Làng nghề mỹ nghệ sừng Đô Hai được biết đến từ hơn 100 năm nay. Những năm đầu mới xuất hiện, sản phẩm của làng chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân khu vực Bắc Bộ do vậy các mặt hàng cũng chưa được phong phú, các mặt hàng lúc đó chủ yếu là roi ngựa, quai nón, nho mai, bàn chải…
Những con hổ được chế tác tinh xảo từ sừng trâu bò.
Năm 1957 sau khi thành lập hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Thanh Sơn, gồm 70 hộ với 100 lao động chính và 50 lao động phụ, làng nghề bắt đầu sản xuất nhiều mặt hàng mới đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Thời gian này làng có khoảng 160 đến 180 mẫu hàng mang giá trị thẩm mĩ cao như: rồng phượng đôi, anh hùng Tư Ngộ, lược, 12 con giáp... hàng xuất khẩu sang các nước như Liên Xô và Đông Âu, Trung Quốc…
Bộ “Ngũ hổ” được nhiều khách ưa chuộng đặt vào dịp Tết.
Cũng bắt đầu từ khi chế tác ra các mẫu hàng mang tính thẩm mỹ cao, làng sừng Đô Hai được nhiều khách trong tỉnh Hà Nam và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… đặt hàng khá nhiều. Nhất là trong các dịp cuối năm, những người muốn có món quà Tết độc đáo tặng bạn bè, người thân đều tìm đến làng sừng Đô Hai đặt riêng cho mình một vài sản phẩm.
Để có được một sản phẩm bắt mắt, ưng ý và hoàn mỹ từ những chiếc sừng trâu, bò, các nghệ nhân phải trải qua khá nhiều công đoạn.
Lúc mua sừng về phải ngâm với nước từ 12 đến 14 tiếng, sau đó cắt thành ống, hơ ép, réo thành khuôn, rồi đến cắt răng, chà lát, đánh bóng... Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay, tinh mắt.
Sừng trâu, bò trước khi chế tác phải ngâm trong nước từ 12 đến 14 tiếng.
Ngày xưa khi chưa chưa có máy móc thì tất cả các công đoạn đều được làm thủ công. Ngày nay với sự giúp sức của máy móc, các sản phẩm đều được làm kỳ công và tinh xảo hơn.
Được cha ông truyền nghề, anh Nguyễn Văn Đệ (46 tuổi) đã gắn bó với nghề hơn 20 năm nay và ngày một mở rộng quy mô sản xuất. Anh Đệ cho biết: “Tôi đang tính trong thời gian tới sẽ xin tài trợ của nước ngoài để mở lớp giảng dạy cho con em tàn tật trong vùng có việc làm để có thể tự nuôi sống bản thân”.
Để làm trọn vẹn một sản phẩm “ngũ hổ - đại bàng” như thế này phải mất hơn 15 kg sừng và 10 ngày chế tác.
Điều đặc biệt của làng sừng Đô Hai đó là ngay cả những người phụ nữ cũng có thể trở thành một nghệ nhân chế tác sản phẩm tinh xảo từ sừng trâu bò. Với phụ nữ họ gắn bó với nghề đơn giản bởi vì niềm đam mê hơn là thu nhập.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề chị Quyên (42 tuổi) cho biết chị đi làm thuê tuy công không cao nhưng vì đam mê với nghề mà cha ông để lại nên quyết bám trụ.
Là nghệ nhân miệt mài chế tác những chiếc sừng mỹ nghệ, ông Nguyễn Duy Ban (57 tuổi) cho biết khi mới 8 tuổi đã theo cha học nghề, với ông chế tác sừng đã ngấm vào máu thịt của mình.
Nghệ nhân Duy Ban cho biết: “Vào các dịp cuối năm, thông thường từ tháng 11 âm lịch thì khách đến đặt các sản phẩm làm quà Tết khá nhiều, từ tập thể đến các cá nhân. Các sản phẩm đặt đa phần là “tùng, cúc, trúc mai”, tranh ảnh nghệ thuật và “ngũ hổ”.
Những sản phẩm lưu niệm được khá nhiều khách quan tâm ngày giáp Tết.
Tùy vào sở thích của từng khách hàng mà các nghệ nhân có thể làm làm theo yêu cầu của từng người. Trung bình một tác phẩm “ngũ hổ”, “tùng, cúc, trúc, mai” có giá từ trên dưới 5 triệu đồng.
Làng sừng Đô Hai hiện nay có 325 hộ, với 1042 nhân khẩu trong đó có tới 85% làm sừng mỹ nghệ. Đa số các hộ gia đình mua sừng, móng chân trâu bò về làm rồi xuất bán.