Rắn hổ chúa thống trị rừng Tam Đảo

Theo NNVN |

Ẩn sâu trên dãy núi Tam Đảo hùng vĩ cao 1.500 m có một loài bò sát thống trị nơi này. Ngay cả thợ săn lão luyện đối diện với chúng đều toát mồ hôi, bởi chỉ một cú đớp, nạn nhân sẽ chìm sâu vào giấc ngủ ngàn thu.

Ông Nguyễn Văn Phi, một người dân sống dưới chân dãy núi Tam Đảo thuộc xóm Chuối, xã Ký Phú (Đại Từ, Thái Nguyên) vẫn còn sợ khi nhớ lại việc ba cô con gái nổi máu liều rủ nhau bắt rắn hổ chúa.

Ông Phi kể, một buổi sáng mùa đông cách đây không lâu, ba con gái ông là Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Nữ và Nguyễn Thị Trinh dẫn đàn chó săn vào rừng thăm trâu.

Khi qua khe suối cách nhà gần chục cây số, đàn chó phát hiện con rắn hổ chúa đang phơi nắng trên hòn đá cạnh vũng nước. Trước sự xuất hiện của đàn chó, con hổ chúa thay vì bỏ chạy đã quay lại tấn công.

Với những cú mổ nhanh như chớp, rắn hổ chúa hạ gục một con chó săn ngay tại chỗ.

“Thấy chó nhà chết, ba chị em tức quá ném liên tiếp vào rắn hổ chúa khiến nó choáng váng.

Sau đó, chị Hà dùng cây nứa gấp làm đôi kẹp đầu con rắn, chị Nữ hai tay giữ chặt đuôi đề phòng rắn quấn tay chị Hà, còn em chạy về nhà gọi bố lên ứng cứu" - cô em út Nguyễn Thị Trinh nhớ lại.

Thấy con gái mặt tái xanh về báo hai chị đang giữ rắn hổ chúa trên rừng, ông Phi như rụng rời chân tay, bởi nếu bị loài này cắn cơ hội sống sót gần như bằng không. Quãng đường từ nhà tới chỗ thăm trâu bình thường phải đi mất tiếng rưỡi, nhưng hôm đó ông Phi đi như bay hết có 30 phút.

Gặp con, ông trút gánh nặng khi biết chưa đứa nào bị rắn cắn. Sau đó ba bố con ông Phi mới khiêng được mãng xà về nhà. Khi đem rắn lên cân thử được 3,5 kg, dùng thước đo nó dài đúng 3,5 m, đem bán được hơn 600.00 đồng.

Hổ chúa, chúa tể của các loài rắn

Anh Ngô Văn Thông, tay bắt rắn có số má tại xóm Chuối trước đây nay đã giải nghệ, cho biết hổ chúa có tập quán sinh hoạt, săn mồi rất kỳ lạ.

Bình thường các loài như hổ mang, rắn ráo ra khỏi hang, kiếm ăn, giao phối vào mùa hè thì hổ chúa thường xuất hiện vào mùa đông. Bắt đầu từ khoảng tháng 10-12 âm lịch, những thợ săn như anh Thông mới gặp hổ chúa ra phơi nắng.

Loài này phần lớn sống ở rừng già nguyên sinh, rất ít khi lởn vởn quanh khu vực có người sinh sống. Thức ăn của chúng không phải là cóc nhái mà chính là các loài rắn.

“Tôi từng bắt được con hổ chúa nặng nhất là 5 kg, dài 5 m khi nó đang nuốt gọn một chú rắn hổ mang bành nặng hơn 2 kg. Ấy vậy mà khi thấy bóng người, trong nháy mắt nó đã kịp ọe con hổ mang ra khỏi bụng để chạy trốn.

Nhưng tôi nhanh trí quấn áo vào tay bắt gọn. Hôm đó, tôi vớ được quả hên khi vừa bắt được rắn chúa lại nhặt được cả rắn hổ mang về làm thịt.

Rồi rất nhiều lần khác tôi bắt gặp hổ chúa ăn thịt rắn ráo, săn chuột là chuyện thường, chưa khi nào tôi gặp chúng ăn cóc nhái cả” - anh Thông kể.

Để nhận biết đặc điểm của rắn hổ chúa, anh Thông cho biết, loài này có vảy màu đen lấp lánh như than đá, đầu hình tam giác. Khi thấy động, rắn có thể ngóc đầu cao tới một m và dưới hầu rắn là màu vàng.

