TS Lan Hương cho biết: Thưởng Tết thực ra là tiền lương của người lao động nhưng thể hiện sự chia sẻ sau một năm làm việc.
Thưởng Tết cũng là văn hoá Á Đông, khi chi tiêu vào ngày Tết tăng vọt lên khoảng 30% so với ngày thường, nên phải có một khoản tiền tương ứng cho khoản chi tiêu ấy. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn xem thưởng tết như một cái gì đó mang tính chất “ban phát”.
Nhưng đó là tiền của người lao động đáng được hưởng. Cứ cận Tết trên báo chí lại nói nhiều đến tình cảnh người lao động kêu ca, phàn nàn, phản đối vì không được thưởng Tết, hay thưởng quá thấp. Họ chỉ biết chờ đợi, không biết tiền thưởng tết của mình là bao nhiêu, họ không có được sự chủ động yêu cầu thưởng tết xứng đáng.
TS Lan Hương
Vậy theo bà, làm thế nào người lao động có được sự chủ động chuyện thưởng Tết chứ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của “ông chủ”?
Thưởng Tết phải được nâng lên thành văn hoá, cũng như văn hoá lì xì. Mặt khác, thưởng Tết cũng nên được nâng lên thành chính sách, luật pháp hoá. Theo tôi phải quy định trong luật nội dung: người lao động được hưởng 15 tháng lương. Cái này bên Singapore họ đã làm rồi.
Hiện nay thưởng Tết còn nhiều bất cập, có những doanh nghiệp Nhà nước thưởng Tết mấy chục triệu đồng trong khi những công chức như giáo viên gần như không có thưởng Tết. Theo bà có nên luật hoá nội dung công chức được hưởng 15 tháng lương?
Theo tôi công chức cũng phải được hưởng 15 tháng lương 1 năm. Nội dung này trong cuộc gặp Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền mới đây, tôi cũng đã đề cập đến. Nhưng thực hiện được điều này thì còn nhiều vướng mắc lắm. Chẳng hạn như quy định về lương tối thiểu 12 tháng nếu trả 15 tháng thì ngân sách sẽ “đội” lên.
Nhưng điều quan trọng muốn có thưởng Tết cao phải làm sao để lợi nhuận của doanh nghiệp, cũng như chiếc “bánh” ngân sách Nhà nước to lên. Nếu không, dù có “luật” hóa và trả 15 tháng lương mà tiền vẫn như 12 tháng thì cũng chỉ là hình thức?
Nếu muốn làm “cái bánh” ấy to lên thì phải có hình thức khuyến khích người lao động để họ hết mình với công việc mới tăng được hiệu quả, năng suất lao động.
Người Nhật có câu: “Tiền không mua được lòng trung thành” mà lòng trung thành phải dựa vào triết lý về quan hệ lao động, đó chính là khoa học mềm. Chính sách người lao động được nhận 15 tháng lương sẽ tạo nên một văn hoá gắn bó, nếu họ bỏ việc giữa chừng, sẽ chỉ nhận được 80% thu nhập mà thôi.
15 tháng lương 1 năm tạo cho người lao động tâm lý yên tâm làm việc. Cơ chế càng công khai minh bạch, càng chia sẻ thì càng tạo ra năng suất lao động cao hơn (năng suất mềm).
Thể chế hóa việc thưởng Tết trong giai đoạn hiện nay e còn khó. Vậy nên như thế nào để “cải thiện” mối quan hệ giữa người lao động và ông chủ hay DN mỗi dịp Tết đến, Xuân về?
Theo tôi, cách tốt nhất là đưa vào thoả ước lao động tập thể. Tết đến người lao động được trả thêm 3 tháng lương. Và khi đã trở thành thoả ước rồi người lao động không hồi hộp lo lắng về thưởng Tết mỗi khi kết thúc một năm. Phía doanh nghiệp cũng xác định rõ nghĩa vụ của mình.
Trước mắt, phải làm thử, bắt đầu từ những tấm gương, rồi thành phong trào để cả doanh nghiệp và người lao động đều có lợi. Người lao động sẽ nghĩ ông chủ doanh nghiệp lo Tết chu đáo cho họ, cả năm họ sẽ làm việc hồ hởi.
Tôi nhớ ông chủ tịch tập đoàn Ajinomoto nói thế này: Tôi đánh giá cao công đoàn vì nhờ công đoàn mà những ý tưởng của tôi biến thành sản phẩm. Công đoàn chính là đại diện cho quyền lợi của người lao động. Người lao động bây giờ không phải là số 0, họ có quyền đàm phán, họ có nhiều “vũ khí”.
Bà nghĩ gì về thực tế hiện nay có những cá nhân được thưởng Tết mấy trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng?
Tôi nghĩ đó không phải là thưởng Tết. Về nguyên tắc, thưởng Tết không vượt quá 30% tiền lương. Thưởng Tết cả tỷ đồng chỉ để hợp lý hoá thu nhập thôi. Trước đây, làm việc tốt thì mới được thưởng Tết, bây giờ thì hầu như ai cũng đều được thưởng cả. Như vậy tiền ấy không có chức năng thưởng, nên biến nó thành tiền lương.
Xin cảm ơn bà!