Nhắc tới Lê Lựu người ta biết tới ông trong vai trò một nhà văn với tác phẩm làm nên tên tuổi “Thời xa vắng”. Nhưng mấy ai biết, ông đã từng là một nhà báo quân đội “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
Khi bắt đầu làm quen với công việc viết báo vào năm 1960, Lê Lựu đã từng viết khoảng 50 tác phẩm mà không được đăng, thậm chí không có bất kì sự phản hồi nào.
Nhưng tới lúc viết 1 cái tin chừng vài chục chữ lại thấy xuất hiện trên mặt báo. Và từ đó, ông bắt đầu viết từ những cái tin chỉ vài chục chữ như thế cho tới tin dài, tin sâu rồi mới chuyển dần sang viết hồi kí, phóng sự.
Ông tự ví mình như con gà mổ thóc, đi góp nhặt từng chi tiết để làm nên một tác phẩm báo chí có sức nặng và sống trong lòng bạn đọc.
Năm 1963, ba năm sau cái tin đầu tiên được đăng ấy, ông đã có tác phẩm hồi kí đầu tiên “Y5 Tết năm 1964” đăng trên số xuân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngày ấy, ông cẩn thận tới từng câu chữ vì sai cái gì chứ sai sự thật với một người lính đi làm báo, viết văn như Lê Lựu là điều đáng xấu hổ.
Và dù trong vai trò người làm báo, hay viết văn, nhà văn Lê Lựu đều quan niệm: “Mọi cái phải xuất phát từ chính cuộc sống hiện tại”.
Cái hiện tại ấy, với nhà văn phải viết những gì có trong đời sống con người, xảy ra trong xã hội chứ không thể viết “láo” được.
Nhà báo lại càng phải thật hơn. Với Lê Lựu, hai tư cách quan trọng nhất mà một người làm báo phải có là sự thật và tính nhạy bén.
Thế nhưng giữa thời buổi kinh tế thị trường, tính sự thật của báo chí, theo nhà văn đang bị rơi vãi đi rất nhiều.
Nhiều phóng viên, nhà báo chỉ nghe loáng thoáng về một thông tin đã vội viết để rồi sai cả họ tên, địa chỉ nhân vật được đề cập, sai cả thông tin.
Những cái sai ấy nhiều khi đến người được viết cũng không thể chấp nhận. Thậm chí có cái sai có thể làm phá sản cả một doanh nghiệp hoặc làm thất thoát của họ hàng chục tỉ đồng.
Từ một hiện tượng rất nhỏ của một vấn đề nhưng có thể thổi phồng lên thành hiện tượng của xã hội. “Điều ấy có nên không?”, nhà văn đặt ra câu hỏi.
Đã có lúc nhà văn Lê Lựu cũng như nhân vật Hộ trong tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam Cao cũng phải đỏ mặt khi đọc lại tác phẩm của chính mình để rồi không hiểu vì sao mình lại viết những tác phẩm kém chất lượng như thế.
Và cũng có lúc, ông đọc những bài báo của nhiều phóng viên bây giờ, ông cũng tức, cũng căm, cũng phẫn lắm chứ. Bởi ông không hiểu vì sao họ có thể bịa đặt những thông tin như thế, vì sao họ có thể nói ra được những điều như thế?
Nhưng sai rồi, nhiều người lại không dũng cảm dám nhìn nhận lại sự việc để sửa sai mà vẫn đi vào con đường ấy ở những bài viết tiếp. Điều này đang tồn tại. Đó không còn là điều đáng xấu hổ với một người làm báo mà là điều rất nguy hiểm.
Cũng có không ít nhà báo, mỗi lần nhắc tới làm ông đau, nỗi đau của một người cũng đã từng làm báo. Họ không chỉ thiếu về trình độ chuyên môn mà còn yếu về nhân cách, đạo đức nhưng vẫn có thể “leo” lên được những chức vụ cao trong một tòa soạn.
Nhà văn không muốn chỉ mặt, đặt tên ai, bởi lẽ ông luôn coi mình là một công dân bình thường giữa xã hội đang có những sự chuyển mình rất nhanh chóng như hiện nay.
Nói về tính nhanh nhạy của đội ngũ phóng viên, nhà báo hiện nay, Lê Lựu đã phát hiện ra rất nhiều nhân tố tốt của họ. Nhưng bên cạnh đó, điều làm ông đáng hổ thẹn chính là sự “nhai lại” của rất nhiều người mà không chịu tìm tòi, phát hiện, tiên phong.
“Viết đầy đủ những gì mình nghe được đã là điều không nên rồi, đi viết lại những gì mà người ta đã viết lại càng không nên…”, nhà văn Lê Lựu tâm sự.
Lê Lựu rất khuyến khích những người cầm bút phát hiện được đề tài mới, nhanh nhạy tiếp cận triển khai đề tài mình vừa phát hiện. Nhưng điều làm ông e ngại, trong đề tài mới ấy lại thiếu đi tính chính xác và tính sự thật.
“Nhà báo phải làm sao sống trong lòng nhân dân mới là một nhà báo chứ không nên vì mình có quyền thông tin là cũng cho mình cái quyền thông tin sai sự thật. Cái gì nó cũng có giá của nó và không cái gì là mãi mãi được”, vẫn giữ cho mình thái độ nghiêm nghị, Lê Lựu chia sẻ.
Điều làm tiếng thở dài của Lê Lựu thỉnh thoảng lại cất lên đó là sự “coi thường” thời gian của một số phóng viên hiện nay để rồi có hiện tượng sai lịch hẹn “như cơm bữa”.
Các bạn ấy sai nhưng vẫn làm ngơ và dường như không quan tâm tới cái sai của mình. Nhưng rồi ông lại cười: “Có lẽ mình làm trong quân đội nên đã quá nghiêm khắc về thời gian chăng?” và lắc đầu.
Đối với đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của mình, Lê Lựu cũng rèn cho họ tính chính xác và nhay nhạy khi viết. Bằng cách, mỗi bài viết của họ khi gửi cho ông đều được ông kiểm tra đi kiểm tra lại thông tin từ nhân vật trong bài cho tới những việc xảy ra xung quanh họ.
Dù là nhà báo “nổi tiếng” chỉn chu, chính xác, nghiêm túc vẫn phải kiểm tra lại thông tin; “còn nhà báo mà chỉ chuyên đi xào xáo thông tin, đi nghe loáng thoáng thì…”, rồi ông quay ra phía cửa để nhìn dòng người vẫn đang tấp nập đi lại.
Nhân dịp kỉ niệm 88 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2013) nhà văn Lê Lựu muốn gửi gắm tới những người cầm bút thời bình thông điệp: “Sự thật phải luôn được đặt lên hàng đầu. Và đã viết phải có trách nhiệm với bài viết của mình, phải kiểm tra đi kiểm tra lại thông tin”