Xây dựng điều Luật riêng về chuyển đổi giới tính
Mở đầu phiên họp sáng 24/10, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Theo ông Phan Trung Lý, qua thảo luận tại kỳ họp Quốc hội trước, nhiều ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo về việc không công nhận quyền chuyển đổi giới tính.
Nhưng người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới được chuyển đổi.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về mục đích, nguyên nhân của việc chuyển giới, trường hợp nào được chuyển đổi giới tính để tránh lạm dụng. Có ý kiến đề nghị chưa nên quy định “công nhận việc chuyển đổi giới tính”.
Cũng theo ông Lý, việc chuyển đổi giới tính kèm theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội...
"Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”, ông Lý cho hay.
Ông Phan Trung Lý. Ảnh: CTT ĐT QH
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) cho rằng, việc chuyển đổi giới tính, xác định lại giới tính là thực tế xã hội không được bỏ qua, đề nghị ngay trong bộ luật này phải có quy định cụ thể:
Người ở vào trường hợp nào thì được chuyển đổi giới tính, trường hợp nào bị cấm, chứ không quy định chung chung.
Quyền con người
Theo ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An), vấn đề chuyển giới tính ở góc độ vừa là quyền con người, vừa là thực tiễn xã hội đặt ra.
Thực tế, người chuyển giới ở nước ta ngày càng thể hiện rõ rệt hơn nhưng chưa được công nhận, chưa có quyền xác định lại giới tính, mặc dù việc chuyển đổi giới tính đang tồn tại khách quan nhưng thực chất "họ sống ngoài vòng phủ sóng như người vô hình".
Bản thân người chuyển giới đã gặp khó khăn trong đời sống, việc làm, y tế, an sinh xã hội. Họ bị chính gia đình và xã hội kỳ thị, trong khi các cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ pháp lý chưa thực sự hợp lý.
"Thực tế một số trường hợp người chuyển giới bị xâm hại, nhưng không hoặc chưa được bảo vệ một cách thích đáng. Điều này xuất phát từ không công nhận chuyển giới", Đại biểu Thu nói.
Đại biểu Thu nhìn nhận, việc thực thi pháp luật hình sự với người chuyển giới cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành một số hoạt động trong điều tra, biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, cũng như trong quá trình thi hành án hình sự.
Có một số biện pháp cưỡng chế và khi thực hiện cần căn cứ vào giới tính như khám người, tạm giữ, tạm giam, án tù có thời hạn, tù chung thân trong tố tụng hình sự.
"Thực tiễn cho thấy, áp dụng các biện pháp này đối với người chuyển giới có một số khó khăn nhất định và có thể xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và quyền tự do của họ.
Tôi cũng đề nghị ban soạn thảo cần thông tin hiện nay có bao nhiêu quốc gia trên thế giới công nhận chuyển giới và hệ quả ra sao để Quốc hội có thêm cơ sở", Đại biểu Thu bày tỏ.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng khẳng định, dự thảo chưa thể hiện rõ có thừa nhận việc chuyển đổi giới tính ở nước ta hay không, mà chỉ mới đặt ra vấn đề này.
“Tôi cho rằng chúng ra nên thừa nhận việc này, để quyền và nghĩa vụ của người chuyển giới sẽ được giải quyết như những người bình thường” – ông Tô Văn Tám đề nghị.
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội: Việc chuyển đổi giới tính kèm theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội...
Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng (Điều 37 mới) và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định:
“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Siết trần lãi suất không vượt quá 20%/năm
Liên quan đến vần đề lãi suất, nhiều ĐBQH đồng tình với phương án "lãi suất tối đa không quá 20%/năm" khi thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi).
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, cần phải quy định trần lãi suất. Đại biểu Thảo giải thích, nền kinh tế của ta là thị trường định hướng xã hội nên cần phải có điều tiết, tránh cho vay nặng lãi.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo cũng đồng ý với mức quy định lãi suất tối đa 20% năm để dễ dàng thuận lợi trong việc xác định.
Phát biểu tiếp đó, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai)... cũng tán thành với quy định lãi suất tối đa 20%năm.