Cuộc đời làm quan của ông Thanh gắn liền với Đà Nẵng.
Quê hương cùng sự trợ thủ đắc lực của đồng đội chính là mảnh đất để ông dụng võ, xây dựng cơ đồ, từ một ông chủ nhiệm hợp tác xã đến giám đốc Nông trường chè Quyết Thắng và sau đó là bí thư Thành ủy.
“Sinh ra vốn dĩ là dân”
Nhưng cuộc đời quan trường của ông cũng lắm thăng trầm như lời ông: “Sinh ra vốn dĩ là dân/ Phấn đấu dần dần thì được làm quan/ Làm quan rồi lại hoàn dân/ Hoàn dân rồi lại dần dần vào quan”.
Ông từng nói với các lãnh đạo trẻ của Đà Nẵng: “Các anh đã hứa thì phải làm.
Sau này tui về hưu trở lại là dân nếu các anh không làm, làm sai tui sẽ thay mặt dân chống gậy đi kiện”.
Nhưng cái ước muốn “về hưu” để chống gậy đi kiện của ông đành khép lại ở cái tuổi 62.
Nhắc đến ông là nhắc đến vị bí thư nói là làm, làm là làm quyết liệt và dám chịu trách nhiệm như lời Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, khái quát trong tang lễ:
“Phong cách gần dân, lắng nghe dân, sâu sát trong công việc và tác phong miệng nói, tay làm, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều là tố chất cao đẹp của người lãnh đạo đã được hình thành trong đồng chí Nguyễn Bá Thanh”.
Năm 1997, khi tách tỉnh, Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc trung ương, ông Thanh được giao trọng trách làm phó bí thư kiêm chủ tịch UBND TP.
Một trong những chủ trương có tính đột phá lúc ấy của ông là huy động nhân dân vào việc xây dựng cầu Sông Hàn.
Trước đây, dù là TP nhưng bờ đông và bờ tây của Đà Nẵng là hai thế giới khác biệt. Dân muốn qua sông thì phải lụy phà.
Sự phát triển mạnh mẽ của bờ tây (quận nhất) và sự nghèo nàn của bờ đông (quận ba) trở thành hai mảng đối lập.
Vì vậy, người dân Đà Nẵng mới chua chát ví: “Con gái quận ba không bằng bà già quận nhất”.
Quyết định xây cầu này không chỉ có ý nghĩa giải quyết vấn đề giao thông, nó còn là tiền đề “đột phá” để phát triển TP Đà Nẵng một cách thần tốc cho những năm sau này.
Tuy nhiên, việc xây dựng cầu Sông Hàn cũng để lại không ít điều tiếng. Nhưng xét một cách tổng thể thì cái công của ông đối với nhân dân TP Đà Nẵng quá lớn.
Nó bao trùm và dập tắt mọi hiềm nghi. Sau đó là hàng loạt cây cầu khác như Thuận Phước, cầu Rồng, Trần Thị Lý… lần lượt được xây dựng bắc qua sông Hàn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Bá Thanh.
Nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến bộc bạch: “Anh Nguyễn Bá Thanh là một người lãnh đạo xuất sắc và kiên định.
Anh là người gương mẫu để cho cán bộ, công chức TP Đà Nẵng noi theo. Tôi sẽ tiếp tục học tập, noi theo tấm gương của anh trong công việc và cuộc sống”.
Thành phố “năm không, ba có”
Lúc cơm chưa đủ ăn, dư luận cả nước lại được một phen kinh ngạc khi Bí thư Nguyễn Bá Thanh tuyên bố xây dựng TP “năm không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của) và “ba có” (có nhà ở, có việc làm và có lối sống văn minh đô thị).
Nhiều người cho rằng đó là sự ảo tưởng.
Để thực hiện, Đà Nẵng xây hàng loạt nhà chung cư, nhà liền kề để bố trí cho hộ nghèo, phụ nữ đơn thân, cán bộ công chức khó khăn, gia đình chính sách và hộ giải tỏa.
Đà Nẵng không còn hộ nghèo theo tiêu chí của trung ương mà tự đưa ra chuẩn nghèo mới của mình.
Trong giai đoạn này TP xuất hiện nạn thanh niên đâm ra hư hỏng, đua xe thâu đêm.
Ông Thanh quyết định không chỉ xử phạt hành chính mà còn tịch thu luôn xe đua.
Các “tay đua” choáng váng còn dân tình thì hả hê. Nạn đua xe được dẹp, xe đua bị tịch thu tặng lại cho người nghèo và các bác xe ôm tham gia bảo vệ an ninh trật tự.
Vấn đề lang thang xin ăn làm xấu xí bộ mặt TP, ông Thanh quyết định cứ phát hiện ra người lang thang xin ăn là người dân được thưởng 200.000 đồng.
Từ đó người lang thang xin ăn được gom lại, người không có gia đình được cho vào ở trung tâm bảo trợ xã hội, người có quê quán thì TP chở về giao cho địa phương.
Chính sách “năm không” và “ba có” dần trở thành hiện thực. Nó như một làn gió mới thổi vào TP Đà Nẵng.
Chính sách này giờ đang gần hoàn thành và năm 2015 này TP Đà Nẵng sẽ thanh toán nốt cái cuối cùng là “có văn hóa, văn minh đô thị” dưới sự chỉ huy của hai vị lãnh đạo kế nhiệm là ông Trần Thọ (Bí thư) và ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch).
Tầm nhìn Nguyễn Bá Thanh
Xuất thân là kỹ sư nông nghiệp nhưng Bí thư Nguyễn Bá Thanh được xem là một kiến trúc sư tài ba trong quy hoạch Đà Nẵng.
Tất cả cuộc họp đồ án quy hoạch ông đều chủ trì. Từng có người thắc mắc đó là việc của chính quyền sao ông bí thư cứ dài tay thò vào.
Những lúc ấy ông Thanh lại cười: “Nếu chính quyền làm tốt thì bí thư đâu phải nhúng tay vào chi cho mệt”.
Trong các cuộc họp quy hoạch, sau khi nghe các kiến trúc sư Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch, Phòng Quản lý đô thị TP báo cáo, phân tích các đồ án, ông Thanh yêu cầu các đơn vị phản biện lẫn nhau.
Ông ngồi lắng nghe và như một vị thẩm phán đưa ra quyết định cuối cùng.
Sau khi tách tỉnh, TP Đà Nẵng giải tỏa tới 100.000 hộ dân để chỉnh trang đô thị. Cả TP gần như không có chỗ nào là không giải tỏa.
Hầu hết người dân đồng tình giải tỏa để xây dựng TP khang trang hơn và nhiều người dân nhờ vậy mà “một đêm ngủ dậy thành tỉ phú”.
Tuy nhiên, cũng có người không đồng tình, khiếu kiện, từ Cồn Dầu đến Chi Lăng, từ Hòa Quý đến Thuận Phước…
Để giải quyết khiếu kiện, ông Thanh đến gặp từng hộ dân và vận động, giải thích. Có lúc họp dân để đối thoại quá bữa, ông đành gặm bánh mì cầm cự với cơn đói.
Khi tiến hành giải tỏa, ông Thanh yêu cầu khai thác thêm quỹ đất ven các trục đường, các khu dân cư để bán thu tiền về cho ngân sách TP.
Đây là cách làm tiên phong trong cả nước. Để có đô thị khang trang, ông Thanh đưa ra luôn chính sách đổi đất lấy hạ tầng.
Các công ty vào làm ăn ở TP Đà Nẵng cứ xây dựng hạ tầng, đường sá khang trang cho TP sẽ được bố trí đất sau đó trừ dần vào tiền thuế.
Cứ thế đường phố rộng thênh thang với hạ tầng hiện đại. Nói không ngoa đô thị Đà Nẵng bây giờ thuộc loại đẹp nhất nước.
Nhiều chính sách của ông Thanh đưa ra đều “xé rào” theo kiểu “Đà Nẵng cứ làm trước rồi xin trung ương sau”.
Ban đầu nó gây sốc, tạo ra các cuộc tranh cãi nảy lửa. Nhưng sau đó thì trung ương nhận định “cần nhân rộng cách làm của Đà Nẵng”.
Các địa phương khác cũng được khuyến khích học tập mô hình Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện (Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng) nhận định: “Ông Nguyễn Bá Thanh là một người lãnh đạo giỏi và biết lo cho dân.
Diện mạo TP có được ngày hôm nay đều mang đậm dấu ấn của ông”.
Ông Thiện cũng cho rằng ngay từ khi lên lãnh đạo TP Đà Nẵng thì ông Thanh đã có tầm nhìn rất rộng khi xin tách Đà Nẵng thành đô thị trực thuộc trung ương.
“Từ việc xin cho Đà Nẵng trực thuộc trung ương, TP này mới có bước phát triển như ngày nay.
Bởi trong lịch sử từ thời Pháp thuộc đến chính quyền Sài Gòn thì chưa bao giờ Đà Nẵng trực thuộc tỉnh cả. Đó là cái nhìn rất sáng suốt”. Lê Hoàng
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh luôn thể hiện là người cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Không ngại khó, không ngại va chạm, không ngại thiếu cơ chế chính sách đã đi đầu trong việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và sự ủng hộ, tạo điều kiện của trung ương để xây dựng quy hoạch, quản lý, chỉnh trang đô thị, đề xướng những chính sách xã hội phù hợp với lòng dân và giàu chất nhân văn.
Trong nhiều năm nay, trên từng con phố, trên mỗi công trình ở Đà Nẵng anh hùng đều in đậm hình bóng của người lãnh đạo tận tụy, hết lòng vì Đảng, vì dân.
Ông TÔ HUY RỨA, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương
Nhân dân Đà Nẵng rất tự hào vì có người con trung hiếu, bao dung như anh Thanh. Người luôn hết lòng vì nước vì dân, dám nghĩ dám làm. Anh là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo từ nay và mãi mãi về sau.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT BÙI VĂN GA (nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng)
Kỳ sau: “Hãy khát vọng, đừng tham vọng!”