“Chỉ nên thử nghiệm”
Trao đổi với PV về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết, không phải bây giờ mà ngay từ khi dự án mới bắt đầu khảo sát để triển khai, phía Hội đã có ý kiến phản biện về vấn đề này.
TS Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng: “Trước kia, khi dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên mới trong giai đoạn khảo sát, thăm dò và lấy ý kiến, phía Hội VACNE cũng đã có những ý kiến góp ý và phản biện về vấn đề này. Các nhà khoa học cũng đã trực tiếp vào Tây Nguyên, đến các địa điểm đã và sẽ khai thác để khảo sát, nghiên cứu.
Quan điểm của Hội VACNE từ trước đến nay là luôn luôn phải cẩn trọng khi triển khai dự án này. Ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến môi trường từ việc triển khai dự án là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, ngay từ đầu, phía Hội VACNE đã khuyến cáo dự án khai thác bauxite Tây Nguyên chỉ nên tiến hành giới hạn ở phạm vi thử nghiệm”.
TS Nguyễn Ngọc Sinh phân tích: “Chưa nói đến việc thua lỗ về mặt kinh tế khi triển khai dự án mà chỉ xét dưới góc độ môi trường thì rõ ràng dự án bauxite sẽ gây những tổn thất nhất định về môi trường, cụ thể là đất, nước và tài nguyên rừng. Đây là những tổn thất lâu dài và rất khó phục hồi được”.
“Phớt lờ” ý kiến nhà khoa học
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – Trưởng ban Phản biện xã hội kiêm Tổng Thư ký Hội VACNE thì cho rằng ý kiến phản biện và dự báo của các nhà khoa học trước đó là chính xác. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp khai thác đã không lắng nghe mà “phớt lờ” để “cố đấm ăn xôi”.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe khẳng định: “Trong nhiều hội nghị, nhiều nhà chuyên môn đã nói rõ rằng: Khai thác bauxite trong điều kiện hiện nay ở Tây Nguyên là không có lãi, may ra thì hoà vốn. Và điều đó là đúng. Như vậy, những dự báo của giới khoa học là chính xác rồi mà cứ khăng khăng đòi khai thác, giờ đây lỗ lại xin hạ cái này, giảm cái kia tức là anh bắt đầu ăn vào tài nguyên của đất nước rồi.
Tài nguyên cần phải khai thác cho phát triển kinh tế. Nhưng khai thác như thế nào, giá bán như thế nào, nộp ngân sách ra sao lại là một vấn đề khác. Nếu khai thác tài nguyên đảm bảo có lãi thì việc tài nguyên khai thác, sử dụng cho phát triển đất nước là đúng, không ai đắp chiếu một đống vàng rồi chết đói cả. Ở đây, phía Vinacomin – đơn vị khai thác dường như đã cố tình ‘phớt lờ’ đi những ý kiến phản biện của các nhà khoa học”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, tác động tiêu cực đến môi trường từ việc khai thác bauxite là điều khó tránh khỏi, dù có biện hộ bằng cách nào đi chăng nữa. Ngoài ra, những tổn thất môi trường đất là rất khó phục hồi.
“Theo tôi ở những khu vực khai thác bauxite không hoàn thổ được. Quặng bauxite được khai thác trên địa hình rất cao, bây giờ phải mua đất màu chỗ khác phủ lên, phải giữ địa hình sao không rửa trôi, xói mòn vì mưa ở Đắk Nông rất kinh khủng. Trước đây, tôi cũng cũng đã nói, chuyện hoàn thổ là rất tốn kém dù về nguyên tắc người ta có thể làm được.
Nhưng mỏ bauxite mà TP.HCM khai thác ở Bảo Lộc có hoàn thổ được mấy đâu. Vì khi hoàn thổ đất đó sẽ không trồng cấy được gì. Muốn trồng cấy được phải đưa đất màu lên nhưng liệu họ có đưa không? Chuyện hoàn thổ là cả một quy trình chứ không phải đơn giản”, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe phân tích.
Nguy cơ thua lỗ cao
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn – Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng (thuộc Tập đoàn Vinacomin): Với giá bán 340 USD/tấn alumin thì không đạt mục tiêu ban đầu đề ra và giá này thì Vinacomin nắm chắc lỗ lớn. Trung Quốc là khách hàng lớn mua alumin, còn Malaysia thì sức mua có hạn.
Với giá 340 USD/tấn là ở cửa nhà máy hay tại cảng biển thì sẽ rất khác nhau vì nếu ở cửa nhà máy thì giá đó còn lỗ ít nhưng nếu ở cảng thì lỗ rất nhiều vì chi phí vận chuyển quãng đường 260 km là không nhỏ, chưa kể nhà máy hoạt động dưới công suất 600.000/tấn năm thì thua lỗ là cái chắc. Nếu dành phần lớn để xuất khẩu trong năm nay mà tập đoàn tuyên bố cũng khó khả thi.