Ngày 8/2/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định thời cơ đã chín muồi, Đại tướng tìm cách về nước, ở trong hang Pắc Bó. Hang nằm ở vị trí rất phù hợp cho một đại bản doanh bí mật. Nằm trong địa phận huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng, hang rộng và sâu, chiều rộng 3 kilomet, chiều dài 6 kilomet, rất gần biên giới Trung Quốc.
Lối vào hang được hoàn toàn che giấu bằng một lùm cây săng và cỏ dại ở ngoài rất khó phát hiện dù đứng gần. Dưới chân núi đá dốc đứng có nhiều động nhỏ, một con suối nhỏ chạy ngoằn ngoèo có những chỗ lại nở rộng gần như một cái hồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Bác Hồ đặt tên con suối đó là Suối Lênin”. Núi cao, tiết trời lạnh và thiếu không khí, khiến cuộc sống ở Pắc Bó khá gian khổ, cuộc sống chỉ được duy trì ở mức tối thiếu.
Sáng dạy sớm, tập thể dục, tắm suối Lênin rồi trở vào hang bắt đầu làm việc theo một chương trình dày đặc: tiếp cán bộ cơ sở, đại biểu các nơi đến báo cáo xin chỉ thị, họp bàn công việc sắp tới, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, dạy chữ cho trẻ em địa phương…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ thường kết thúc một ngày làm việc bằng bữa cơm tối thịnh soạn hơn một chút với một vài lát thịt muối hoặc cá câu được dưới suối. Ban đêm họ ngủ trên giường làm bằng thân cây ghép lại, lấy lá rừng làm đệm chống khí lạnh trong hang đá, đầu gối lên những khúc gỗ. Những loại giường như thế Đại tướng miêu tả: “Không mềm, không ấm”. Đôi khi có những đêm quá lạnh khiến họ không sao ngủ được. Lúc đó họ phải ngồi dậy đốt lửa sưởi, ngồi nép vào nhau cho ấm, đợi trời sáng.
Theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng bào Nùng ở địa phương rất có thiện cảm, tính tình chất phác. Họ sống rải rác trong thung lũng hay bên sườn núi cheo leo, mỗi xóm chỉ có hai ba gia đình. Xóm to nhất cũng chỉ có mươi nóc nhà. Hồ Chí Minh biết đa số người dân sống trong thung lũng Pắc Pó đều mù chữ, vì vậy Người ra lệnh cho các cán bộ phải đọc và viết tiếng Kinh.
Trong các buổi họp với cán bộ cấp dưới, Người yêu cầu họ phải dạy cho dân biết đọc, biết viết. Người chăm chú lắng nghe ý kiến của mọi người trong khi bàn luận công việc, sẵn sàng tiếp thu những nhận xét, phê bình kể cả những ý kiến khác với mình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại Bác Hồ không bao giờ cao giọng tranh cãi hoặc phàn nàn khi người khác nói trái ý với mình. Nếu đa số quyết định một chủ trương mà Bác cho là không phải thì Bác sẵn sàng làm thử rút kinh nghiệm để lấy kết quả thực tế chứng minh ý kiến của mình là đúng hoặc cần phải điều chỉnh cho hoàn hảo hơn. Đó là cách làm Người thường phân tích và tổng hợp những ý kiến, mong muốn, hy vọng của người khác để đưa vào nội dung phát biểu của mình. Chính vì vậy ý kiến của Bác Hồ dễ được mọi người nhất trí và đánh giá cao.
Tuy ở cách xa đồn bốt địch nhưng từ Sóc Giang địch vẫn có thể phái các đội tuần tra sục sạo đi sâu vào vùng căn cứ mỗi khi phải truy bắt một tên buôn lậu nguy hiểm, hoặc thường xuyên lùng sục các làng tình nghi để truy tìm Việt Minh. Dù phong trào cách mạng đã phát triển sâu rộng, có những bước tiến vững chắc nhưng cả Pháp và Nhật vẫn chỉ coi Việt Minh như là giặc cỏ và bọn khủng bố hơn là mối nguy hiểm đe dọa nghiêm trọng quyền lợi của chúng. Song ở thời điểm này, lực lượng của Việt Minh vẫn chưa đủ sức đề kháng nếu bọn Nhật và Pháp quyết tâm tiến hành một cuộc vây quét thật sự.
Những người hoạt động cách mạng được an toàn trước kết là do thái độ thờ ơ của nhà cầm quyền đã tạo điều kiện cho cán bộ Việt Minh đi lại dễ dàng, tự do tuyên truyền đường lối, chương trình và chính sách của cách mạng mà không hề bị ngăn trở. Không một lực lượng vũ trang nào của Pháp quan tâm đến tổ chức mới hình thành cho nên cuộc đụng độ chỉ diễn ra lẻ tẻ khiến hai bên đều bất ngờ.
Điều đó có thể xảy ra khi một đội tuần tra của Pháp về các làng lùng sục để truy đuổi hay tiêu diệt giặc cướp. Chúng chặn bắt bất cứ ai tình nghi là cộng sản hay có cảm tình với cộng sản. Bọn Pháp có thể bất ngờ bị chống trả, một hay hai tên trong đội tuần tra có thể bị thiệt mạng. Thế là chúng lùng sục vào các làng, đốt phá nhà cửa, bắn giết dân làng để trả thù. Khi đó Đại tướng và các đồng chí của ông phải rút sâu vào căn cứ, phân tán lực lượng trong các cánh rừng rậm rạp hoặc trên sườn núi cao để ẩn nấp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Mỗi khi chúng tôi cảm thấy không an toàn, chúng tôi di chuyển cơ quan, phân tán ngay kho tàng lương thực, vũ khí, đôi khi tìm địa điểm mới ở ngay giữa rừng có nhiều thác nước, có lối vào rất khó và kín đáo ít ai có thể ngờ được, muốn tới đó phải lội qua con suối Lênin, vượt qua những tảng đá lớm chởm hình tai mèo rồi lại leo tiếp lên đỉnh các triền núi cao dốc đứng”.
Giữa các khe núi, trong các hang động tối tăm, ẩm thấp sâu trong rừng, cây cối rậm rạp, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ của Việt Minh bố trí nơi làm việc, cất giấu tài liệu, vũ khí. Những nơi thoát hiểm đó như sau: “Khi cảm thấy địch đang đi lùng, chúng tôi phải phân tán ra ở nhiều hang khác nhau. Có một hôm đi công tác ở cơ sở về trời vừa mưa xong nhìn vào hang thấy đầy côn trùng, rắn rết…”.
Trong những điều kiện như thế, mỗi khi chạy giặc đi càn cuộc sống đáng sợ thật. Chúng ta hãy nghe ông kể tiếp: “Chúng tôi phải uống nước từ trên thác đổ xuống. Tìm được cái ăn là một chiến công. Chúng tôi chia nhau từng củ sắn, bẹ ngô […]. Đôi khi cả tháng chỉ ăn ngô và thân cây chuối rừng”.
Ẩn nấp trong hang sâu, họ bỏ hàng giờ để bàn về tương lai đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không quên niềm tin sắt đá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong khoảng 5 năm nữa cuộc cách mạng sẽ thắng lợi và điều mong đợi sẽ tỏa sáng. Mình chỉ ước nguyện có một điều: đất nước thoát khỏi ách nô lệ, dân ta có đủ cơm ăn”.
Tất cả họ đều biết rằng tương lai của cách mạng thật khó khăn, phức tạp, khiến Đại tướng và các đồng chí của ông đã có lúc cảm thấy bối rối không biết đối phó như thế nào trước những khó khăn gặp phải. Khi đó Hồ Chí Minh đã bình tĩnh giải thích những triển vọng của cách mạng bằng những lời lẽ hết sức bình dị, dễ hiểu.
Một hôm có cán bộ thắc mắc hỏi Hồ Chí Minh: “Làm thế nào thực hiện được cuộc cách mạng nếu không có súng và lấy đâu ra súng?” Người bình thản trả lời: “Chúng ta phải dựa vào sức mình là chính rồi có thêm một ít viện trợ từ bên ngoài. Một khi nhân dân hiểu được ý tưởng tốt đẹp của cách mạng thì họ sẽ tạo ra sức mạnh không thể nào cưỡng lại được. Mọi việc đều do nhân dân làm nên. Tất cả vì nhân dân. Người trước, súng sau. Có nhân dân là có tất cả”. Đó là một bài học mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp không bao giờ quên.
Năm 1941, ngoài việc chuẩn bị vũ trang Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác. Tháng 5 ở Pắc Bó, ông tham gia Hội nghị lần thứ 8 mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng Sản Đông Dương. Chính qua hội nghị này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh quan điểm của Lênin về cách mạng chỉ hướng tới công nhân cần được thay đổi ở Việt Nam.
Người cho rằng sự thay đổi của Việt Nam, thành công của cách mạng Việt Nam chỉ có thể xảy ra khi lấy cách mạng của giai cấp nông dân làm nền tảng. Tư tưởng chủ đạo trong chính sách của Đảng là cách mạng giải phóng dân tộc, vậy lực lượng trụ cột để đưa cách mạng đến thành công là nằm trong khối giai cấp nông dân ở nông thôn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo phương hướng – nghị quyết của hội nghị là: “Lúc này giải phóng dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, là trên hết […]. Mọi sự sửa soạn phải hướng về khởi nghĩa vũ trang”.
Theo gợi ý của Hồ Chủ tịch, Hội nghị còn thông qua việc thành lập mặt trận dân tộc thống nhất, lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh hội gọi tắt là Việt Minh – đúng như đã thảo luận với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước đây. Việt Minh sẽ kêu gọi mọi người yêu nước gia nhập không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, nam hay nữ, tôn giáo và xu hướng chính trị. Điều này sẽ giúp tập hợp được nhiều đảng phái khác nhau dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(Trích sách: Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá)