ĐBQH chúc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận điều gì nhân ngày 20/11?

Hoàng Đan |

Đại biểu Lê Văn Lai cho rằng, sai lầm về phương pháp sẽ dẫn đến sai lầm kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ và sẽ không có chỗ cho sửa chữa, rút kinh nghiệm.

"Sẽ không có chỗ cho sửa chữa, rút kinh nghiệm"

Ngay khi phát biểu, Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) bày tỏ, nhân ngày 20/11, chân thành gửi tới thầy Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lời "Chúc sức khỏe, hạnh phúc và không sai sót bất cứ điều gì trong quá trình tiến hành cải cách giáo dục đại học".

Theo đại biểu Lai, ông đã có gần 10 năm công tác trong ngành giáo dục phổ thông nên rất quan tâm đến ngành giáo dục đào tạo.

"Gần đây dư luận xã hội xôn xao, xáo động về một vấn đề rất nhạy cảm, đó là thay đổi cách giảng dạy môn học lịch sử, từ môn học độc lập thành môn học tích hợp.

Xin thầy Bộ trưởng cho biết, trước phản ánh mạnh mẽ của dư luận xã hội về việc trên, Bộ trưởng nêu chính kiến của mình về vấn đề này, nhất là tính đúng đắn, ưu việt của nó.

Bộ trưởng có dự định gì hoặc chủ trương thay đổi sách giáo khoa giảng dạy môn lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp không. Nếu không dừng, không hoãn, Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề.

Xin được nói thêm, sai lầm về phương pháp sẽ dẫn đến sai lầm kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ và sẽ không có chỗ cho sửa chữa, rút kinh nghiệm", Đại biểu Lai nhấn mạnh.

Đồng thời, Đại biểu Lai cũng nêu về việc xuất hiện thêm bản dịch mới của bài thơ Nam quốc sơn hà - được coi là tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, mà khi đọc từ nhà nghiên cứu lịch sử đến người bình thường đều không thể đồng tình, thông suốt.


Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: quochoi.vn

Trong phiên chất vấn sáng 16/11, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng bày tỏ, ông đã nhận được văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát nhưng không đồng tình với ý kiến đó.

Theo ông Tuyết, khi ban hành Thông tư 21 về thuốc bảo vệ thực vật, Bộ NN và PTNT có tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cá nhân, tổ chức có liên quan trong nước, quốc tế, theo đó thì đại đa số các ý kiến đều nhất trí với quy định này.

"Nhưng thông tin chính thức tôi được biết, những lần lấy ý kiến, đại đa số các doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật đều đề nghị bỏ quy định này.

Sau khi thông tư được ban hành cho đến nay có hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam và hội sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tiếp tục gửi kiến nghị đến Bộ trưởng.

Chắc chắn Bộ trưởng có văn bản này. Vậy lý do gì mà Bộ trưởng nói là đã được đa số đồng ý", ông Tuyết nói và đưa ra văn bản với hơn 40 chữ ký, con dấu gửi kiến nghị đến Bộ trưởng.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị Bộ trưởng KHCN, Bộ Công Thương đề nghị làm rõ vấn đề liên quan đến phát triển doanh nghiệp công nghệ cao.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu về chậm thực hiện trồng rừng thay thế ở các dự án thuỷ điện.

Hai Bộ trưởng "đăng đàn"

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Văn Tuyết về Thông tư 21 quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu:

"Trước khi Thông tư ban hành, Bộ cho lưu hành 4100 tên thuốc BTVT với 1700 hoạt chất. Chúng tôi thấy số lượng này nhiều quá,  khiến bà con nông dân, nhà quản lý gặp khó khăn khi chọn thuốc cho những bệnh và cây trồng của mình.

Để chấn chỉnh, Bộ chủ trương siết chặt lại quy định đăng ký những tên thuốc, trong thông tư này quy định mỗi tổ chức cá nhân, doanh nghiệp chỉ đăng ký một tên thuốc cho một loại hoạt chất.

Bộ đã thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi và thể hiện trong biên bản các cuộc họp. Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe và xem xét kỹ ý kiến của doanh nghiệp trên tinh thần siết chặt quản lý, bảo đảm lợi ích cho hàng triệu bà con nông dân.

Bởi vì đây cũng là vấn đề liên quan rất lớn đến vệ sinh an toàn thực phẩm".


Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời ý kiến của ĐBQH. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời ý kiến của ĐBQH. Ảnh: quochoi.vn

Về vấn đề ĐB Tô Văn Tám nêu về chậm thực hiện trồng rừng thay thế ở các dự án thuỷ điện, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết:

"Ở giai đoạn trước tiến hành duyệt dự án thuỷ điện, tuy nhiên sau đó, nhất là khi Quốc hội nhắc nhở mới rà soát lại, siết chặt trồng rừng thay thế nên có sự vênh nhau trong xét duyệt dự án thuỷ điện và trồng rừng.

Chúng tôi đang khắc phục và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo đúng Luật và rất nghiêm túc. Doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị rút giấy phép hoạt động.

Hai năm nay, tình hình chuyển biến tích cực hơn rất nhiều. Hết năm nay, việc trồng rừng thay thế rừng đã lấy làm thuỷ điện có thể đạt được kế hoạch của năm 2015".

Trả lời chất vấn của ĐB Tô Văn Tám, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, trong lĩnh vực trồng rừng, Chính phủ giao Bộ NN và PTNT chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công thương thực hiện.

Năm 2015, đã làm được khá nhiều việc, trong đó có vai trò tích cực của địa phương, sự cố gắng của chủ đầu tư các dự án, công trình thuỷ điện.

Về nguyên nhân khiến việc cụ thể hoá một số chính sách ứng dụng, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Hoàng cho biết, theo quy định Luật công nghệ cao, Chính phủ giao Bộ KHCN là đầu mối triển khai.

"Về tiêu chí xác định  thế nào là doanh nghiệp công nghệ cao, hiện xây dựng bộ tiêu chí còn chậm và có thể chưa phù hợp.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục  phối hợp với Bộ KHCN rà soát lại, trình Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt tiêu chí với DN công nghệ cao để DN không vất vả, mất nhiều thời gian để được xem xét, hưởng các ưu đãi", Bộ trưởng nêu.

Trong sáng nay, do bận nên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận đã không có mặt để trả lời ý kiến của đại biểu Lai nêu ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại