Gia đình 3 đời được cá voi cứu mạng

Theo PLVN |

Từ đời cha, đời mình đến đời con đều có duyên được cá voi cứu sống, ông Đặng Tảo ( SN 1925, ngụ ở Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) hơn 50 năm nay thờ phụng bộ xương cá trong nhà, mỗi năm lại làm lễ giỗ long trọng.

Những cuộc thoát chết thần kỳ

Ở tuổi 88, ông Tảo vẫn giữ được thân hình khỏe mạnh, giọng nói sang sảng. Đây là thành quả của một đời ngư dân lao động, hay như lời ông nói “món quà vô giá mà mẹ biển đã dành cho những người con của biển như tôi”.

Chuyện gần nhất của gia đình liên quan đến loài cá khổng lồ là năm 2012, sau nhiều năm đi “bạn” (một hình thức làm thuê trên tàu người khác), dành dụm được chút vốn, con trai ông lão “ra riêng” với một con tàu trị giá trên 1 tỷ đồng.

Chuyến “mở hàng”, anh dong tàu chạy ra ngư trường Trường Sa, bất ngờ gặp cơn bão Pakha ập đến khiến tàu đang trên đường vào trú tránh “trở tay” không kịp, có nguy cơ lật úp.

Giữa sự sống và cái chết, mọi người phát hiện một “khối đen sì” đang tựa lưng vào mạn tàu. Trấn tĩnh và theo linh tính mách bảo, mọi người nhanh chóng cho tàu “nương” vào đó, chạy đến nơi neo đậu, trú bão.

Trở về đất liền, cả tàu làm lễ khấn vái tạ ơn. Cuộc thoát chết thần kỳ này một lần nữa tiếp tục hâm nóng đề tài cá Ông cứu ngư dân. Ông Tảo quả quyết: “Ông” chứ còn ai nữa, linh thiêng lắm. Nhờ “Ông” phù hộ mà tàu mới bình yên vô sự trở về”.

Ban thờ cá voi trong nhà ông Tảo

Sở dĩ ông lão dám khẳng định như vậy, vì bản thân ông đã hai lần được cá voi “cứu”. Cách đây khoảng 20 năm, thuyền đánh cá ở vùng biển Chu Lai, bỏ neo ở độ sâu 27 sải nước, đêm về khuya trời đột nhiên nổi gió chướng, con thuyền chòng chành như chiếc lá giữa biển.

Trên thuyền lúc đó có 8 người thay phiên nhau điều khiển thuyền tránh gió, vừa… khấn vái cá Ông. Ngay sau đó xuất hiện hai con cá lớn lặng lẽ tựa mình vào hai bên hông con thuyền, lai dắt vào bờ, cập bến lúc trời vừa hửng sáng.

Năm năm sau, thuyền của ông Tảo được cá cứu một lần nữa. Hôm đó đánh cá đến 10h đêm, cá đã đầy khoang, ông Tảo quyết định quay vào bờ sớm hơn thường lệ để tranh thủ nghỉ ngơi cho chiều mai đi chuyến kế tiếp. Con thuyền đang nhằm hướng bờ thẳng tiến, bất ngờ xuất hiện gió Tây Bắc thổi ngược lại, khả năng sẽ bị lật úp do chở nặng.

Như một định mệnh, cá Ông lại xuất hiện bơi trước mũi thuyền khoảng 30m, che chắn hướng gió cho mọi người vào bờ an toàn. Xác nhận sự việc này, đến nay còn hai lão ngư Lê Văn Mai và Huỳnh Đăng (đều trên 80 tuổi, ngụ cùng thôn) là người cùng “mắt thấy, tai nghe”.

Nhìn bàn thờ gia tộc, ông Tảo kính cẩn cho biết thêm một thông tin khiến khách đến thăm thêm sửng sốt: “Ngày nhỏ nghe cha tôi kể lại nhiều lần đi biển cũng đã được cá Ông cứu sống, như vậy nhà tôi đến 3 đời “mắc nợ” biển cả”.

