Nghệ An: Cô giáo viết “tâm thư” gửi phụ huynh vì nộp ít tiền

P.V |

Dù khoản tiền xã hội hóa được quy định là tự nguyện đóng góp, tuy nhiên, khi nộp “thiếu”, giáo viên trường TH Nghi Đồng đã gửi “tâm thư” về cho phụ huynh.

“Bêu tên” phụ huynh trước trường vì… năm ngoái nộp không đủ tiền xã hội hóa

Sự việc hy hữu trên đã xảy ra tại trường Tiểu học Nghi Đồng (Nghi Lộc, Nghệ An). Tuy việc đã xảy ra từ đầu năm học 2015-2016, nhưng mỗi lần nhớ lại, chị V. T. C. (phụ huynh em T. L, học sinh lớp 3B) vẫn cảm thấy buồn vì cách ứng xử của giáo viên.

Theo chia sẻ của chị C., trước đó trong buổi họp phụ huynh toàn trường vào đầu năm học 2015-2016 vừa qua, cô Hạnh - Hiệu trưởng trường TH Nghi Đồng đã bất ngờ “bêu tên” chị cùng với nhiều em học sinh khác trước toàn thể phụ huynh và giáo viên toàn trường.

Trường tiểu học Nghi Đồng, nơi xảy ra sự việc hy hữu trên.
Trường tiểu học Nghi Đồng, nơi xảy ra sự việc hy hữu trên.

Nguyên nhân khiến chị C. bị “bêu tên” được cho là vì vào năm học trước (2014-2015), chị chỉ đăng ký mức xã hội hóa giáo dục là 100 nghìn đồng. Trong khi đó, những hộ gia đình khác trong lớp và trong trường đều đăng ký mức 250 nghìn đồng.

Cô Hạnh đọc tên tôi cùng với nhiều em học sinh khác chưa đóng đủ tiền xã hội hóa giáo dục của năm học vừa rồi. Tôi rất buồn và cũng sợ tâm lý của các con sẽ bị ảnh hưởng vì xấu hổ với bạn bè cùng lớp”, chị C. nói.

Cũng theo chia sẻ của chị C., sở dĩ chị nộp tiền xã hội hóa cho con ít bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong khi đó chị đang nuôi 3 đứa con nhỏ ăn học nhưng chỉ có một mình chồng đi làm nên rất vất vả.

Không chỉ bức xúc về việc bị “bêu tên” trước toàn trường trong cuộc họp phụ huynh, chị C. còn phản ánh về việc nhà trường đã “ép” phụ huynh mua đồng phục cho học sinh dù những năm trước đồng phục vẫn còn nguyên và mới.

Theo đó, đầu năm học này, các học sinh trong trường được phát một bộ đồng phục và phải đóng 200 nghìn đồng. Tuy nhiên vì thấy đồng phục của con mình còn mới nên chị C. đã đưa lên xin cô để trả nhưng không được sự đồng ý.

Rất nhiều phụ huynh cũng lên trả như tôi nhưng không được đồng ý. Thế là tôi lại mang về vẫn để trong nhà đó. Giờ không biết tính sao”, chị C. chia sẻ.

Đơn thư phản ánh nhiều vấn đề bất cập tại trường TH Nghi Đồng của các phụ huynh có con em theo học tại trường.
Đơn thư phản ánh nhiều vấn đề bất cập tại trường TH Nghi Đồng của các phụ huynh có con em theo học tại trường.

Cô chủ nhiệm viết “tâm thư” yêu cầu phụ huynh đóng thêm tiền

Theo đơn thư phản ánh của một số cha mẹ phụ huynh có con em theo học tại trường TH Nghi Đồng, mặc dù khoản tiền xã hội hóa được quy định theo hình thức tự nguyện song tại trường khoản tiền này hiện đã được “cào bằng” ở một mức cố định!.

Cụ thể, theo dự kiến kế hoạch chi tiêu năm học 2015-2016, trường TH Nghi Đồng sẽ làm một số dự án với tổng chi phí khoảng hơn 93 triệu đồng. Trong khi đó toàn thể số học sinh toàn trường là 340 em nên sẽ được “chia đều” mỗi em đóng góp mức 300 nghìn đồng.

Khi được giáo viên chủ nhiệm các lớp phát giấy để tự nguyện đăng ký mức đóng góp, nhiều phụ huynh xin đóng góp 100 nghìn đồng thì liền bị nhắc nhở vì cả lớp ai cũng đóng 300 nghìn đồng.

Không những thế, khi nhắc nhở không được, cô Nguyễn Thị Bích Lan - chủ nhiệm lớp 2A đã tự tay viết một bức “tâm thư” gửi về cho phụ huynh của học sinh Nguyễn Hoài Thiên Đức để yêu cầu nộp đủ tiền.

Bức tâm thư của cô giáo Lan chủ nhiệm lớp 2A gửi phụ huynh học sinh yêu cầu nạp đủ tiền xã hội hóa giáo dục.
Bức "tâm thư" của cô giáo Lan chủ nhiệm lớp 2A gửi phụ huynh học sinh yêu cầu nạp đủ tiền xã hội hóa giáo dục.

Bức thư viết có đoạn: “Tiền xã hội hóa tối thiểu mỗi em 300.000 đồng để mua sắm các trang thiết bị dạy học trong trường.

Vì thế tôi mong bà hãy tạo điều kiện giúp tôi hoàn thành công tác chủ nhiệm lớp vì học sinh nào cũng nạp 300 nghìn mà chỉ có một mình Đức đăng ký 100 nghìn đồng thì ảnh hưởng rất lớn đến điểm thi đua của lớp.

Và 100 nghìn cũng không đủ để trả tiền điện cả năm và các thứ cần thiết khác cho Đức. Vậy tôi mong bà hãy đăng ký lại cho tôi với số tiền 300 nghìn đồng”.

Được biết, ở địa phương, gia đình cháu Đức có hoàn cảnh rất khó khăn. Từ nhỏ, Đức đã phải sống cùng bà nội vì bố mẹ bỏ vào Nam đi làm, kiếm sống.

Tuy nhiên, công việc của bố mẹ không ổn định nên Đức cũng ít khi được nhận tiền của bố mẹ gửi về. Cuộc sống của Đức chủ yếu dựa vào người bà nội đã ngoài 50 tuổi, đau yếu thường xuyên.

Để hiểu rõ hơn về những vấn đề này, PV đã có buổi làm việc trực tiếp với cô Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường TH Nghi Đồng.

Bà Chính - Phụ huynh em Thiên Đức - người được nhận bức tâm thư từ cô giáo Lan.
Bà Chính - Phụ huynh em Thiên Đức - người được nhận bức "tâm thư" từ cô giáo Lan.

Theo cô Hạnh xác nhận, việc cô giáo chủ nhiệm lớp 2A đã viết thư gửi cho phụ huynh là có thật. Khi nắm được thông tin này, cô Hạnh đã trực tiếp làm việc thì cô Lan cho biết chỉ viết thư động viên gia đình nạp tiền chứ không yêu cầu hay dọa nạt.

Tuy nhiên, khi nghe PV đọc toàn bộ nội dung bức thư trên, cô Hạnh khẳng định như thế là sai phạm và sắp tới sẽ làm việc với cô Lan để xử lý nghiêm vụ việc.

Về vấn đề phụ huynh phản ánh khoản tiền xã hội hóa giáo dục tại trường được “cào bằng” một mức và phụ huynh bị ép mua đồng phục, cô Hạnh cho biết hoàn toàn không hề có chuyện đó.

Cô Hạnh thừa nhận việc có những phụ huynh đã đến trả đồng phục tại trường. Tuy nhiên, trường không ép buộc và sẵn sàng nhận để gửi trả lại cho công ty mà trường đã đặt may.


Ngôi nhà này của gia đình bà Chính được sửa sang lại cách đây 6 năm nhờ nguồn vay vốn hộ nghèo. Dù đã hết hạn vay nhưng gia đình bà vẫn chưa có tiền trả nên bà đang lo sợ ngân hàng đến siết nợ ngôi nhà này lúc nào cũng không hay.

Ngôi nhà này của gia đình bà Chính được sửa sang lại cách đây 6 năm nhờ nguồn vay vốn hộ nghèo. Dù đã hết hạn vay nhưng gia đình bà vẫn chưa có tiền trả nên bà đang lo sợ ngân hàng đến siết nợ ngôi nhà này lúc nào cũng không hay.

Giải thích về việc “bêu tên” phụ huynh giữa trường, cô Hạnh thừa nhận đã đọc tên một số phụ huynh trong buổi họp toàn trường vào ngày 19/9 vừa qua.

Tuy nhiên, cô Hạnh cho biết sỡ dĩ cô phải đọc tên như thế là vì nhiều phụ huynh thắc mắc về những người không đóng và những người đóng ít tiền xã hội hóa giáo dục của năm ngoái nên buộc cô Hạnh phải đọc và trong đó có tên chị C.

Họ đề nghị và hỏi. Thế là buộc cô phải đọc để tường minh giữa đó. Tất nhiên là đọc ra giữa thì cũng không được sư phạm lắm. nhưng cô cũng phải đọc”, cô Hạnh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại