Xót xa về sự xin - cho
Phát biểu tại buổi thảo luận sáng nay, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn rất nhiều vấn đề băn khoăn.
Con người Việt Nam thì thông minh, nhân dân thì cần cù, môi trường xã hội ổn định… đáng lẽ ra chúng ta phải đạt được kết quả nhanh và bền vững hơn nữa, nhưng thực tế kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
“Tôi thấy vấn đề ở đây là thể chế. Cải cách hành chính chưa đảm bảo quyền tự do bình đẳng kinh doanh giữa các thành phần kinh tế cũng như người dân.
Cứ nói là cải cách hành chính nhưng thực tế nền hành chính vẫn mang tính xin - cho. Nền hành chính nhiều cấp, ngành, nhiều cán bộ, công chức vẫn làm khó cho doanh nghiệp”, bà Khánh bày tỏ.
Theo bà Khánh, doanh nghiệp ổn định và phát triển trong bối cảnh hiện nay là rất khó.
“Rất nhiều doanh nghiệp tâm sự với chúng tôi rằng mọi người cũng rất muốn làm giàu cho đất nước, cho quê hương. Nhưng mà đất lành thì chim đậu. Tuy nhiên, ở đây, chim chưa đậu thì đã nhậu hết cả chim.
Đây là một sự thật mà chúng tôi nghe thấy và chúng tôi rất xót xa” - bà Khánh ví von khiến cả phòng họp bật cười.
Theo bà Khánh, chính vì những tâm tư này, nhiều đại biểu đã quyết tâm phải xây dựng dự luật hành chính công để giúp cho doanh nghiệp và người dân bớt những khó khăn ấy đi. Đó chính là góp phần xây dựng thể chế.
“Vậy tại sao khi chúng tôi đề xuất, các bộ ngành, nhất là Bộ Nội vụ, là một nơi tập trung các viện về khoa học quản lý hành chính, rất nhiều nhà khoa học về quản lý giỏi, siêu đẳng đẳng như thế nhưng sao không đưa các lí luận khoa học ấy.
Cung cấp về luận cứ trong vấn đề lập pháp cũng như xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý nhà nước ấy vào để quản lý nhà nước bằng pháp luật cho tốt hơn”, bà Khánh đặt vấn đề.
Chính vì lẽ đó, ĐB Quốc Khánh mong muốn nhiệm kỳ tới nền hành chính chúng ta phải thay đổi. Hãy vì một nền hành chính công thực sự minh bạch, hiệu quả.
Không thể cứ hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, báo cáo của Chính phủ cứ đánh giá cải cách thể chế, cải cách hành chính còn nhiều vướng mắc.
“Không có vướng mắc gì nữa bởi chúng ta đã nhìn thấy rõ vấn đề rồi, chúng ta cùng bắt tay vào để làm thôi”.
Chúng ta chọn đúng người rồi thì phải tạo điều kiện, đặt vào đúng vị trí để họ đóng góp cho đất nước”.
Sao cứ để đa cấp kéo dài thế
Về những hạn chế của Chính phủ, đại biểu Bùi Thị An cho rằng cần tập trung phân tích mổ sẻ để khắc phục.
Về hạn chế của bộ máy hành chính, quản lý nhà nước, bà An cho rằng đây là 1 trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra sự bức bối vừa qua.
“Vậy phải đánh giá sự yếu kém của quản lý nhà nước. Sao cứ để mãi hiện tượng không tổ chức quản lý thị trường. Nay địa phương này kêu không bán được cái này, mai địa phương kia lại không bán được hàng kia.
Tại sao cứ để hàng giả, hàng lậu mãi”, bà An nói.
Bà An cũng đề nghị Chính phủ phải đánh giá những hạn chế quản lý nhà nước, ai phải chịu trách nhiệm, chỉ rõ ra trách nhiệm của các bộ, ngành.
“Phải truy rõ trách nhiệm, chứ nếu cứ để kéo dài thì rất khó để tăng trưởng. Tại sao lại để bán hàng đa cấp kéo dài như thế, để người dân mất nhà cửa?
Tại sao ở Cà Mau lại để tín dụng đen hoành hành như thế? Không thể để tồn lại mãi thế này. Chính phủ nhận là dự báo kém là rất đúng”, bà An nhấn mạnh.
Đại biểu cũng cho rằng, cơ cấu tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, gây lãng phí là vô cùng lớn. Mà nước nghèo như ta thì không thể đội trời chung với lãng phí. Trong khi báo cáo Chính phủ có nói nhưng chưa chỉ rõ", bà An nêu.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng đưa ra con số, hiện nợ nước ngoài của chúng ta cũng đã lên đến khoảng 80 tỷ USD, bội chi khoảng 250 tỷ/năm:
"Xuất khẩu gạo hàng năm khoảng 3 tỷ USD nhưng uống bia cũng hết.
Chi lương thường xuyên cho cán bộ hành chính là 400 nghìn tỷ đồng trong khi đó thu ngân sách là 1 triệu tỷ, nếu tăng lương đỷ cũng hết 1 triệu tỷ".
Ông Đương cũng đề nghị, phải nhất thể hoá một số chức danh. Cần giảm bớt cán bộ phong trào, hô khẩu hiệu thì nhiều. Phải coi trọng chuyên gia, cán bộ chuyên môn, trả lương xứng đáng.