Nửa thế kỷ giỗ cá

Lão ngư dân từ ngày đó lập am thờ trang trọng thờ phụng bộ xương cá. Khách nào đến nhà, muốn “mục sở thị”, chủ nhà lại thắp nén nhang, kính cẩn khấn vái trước am thờ: “Có người trên tỉnh về hỏi chuyện, “Ông” cho con xin được trình bày” rồi gieo đồng tiền âm dương “xin kêu”.

Khi được chấp thuận, ông mới kéo cửa kính am, mang xuống chiếc hộp gỗ nhỏ bằng viên gạch ống, cẩn trọng mở từng tờ giấy điều đỏ. Bên trong, nắm xương cốt đã xỉn màu chì.

Khách xin được chụp hình lưu niệm, chủ nhà lại một lần nữa khấn vái. Khi xong xuôi, ông kính cẩn đặt “báu vật” lại chỗ cũ vẻ thành kính như lúc lấy xuống. Cơ duyên có được bộ xương cá để thờ phụng, lão ngư vẫn còn nhớ như in dù nửa thế kỷ đã trôi qua.

Nơi chôn cất 8 con cá voi ở làng Long Thạnh

Ngày 23/11/1960, thuyền ông câu cá nhám ở khu vực Kỳ Hà (Núi Thành), biển lặng trời trong xanh, mới buông câu một lát đã bắt được hai con cá nhám nặng tới 3 tạ. Chuẩn bị quay về, bất ngờ chiếc thuyền câu khựng lại, lắc mạnh một bên.

Định thần, ông nhận thấy một con cá nhám khổng lồ nặng đến nửa tấn lại mắc câu, đang cố vùng thoát thân.Vật lộn hàng tiếng đồng hồ mới khuất phục được con cá “khủng” vào khoang chứa.

Hôm sau vào bờ, bán cá cho thương lái, ông phát hiện một bộ xương cá đã rữa, tổng trọng lượng khoảng 10 kg bị ói ra từ miệng con cá nhám. Bộ xương được các vị bô lão trong làng xác định là xương cá voi còn nhỏ, bị cá nhám khổng lồ ăn thịt.

Hôm ấy, không ai bảo ai, ngư dân thôn Long Thạnh chung tay mua sắm lễ vật, áo giấy, kính cẩn đưa tang cá. Riêng ông Tảo, sau khi làm lễ, ông xin làng đem bộ xương trên về nhà, lập am thờ cúng và bảo quản cẩn thận.

Hàng năm sau lễ giỗ cá chung ở đình làng vào ngày 10/9 âm lịch, ngày hôm sau đại gia đình ông Tảo lại làm thêm lễ giỗ cá tại gia đình mình.

Ông nói: “Chính tôi đã phát hiện ra “Ông”, không lý gì lại không thờ cúng. Đối với dân đi biển, đây là “cơ duyên” trời định. Hiện tôi tuổi đã cao, không đi biển được nữa, bộ xương của Ngài tôi truyền lại cho con trai như báu vật gia truyền”.

Trong tâm thức của ngư dân, cá voi luôn bảo vệ, nâng đỡ họ trước sóng gió đại dương. Hiện tại riêng xã Tam Tiến, dân làng chôn cất đến con 8 cá voi và xây riêng một đình thờ cá Ông, hàng năm linh đình tổ chức lễ giỗ.

Khoa học cũng đưa ra cách giải thích riêng về hiện tượng cá voi cứu người. Theo đó, khi thời tiết xấu, biển động dữ dội, cá voi lặn sâu để được yên tĩnh, nhưng vì cần phải hô hấp nên thỉnh thoảng lại phải trồi lên mặt nước.

Nếu việc trồi lên lặn xuống kéo dài nhiều ngày đêm, cá sẽ kiệt sức, có thể mất mạng, khi đó thường trôi theo dòng nước và được sóng đưa vào bờ.

Những con thuyền của ngư dân cũng có thể là một nơi giúp cá voi ẩn náu, xáp lại mạn thuyền, nương vào đó tránh bão và lựa theo sóng vào vùng biển lặng, hoặc vào bờ. Nói cách khác, thuyền bè và cá voi “hợp sức” với nhau trong mối quan hệ “hai bên cùng có lợi” để thoát nạn bão tố.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại