Trong một lần ngồi với nhau, anh bạn chúng tôi đã rất xúc động khi kể về câu chuyện của một người thương binh nặng, mất sức 100% nhưng vẫn lạc quan, tỏ rõ ý chí "thương binh tàn nhưng không phế" vươn lên, trở thành giám đốc một công ty với hàng chục lao động có mức thu nhập ổn định ở giữa lòng thủ đô.
Những lời kể đó đã khiến chúng tôi rất kính phục, trân trọng và đã cố nài nỉ để được anh dẫn đến gặp người thương binh đặc biệt này để xem câu chuyện thực hư ra sao.
Và quả thực, khi được gặp, được tận mắt chứng kiến những gì ông đã làm và được nghe những lời ông chia sẻ mới thấy được ý chí phi thường, sự lạc quan, yêu đời mà cũng giản dị đến lạ kỳ của một anh bộ đội cụ Hồ năm xưa nay đã ở cái tuổi ngoài thất thập.
Ông có cái tên khá hay và gợi lên nhiều ý nghĩa - Vũ Quang Hải. Ông hiện đang giữ chức vụ Giám đốc Công ty thương binh Thịnh Sơn (có trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Giám đốc thương binh Vũ Quang Hải.
Sinh năm 1942, là con thứ hai trong một gia đình nông dân nghèo tại Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội). Năm 1960 sau khi hoàn thành chương trình học, ông được phân về làm công nhân tại đội máy kéo Hà Nội.
Tháng 8/1964, với khí thế "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", cùng với biết bao thanh niên, công nhân các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thủ đô, anh công nhân Quang Hải khoác ba lô lên đường nhập ngũ.
Được biên chế về đại đội 26 Trinh sát (C26 Quân báo), Sư đoàn 308, nơi mà theo ông kể, 1 chiến sĩ bằng một trung đội trưởng ở các đơn vị khác. Sau 3 năm, đến năm 1967, ông tiếp tục được điều chuyển về tiểu đoàn 752 Cục Vận tải.
Chiến dịch Mậu Thân (1968) nổ ra ác liệt, cũng là lúc anh lính lái xe Quang Hải được lệnh lên đường đi B. Trong suốt những năm tháng tại chiến trường B, ông làm nhiệm vụ tại C141 Binh trạm Bắc thuộc B3.
Vừa tham gia vận chuyển vũ khí, quân nhu chi viện vào chiến trường, người tiểu đội trưởng Quang Hải khi ấy còn chỉ huy anh em trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt rất nhiều địch, trong đó đa phần là biệt động 42 của địch.
Với những thành tích xuất sắc, năm 1969, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng và sau đó được thăng lên trung đội trưởng ôtô.
Năm 1972, trong một lần tham gia vận chuyển vũ khí chi viện vào chiến trường, xe của anh bị dính mìn chống tăng của địch cài trên đường. Người chiến sĩ ngồi cùng xe với anh may mắn thoát nạn nhưng anh lại bị thương nặng, mất 2 chân, 1 mắt và nửa hàm răng dưới cùng nhiều vết thương khác.
"Hồi đấy, đưa vào bệnh xá cấp cứu, thấy tôi bất tỉnh, nhiều anh em đã bảo nhau là thôi mang đi chôn chứ thế này thì còn gì mà sống nữa nhưng cũng may người y tá thấy tim còn đập nên đã ngăn lại và bảo cho về tuyến sau chăm sóc, có thể sống được...", người thương binh đã ở cái tuổi ngoài 70 vừa cười vừa kể lại những ngay tháng ác liệt, đau đớn nhất của bản thân.
Và đúng như người y tá nói, sự thần kỳ của cuộc sống đã giữ người thương binh đó ở lại. Sau hơn 2 năm điều trị, trải qua các viện 103, viện 5 rồi trại thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), năm 1974, người thương binh với mức thương tật được xác định 100% đó phục viên trở về nhà.
Người giám đốc thương binh năng động
Khi mới trở về nhà, với những thương tích được kết luận mất sức lao động đến 100%, tưởng chừng như sẽ khiến không ít người trở nên bi quan, thậm chí là gục ngã nhưng với ông Quang Hải thì hoàn toàn ngược lại.
Bãi đỗ xe của Công ty thương binh Thịnh Sơn nơi ông Vũ Quang Hải làm giám đốc.
Ông vẫn lạc quan, vẫn yêu đời, mong muốn được sống, được cống hiến. Một bên chân đã mất hẳn còn một bên có thể sử dụng chân giả, ông liền lắp ngay để có thể di chuyển dễ dàng hơn. Một mắt vẫn sáng cộng thêm 2 tay vẫn có thể sử dụng bình thường, ông vẫn chăm chỉ, cần mẫn lao động, tham gia các hoạt động xã hội.
Năm 1999, cùng với một số người anh em, đồng đội, ông tham gia thành lập HTX Thương binh Thịnh Sơn. Rồi tiếp theo đó, đến năm 2009, ông cùng các đồng đội lại tiếp tục thành lập Công ty Thương binh Thịnh Sơn và ông được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc.
Không như nhiều công ty khác, Thịnh Sơn là công ty được lập ra bởi nguồn vốn của chính các anh em thương binh và nhân viên trong công ty cũng lại chính là thương binh.
Dù ngành nghề kinh doanh chính của công ty là trông giữ ôtô, xe máy, thương mại dịch vụ... nhưng lúc đầu do nguồn vốn eo hẹp trong khi địa điểm hầu hết là phải đi thuê nên hoạt động của công ty gặp rất nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, là sự cạnh tranh của không ít các đơn vị khác cũng khiến công ty chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, một cái đầu không bằng nhiều cái đầu, giám đốc Hải đã tập trung anh em lại, cùng suy nghĩ, bàn bạc và với tinh thần, ý chí của anh bộ đội cụ Hồ năm xưa cùng với sự năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ đã giúp công ty hoạt động ổn định.
Năm 2010, với sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp, công ty chính thức được giao quản lý, khai thác bãi xe A3, rồi tiếp đó là các diện tích kinh doanh ăn uống tại khu tái định cư Đền Lừ 2...
Đến nay, sau gần 4 năm ra đời và phát triển, Công ty Thương binh Thịnh Sơn đã tạo việc làm ổn định cho hơn 20 anh em thương binh của thủ đô Hà Nội với mức lương hàng tháng tối thiểu là 3 triệu đồng. Ngoài ra, hàng năm, công ty đều đóng thuế cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng.
Dù tuổi có cao thêm, sự hành hạ của các vết thương chiến tranh vẫn diễn ra thường xuyên nhưng hàng ngày, trên chiếc xe ba bánh của mình, giám đốc Vũ Quang Hải cũng vẫn cố gắng cùng anh em trong công ty điều hành mọi công việc.
"Nhiều khi mệt, đau lắm nhưng cố ra được đây thì lại khoẻ, bởi ra đến đây mọi người cùng vui vẻ, chia sẻ các câu chuyện, cùng động viên nhau, cùng làm việc, thì mọi mệt mỏi, đau đớn của tôi lại tiêu tan hết. Với tôi, anh em công ty là ngôi nhà thứ hai, ngôi nhà hạnh phúc của tôi", người thương binh già cười thật tươi và nói.
Những hình ảnh, những việc làm của người thương binh Vũ Quang Hải không chỉ là niềm hạnh phúc vì đã chiến thắng bản thân, vượt lên hoàn cảnh của cá nhân, mà còn vì lo được cho cuộc sống của nhiều đồng đội, đưa công ty phát triển, đóng góp cho xã hội, minh chứng cho xã hội thấy giá trị, phẩm chất người lính, người thương binh "tàn nhưng không phế".
Ông Nguyễn Xuân Khoái, cũng là một thương binh, hiện là Chủ tịch HĐTV Công ty Thương binh Thịnh Sơn nhận xét về con người ông Quang Hải: "Chúng tôi luôn kính trọng anh, bởi mặc dù là một người thương binh nặng nhưng trong mọi công việc anh đều không quản ngại khó khăn, cố gắng hết sức mình vì anh em. Hàng ngày, dù có thế nào anh vẫn cố gắng ra để cùng anh em điều hành công việc. Không những vậy, trong sinh hoạt hàng ngày anh cũng rất trung thực, thẳng thắn, nghĩa tình".