“Dự án khai thác bauxite nên để cho Quốc hội quyết định”

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - “Việc triển khai dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên cũng tương tự như việc chúng ta đã cưỡi lên lưng hổ. Chính phủ lẫn doanh nghiệp đều cho rằng bây giờ chưa lãi nhưng sau sẽ có lãi, nhưng đây vẫn là lời hứa không được đảm bảo”, Đại biểu Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam) bày tỏ lo ngại.

“Thiếu tầm nhìn”

Liên quan đến dự án bauxite, trao đổi với PV, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “Tiềm năng khoáng sản bauxite ở Tây Nguyên là rất lớn, dự án khai thác bauxite là một dự án lớn của quốc gia, nhất là đang trong giai đoạn thử nghiệm nên cần phải tính toán thật kỹ lưỡng.

Dự án này không thể nói là làm ngay được mà phải thận trọng bởi nó không chỉ liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế chung của cả khu vực Tây Nguyên mà còn liên quan đến vấn đề môi trường, an ninh – quốc phòng của quốc gia”.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc thì dự án khai thác bauxite đã không được tính toán kỹ trước khi triển khai, “thiếu tầm nhìn” và có sự “lách luật”.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Sử học): “Chúng ta sẵn sàng trả giá, chấp nhận hi sinh một phần lợi ích trước mắt để bảo vệ lợi ích lâu dài của đất nước trong tương lai, dứt khoát không thể làm theo kiểu ‘đã đâm lao thì phải theo lao’ được bởi hậu quả của nó sẽ rất nặng nề”.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Sử học): “Chúng ta sẵn sàng trả giá, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích trước mắt để bảo vệ lợi ích lâu dài của đất nước trong tương lai, dứt khoát không thể làm theo kiểu ‘đã đâm lao thì phải theo lao’ được bởi hậu quả của nó sẽ rất nặng nề”.

Đại biểu Dương Trung Quốc nhận định: “Khi trình dự án khai thác bauxite ra Quốc hội để xin ý kiến, Chính phủ đã ‘xé nhỏ’ quy mô dự án, chỉ đưa ra hai dự án nhỏ là dự án khai thác bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) mà không hề tính toán đến các yếu tố liên quan và cần thiết khác để phục vụ cho dự án như cơ sở hạ tầng, đường giao thông, cầu cảng, rồi vận chuyển đi đâu, bằng cách nào,… đây là một thiếu sót lớn.

Trước kia, cảng Kê Gà (Bình Thuận) dự kiến được triển khai để làm cảng xuất khẩu alumin. Trong khi chờ đợi việc hoàn thành cảng này, việc vận chuyển alumin dự kiến sẽ được thực hiện theo hai tuyến đường, trong đó Quốc lộ 20 giữ vai trò chủ yếu. Tuy nhiên vừa qua, Chính phủ đã cho dừng lại dự án xây dựng cảng Kê Gà, trong khi tuyến đường 20 vẫn chưa nâng cấp, sửa chữa xong, việc vận chuyển alumin chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn”.

“Cách làm của Chính phủ là thu nhỏ dự án khai thác bauxite (trên thực tế thì có quy mô và nguồn vốn đầu tư rất lớn) đến mức có thể để không phải đưa ra trình Quốc hội và để tự mình có thể toàn quyền quyết định. Tuy nhiên, khi quyết định cho triển khai dự án này, Chính phủ lại không lường trước được những vấn đề nảy sinh sau đó”.

“Theo tôi, ở đây Quốc hội cần làm rõ trách nhiệm của những bên liên quan trong chuyện này, cụ thể là có hay không chuyện ‘lách luật’ khi trình và thực hiện dự án”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.

“An toàn hay không vẫn còn là ẩn số”

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “Việc triển khai dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên cũng tương tự như việc chúng ta đã cưỡi lên lưng hổ. Từ trước đến nay, cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp (cụ thể là Vinacomin) đều cho rằng bây giờ chưa lãi nhưng sau sẽ có lãi. Nhưng đây vẫn là lời hứa không được ai đảm bảo.

Cho đến bây giờ, vấn đề an toàn môi trường khi triển khai dự án khai thác bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ có được đảm bảo hay không vẫn còn là một ẩn số, chưa có gì là chắc chắn cả. Bài học từ thảm họa vỡ đập chứa bùn đỏ ở Hungary vẫn còn đó như một lời cảnh tỉnh”.

Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên dù đã đầu tư rất nhiều vốn nhưng hiện vẫn chưa có lãi.
Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên dù đã đầu tư rất nhiều vốn nhưng hiện vẫn chưa có lãi.

Cũng theo đại biểu Dương Trung Quốc, sự “thanh minh” của phía Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về việc thua lỗ cũng không thuyết phục: “Vừa qua, đại diện của Tập đoàn Vinacomin cho rằng: hiện tại với giá xuất khẩu 340 USD/tấn theo kết quả đàm phán mới đây thì Vinacomin vẫn chưa có lãi, nếu điều kiện thuận lợi thì sang năm 2014 việc xuất khẩu alumin mới bắt đầu có lãi. Theo tôi, đây là sự thanh minh thiếu tính thuyết phục.

Điều kiện thuận lợi cụ thể là khi nào? Hiện tại, ngay cả việc alumin còn chưa biết bán cho ai, xuất khẩu đi đâu, doanh nghiệp cũng mới chỉ cho biết là alumin sau khi được làm ra thì ‘sẽ xuất khẩu’ và ‘một phần alumin sẽ bán cho Trung Quốc’, tất cả còn rất mơ hồ, không có gì là cụ thể và bảo đảm cả. Ngay cả dự án tận dụng bùn đỏ để chế biến, sản xuất thành thép cũng mới chỉ là dự án trên giấy tờ, thiếu tính khả dụng”.

Ngoài ra, đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho rằng: “Cần thiết phải đưa dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên ra thảo luận công khai trước Quốc hội để lấy ý kiến và để Quốc hội có một quyết định sáng suốt hơn về vấn đề này. Dự án khai thác bauxite không đem lại hiệu quả kinh tế thì nên dừng lại”.

“Chúng ta sẵn sàng trả giá, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích trước mắt để bảo vệ lợi ích lâu dài của đất nước trong tương lai, dứt khoát không thể làm theo kiểu ‘đã đâm lao thì phải theo lao’ được bởi hậu quả của nó sẽ rất nặng nề”, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại