tại “bẫy giao thông” này, PV ghi nhận: Đây là hai dải phân cách nằm trải dọc hai bên cầu Trắng (bắc qua sông Nhuệ), đoạn gần ngã tư Trần Phú – Phùng Hưng – Thanh Bình.
Mỗi dải phân cách dài khoảng 50m, rộng 25cm, cao 35cm song song với hai bên cầu.
Đầu và cuối các dải phân cách không hề có biển báo, sơn phản quang chỗ còn chỗ mất, thành dải phân cách nhan nhản các mảng bê tông nở loét là dấu vết của các vụ va chạm sót lại.
Theo một số người dân ở đây, 2 dải phân cách này tồn tại từ khi cây cầu mới được khánh thành.
Tuy vậy, lúc đó lòng cầu rộng, lượng phương tiện qua lại không nhiều nên ít có tai nạn hay kẹt xe.
Thời gian gần đây, lượng phương tiện tăng cao và việc công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được đưa vào thi công, các mảng tôn chắn làm mặt cầu hẹp lại, tầm nhìn lái xe bị hạn chế, tai nạn thường xuyên xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Nhạn (người dân phường Yết Kiêu, quận Hà Đông) cho biết: “Đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn cũng như việc ô tô mắc kẹt tại đây, nguyên nhân là bởi các dải phân cách này bất hợp lý.”
Bà Sơn, hàng ngày qua lại tập thể dục qua đây cũng thường xuyên chứng kiến những tai nạn, ô tô leo dải phân cách này.
“Hầu như ngày nào cũng có vụ xe kẹt gầm do leo dải phân cách. Vừa mới hôm qua có 2 vụ xe ô tô leo thành.
Mỗi lần như vậy thì các lái xe phải nhờ cứu hộ hoặc thuê người dùng kích mới thoát nạn” - và Sơn nói.