Cánh thợ săn thường phân biệt rắn cái và rắn đực thông qua đếm vảy từ lỗ hậu môn xuống đến đuôi, nếu là rắn cái sẽ là 9 vảy còn rắn đực 7 vảy.

Mới đây sau khi một người cùng tốp thợ săn rắn chết hụt, anh Thông đã từ bỏ hẳn nghề để quay sang chăn dê. Thỉnh thoảng đi rừng bắt gặp rắn chúa anh Thông không bắt nữa mà chỉ xua cho nó chạy đi nơi khác để khỏi cắn đàn dê.

Thường khi bị rắn hổ chúa cắn ít người sống sót, riêng ông Nguyễn Văn Kỳ ở đội 3, xóm Chuối, là trường hợp hy hữu.

Cách đây một năm, ông Kỳ cùng anh trai vào rừng thăm trâu, khi qua con suối phát hiện rắn hổ chúa đen tuyền lóng lánh đang nằm phơi nắng trên khúc gỗ cạnh lối đi. Nghe tiếng động, con rắn ngay lập tức ngóc đầu lên cao cả mét.

Ông Kỳ ra hiệu cho anh trai vòng ra phía trước đánh lạc hướng còn ông tiếp cận từ phía sau. Nhận thấy khoảng cách vừa đủ, cộng kinh nghiệm lâu năm trong nghề bắt rắn ông Kỳ chộp nhanh đầu con hổ chúa gìm xuống đất.

Tuy nhiên, thật không may tay ông bị vướng vào búi lau sậy, con hổ chúa trong chớp mắt đã quay lại tớp ngay một miếng vào mu bàn tay phải ông Kỳ.

Ông Nguyễn Văn Kỳ chỉ vết cắn của rắn hổ chúa trên mu bàn tay.

“Linh cảm thấy tính mạng có thể bị con rắn tước đi, tôi rút vội con dao đi rừng rạch vết dài phía trên vết cắn rồi dùng miệng hút máu độc nhổ đi.

Sau đó, tôi dùng dây thừng buộc chặt phía trên vết thương rồi bứt đại nắm lá cho vào miệng nhai nuốt lấy nước còn bã đắp vào vết thương.

Trên đường từ rừng về, tôi gọi điện thông báo ở nhà tìm thầy lang bốc thuốc rắn cắn sẵn. Sau khi đắp lá xong đâu đấy, tôi chủ quan nghĩ mình đã sống nên tháo dây garô ở tay ra, chưa đầy một phút sau tôi thấy mình buồn ngủ và ngất lịm đi lúc nào không biết" - ông Kỳ nhớ lại.

Thấy ông Kỳ bất tỉnh, gia đình nhanh chóng đưa ông lên Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ cấp cứu. Nhưng vừa tiếp nhận, các bác sĩ đã trả về đồng thời ngỏ ý thông báo gia đình về nhà lo hậu sự.

Song với suy nghĩ còn nước còn tát gia đình tiếp tục đưa ông lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên. Nhờ biết được loài rắn đã cắn, các bác sĩ có kinh nghiệm tại đây kịp thời cứu ông Kỳ thoát chết.

Phải đúng một tháng sau, ông Kỳ mới bình phục. Tuy nhiên, hậu quả của việc bị rắn chúa cắn để lại với ông Kỳ là căn bệnh suy thận và những lúc trái nắng trở trời đầu đau như búa bổ.

Ông Kỳ nghĩ mình may mắn sống sót có lẽ do con hổ chúa chỉ “vẩy răng” sứt lớp da phía trên ngón tay nơi có ít mạch máu nên lượng độc vào cơ thể không đáng kể. Chứ bình thường từ trước tới nay những ai bị rắn hổ chúa cắn đều cầm chắc cái chết.

“Tôi bị rất nhiều loài rắn cắn nhưng nhát cắn của hổ chúa hoàn toàn khác. Nếu rắn hổ mang bành cắn buốt như tiêm kháng sinh vào bắp thịt và nọc độc chạy đến đâu sưng tấy đến đó thì rắn hổ chúa cắn ngọt sật.

Dù không đau đớn nhưng chỉ độ phút sau là mắt mũi hoa lên, nạn nhân ngất lịm đi, suy hô hấp rồi chìm sâu vào giấc ngủ ngàn thu. Sau bận chết hụt đó tôi không bao giờ bắt bất cứ loài rắn nào nữa" - ông Kỳ kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại