>>>Suốt 3 tháng trời ở viện không về nhà, sụt 6 kg để lập nên kỳ tích
Những chiếc phong bì chứa chan nước mắt
Phong bì trong bệnh viện không phải bây giờ mới nói, tình trạng này ở đâu đó vẫn xảy ra hàng ngày gần như thành thông lệ.
Nhắc đến vấn đề nhức nhối này, Theo GS.TS.Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường (Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện 103) – Phó Tổng GĐ Bệnh viện Quốc tế Đa khoa Vinmec nói rằng: “Phần lớn tôi không bao giờ lấy tiền cảm ơn từ người bệnh kể cả sau khi họ ra viện”.
Nói rồi, ông chỉ cho tôi bức trướng to treo trong phòng rồi nói: “Một món quà quý giá người bệnh tặng cho tôi. Họ không biết làm thế nào để cảm ơn bác sỹ nên xin thầy đồ ở Văn Miếu 3 chữ “Đức, Lưu, Quang””.
GS.TS.Thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường.
Sau đó, ông kể cho tôi nghe câu chuyện “phong bì 500, 1000 đồng” của một chị vợ của bệnh nhân mà ông cứu chữa cách đây hơn 20 năm.
Bệnh nhân này bị rắn cắn và ngày ra viện vợ của anh này đưa cho ông một chiếc phong bì rất dày với sự thật thà, chân chất, vẻ mặt phấn khởi.
Ông cầm chiếc phong bì đó và nói với chị vợ: “Tôi đã nhận tấm lòng này của chị và xin phép làm một việc là biếu lại anh nhà để có lộ phí đi đường”.
Dứt lời, ông xin được bóc chiếc phong bì trước mặt người nhà bệnh nhân. Và bên trong chiếc phong bì dầy ấy là 500 đồng, 1000 đồng, chỉ có vài đồng 5000 đồng.
Thấy chị vợ lúng túng, ông nói: “Chị đừng băn khoăn là tôi không nhận bởi tôi đã cầm rồi và muốn biếu lại anh ấy”. “Lúc ấy, chị vợ vội vàng ôm tôi khóc nức nở”.
Lần khác, năm 1981 ông cấp cứu một trường hợp bị ngộ độc chuyển từ Bệnh viện Vân Đình lên Bệnh viện 103. Bệnh nhân này 36 tuổi có 5 đứa con, nhà chẳng có gì ngoài một con lợn lái và 4 -5 con lợn con.
Chị vợ của bệnh nhân kể đã bán tất cả “tài sản” được 300 nghìn đồng và số tiền ấy hết khi đưa anh đi cấp cứu ở quê.
GS.TS Đỗ Tất Cường còn nhớ bệnh nhân này phải chạy thận nhân tạo nếu không sẽ chết. Nhưng khi giải thích với người nhà, người vợ khóc lóc và nói trong túi không còn xu nào cả.
Chị vợ cầu cứu: “Nhà em làm gì có tiền, em lấy thận đâu ra cho anh ấy, em thà chết chứ không có nhiều tiền như vậy”.
“Nghe vậy tôi nói đùa với chị vợ rằng: “Nếu tôi bỏ tiền ra cứu thì chị trả anh ấy cho tôi nhé”. Cô vợ đáp: “Giờ bác làm gì thì làm, chứ em chịu”. Và lúc ấy, tôi bỏ tiền ra cứu anh này. Tôi chạy thận cho anh ấy 5 lần”, ông nhớ lại.
Ông xót xa tâm sự rằng, khi được hỏi: “Nếu anh chồng có chết, chị có làm ma chay không?”. Chị vợ đáp có. “Nhưng tiền ở đâu ra?” ông hỏi như vậy và chị vợ nói: “Lúc ấy hàng xóm mới cho vay tiền chứ giờ nhà em nghèo chẳng ai cho vay”.
Ngày ra viện, chị vợ đến gặp ông với vẻ mặt vui mừng rồi thật thà nói: “Bác ơi, bác lấy anh ấy làm gì, bác cho em. Hôm đó, em quẫn quá thì em nói trả cho bác”.
Câu chuyện ấy in đậm trong tâm trí ông đến bây giờ và đó chỉ là một trong hàng trăm trường hợp ông chứng kiến, góp nhặt trong hơn 40 năm gắn bó với nghề y.
Không ít lần ông thấy đau lòng khi thấy sự vô tình của bác sỹ khi nhận phong bì bởi họ đâu biết rằng đằng sau những chiếc phong bì, chai bia, món quà mà người dân cảm ơn chính là chiếc áo mới cho con, là hộp sữa, là suất cơm đạm bạc của bệnh nhân….
Tuy nhiên ở góc nhìn khác, GS.TS Đỗ Tất Cường thẳng thắn trao đổi đôi khi người nhà bệnh nhân làm “hư” bác sỹ.
Họ có những hành động “đáng xấu hổ” như vội vàng nhét vào túi thầy thuốc vài chục, vài trăm giữa hành lang, luống cuống để vội phong bì trong phòng bác sỹ rồi chạy ra ngoài như làm điều gì giấu giếm.
Lúc ấy, người thầy thuốc sững sờ không hiểu chuyện gì xảy ra, tất cả mọi ánh mắt người khác nhìn vào họ sẽ ra sao?
Họ không kịp phản ứng. “Những hành động đó của người nhà bệnh nhân khiến thầy thuốc khó xử, thậm chí là có cảm giác bị xúc phạm”, GS.TS Đỗ Tất Cường thẳng thắn bày tỏ.
Thầy thuốc không phải là…thánh!
Giãi bày về tình trạng nhận phong bì hiện nay, Nguyên Phó GĐ Bệnh viện 103 nói: “Người thầy thuốc không phải là thánh, họ cũng là con người, cũng có muôn vàn khó khăn trong cuộc sống…
Họ cũng mất ngủ, lo lắng “cơm áo gạo tiền”, lo cho con đi học…Họ cũng bị xã hội tiêu cực tác động ngược lại.
Mức lương họ không đủ chi trả cuộc sống, nếu có người đưa cho họ tiền cảm ơn công sức bỏ ra thì họ dễ dàng nhận. Nhưng không vì thế mà tôi cổ súy cho việc nhận phong bì công khai hay hối lộ”.
“Đa số người thầy thuốc đều tốt, hàng ngày họ cứu hàng trăm nghìn người thoát khỏi tử thần. Họ đang ngày đêm hy sinh thầm lặng mà đâu cần đòi hỏi điều gì. Nếu người thầy thuốc được dạy, đào tạo trong môi trường “tiên học lễ” – học cách tôn trọng, cư xử văn hóa, biết nhường nhịn, yêu thương, trung thực thì họ được nhân lên từ trên nền tảng giáo dục tốt”, GS.TS Đỗ Tất Cường chia sẻ.
Trước câu hỏi: “Liệu người dân còn tin vào bàn tay vàng của bác sỹ hay không nếu liên tiếp xảy ra sự cố đáng tiếc hay tràn lan việc nhận phong bì từ người bệnh?” thì ông cho rằng, người thầy thuốc không phải là “thánh” vì vậy có thể họ gặp sai sót trong quá trình hành nghề.
Cái máy cũng có lúc sai, sơ xuất, đó là những sự cố ngoài ý muốn, bác sỹ không ai muốn bệnh nhân mình chết hay biến chứng…
Hiện nay với vai trò là Phó Tổng giám đốc Bệnh viện Quốc tế Vinmec, GS.TS Đỗ Tất Cường khẳng định ở Vinmec không hề có tình trạng bác sỹ, y tá nhận phong bì từ người bệnh. Có nhiều trường hợp, bác sỹ đã mang số tiền cảm ơn đến tận nhà người bệnh để gửi trả lại.