Bò Kobe là một trong những món ăn có giá đắt đỏ nhất thế giới.
Thịt bò Kobe được chia thành 5 loại từ A1 – A5, giá bán dao động từ 500 USD đến 1.000 USD/kg tùy loại. Tại Việt Nam, thịt bò nhập khẩu có giá không dưới 9 triệu đồng/kg.
Nguyên nhân của việc thịt bò Kobe siêu đắt đỏ là bởi chúng rất hiếm, do nguồn cung ít ỏi, chi phí chăm sóc cao cũng như chất lượng thơm ngon độc đáo.
Trong quy trình chăm sóc loại vật nuôi này, những chú bò sẽ được ăn cỏ non, uống bia và nghe nhạc giao hưởng. Chúng được chăn thả và đóng dấu tai cẩn thận, và chúng cũng có “giấy khai sinh”.
Bò Kobe được đóng dấu tai cẩn thận (Ảnh: Internet)
Một thông tin đáng mừng cho không ít người tiêu dùng trong nước là trong tháng 12 này, những người yêu thích món bò Kobe sẽ được sử dụng thịt bò Kobe giá rẻ, sản xuất trong nước.
Đây là thành quả sau 4 năm triểu khai dự án nuôi bò tại huyện Bảo Lâm – Lâm Đồng của Công ty Cổ phần Bò Kobe Việt Nam.
Trong quá trình nuôi tại Việt Nam, bò cũng được nghe nhạc, uống bia, masage....
“Nghe nhạc để giúp bò thư thái, ăn được nhiều hơn. Còn mở nhạc cho bò nghe khi ăn là nhằm tạo phản xạ có điều kiện”, đại diện công ty chăn nuôi này chia sẻ.
Loại thịt bò này có tên thương mại Kuroge, thế hệ bò đầu tiên sinh ra từ giống bò Kobe sau 36 tháng mới cho sản phẩm bán trên thị trường.
Giá bán thịt bò Kuroge loại 1 hiện khoảng 3 triệu đồng/kg.
Loại thịt bò này sẽ được bán tại các nhà hàng, khách sạn, siêu thị… ở những TP lớn như Hà Nội, TP HCM theo đơn đặt hàng.
Người đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng đàn bò Kobe ở Việt Nam là ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) và ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Kềm Nghĩa.
Trong một lần đi thăm trại bò Kobe tại Nhật, ông Thành đã nảy ra ý tưởng kinh doanh trong ngành nông nghiệp này.
Trại bò Kobe ở Lâm Đồng (Ảnh: Người Lao động)
Trang trại bò tại Lâm Đồng được thành lập với sự góp sức của các đối tác đến từ Nhật Bản với tỉ lệ vốn 50% Nhật và 50% Việt Nam (trong đó ông Thành và ông Tuấn mỗi người 25%).
Tất cả các quy trình từ xây dựng chuồng trại, nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi tại trang trại đều do các chuyên gia nuôi bò Kobe của Nhật Bản thiết kế và chuyển giao.
Thức ăn của bò Kobe đều được phân tích các chỉ tiêu về canxi, phốt pho, vitamin, độ khô, độ đạm, độ béo, chất xơ…
Sau khi có những số liệu phân tích này, chuyên gia Nhật Bản sẽ lựa chọn, tổng hợp để lên các khẩu phần dinh dưỡng riêng, phù hợp với từng độ tuổi, giới tính của bò.
Khi trại bò được thành lập thì gần 100 con bò Kobe thế hệ F1 (50% máu Kobe) đã được nhập về nuôi. Đến nay, thế hệ F3 bò Kobe gần như thuần chủng.
Tuy nhiên, một điều mà ít người biết chính là giá trị dinh dưỡng thực sự của loại đồ ăn ngàn đô này.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (Đại Học Bách khoa Hà Nội) thịt bò Kobe không khác thịt bò thường, thậm chí có phần nhiều mỡ hơn.
Chính sự hòa quện giữa lớp mỡ và lớp nạc tạo ra vị ngon đặc trưng của bò Kobe nhưng loại thịt này cũng chứa không ít cholestorol.
"Về cơ bản, đây vẫn là một loại thịt ngon, nên ăn nhưng không nên thổi phồng về chúng", PGS Thịnh nhấn mạnh.
Bát phở đắt nhất hành tinh thuộc về nhà hàng Việt tại Hoa Kỳ. Bát phở đặc biệt này có tên phở AnQi giá 5000 USD (tương tương hơn 100 triệu đồng).
Thịt được sử dụng trong bát phở là gan ngỗng, thịt bò Kobe cao cấp nhất (loại thịt vốn nổi tiếng đắt đỏ nhất hành tinh) và loại nấm Alba (đây cũng là loại nấm nằm trong danh sách các thực phẩm đắt nhất thế giới).
Nước phở được nấu từ những con tôm hùm xanh đắt đỏ và quý hiếm. Ngoài ra, bát phở còn kèm loại tương ớt Sriracha nổi tiếng, ngò rí…
(Tổng hợp)