Trong rất nhiều hoạt động kỷ niệm 90 năm Báo chí Cách mạng VN, hôm nay, Hội Nhà báo VN, Ban Tuyên giáo TƯ và Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức hội thảo quốc gia "90 năm Báo chí Cách mạng VN - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm".
Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son ghi nhận sau 30 năm đổi mới, báo chí VN đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về nội dung, hình thức, quy mô, tổ chức, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của công cuộc đổi mới:
Báo chí đã tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và tệ nạn xã hội; giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
"Báo chí đã trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân", Bộ trưởng nói.
Nhưng Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế chậm được khắc phục: một bộ phận người làm báo non kém về nhận thức chính trị, bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và pháp luật; người đứng đầu một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý nội dung thông tin, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, coi trọng lợi nhuận, xem nhẹ chức năng báo chí, khai thác mặt trái xã hội với mức độ dày đặc, giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục; thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, uy tín cơ quan, tổ chức.
Hiện cả nước có 849 báo in, 67 đài phát thanh truyền hình, 98 báo điện tử, 1 hãng thông tấn quốc gia, khoảng 35.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ, trình độ ĐH khoảng 91%, trên ĐH là 4,9%.
"Những hạn chế, khuyết điểm đó là một trong những nguyên nhân làm giảm tính định hướng chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục của báo chí Cách mạng VN", ông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Về điểm này, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ chia sẻ nhìn nhận:
Một số cơ quan báo chí, nhà báo bắt đầu sợ nhiều đề tài nhạy cảm, dẫn đến không tìm hiểu, không nghiên cứu, không viết, không phản ánh.
"Không phải bỗng nhiên mọi người lại sợ như vậy, mà trong thực tế nó cũng có vậy, và chúng ta cũng thường bảo nhau phải tránh né những vấn đề nhạy cảm", ông Vũ Ngọc Hoàng nói.
"Trong đời sống xã hội, những vấn đề nhạy cảm thường là những vấn đề không bình thường, nhiều người quan tâm, hoặc do quan niệm như vậy, phức tạp hơn và thường là bức xúc.
Đó là những vấn đề mà cuộc sống đang đòi hỏi phải có câu trả lời.
Nếu trả lời đúng thì xã hội tiến lên, lẩn tránh nó là lẩn tránh thực tế cuộc sống, lẩn tránh trách nhiệm phải trả lời, cũng là biểu hiện của thiếu năng lực, thiếu dũng khí".
Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng biên tậpbáo Nhân Dân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ:
Bên cạnh những nhà báo tài năng, tận tụy, khiêm tốn, xã hội cũng đang nói đến những hiện tượng tiêu cực trong ứng xử của nhà báo như trịch thượng, ngạo mạn, cố chấp, không chịu nhận sai...
Đó là hai căn bệnh "lệch thị" - chỉ nhìn một phía, và "nghẽn tai" - chỉ nghe một chiều.
Hai bệnh đó không chỉ có ở nhà báo, nhưng với nhà báo thì nó thành tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, rất nguy hiểm.
Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ so sánh:
Giống như sau khi xác định các điểm trọng yếu và nóng bỏng của chiến trường thì lại rút quân ra khỏi khu vực đó, bàn giao cho đối phương.
Còn ta, do xa rời mặt trận nên năng lực chiến đấu ngày càng kém đi, cũng thích lựa chọn con đường rút lui, thua thì thua.
"Đáng lẽ ra, xác định vấn đề nhạy cảm là để xông vào, tập trung giải quyết chứ không phải để tránh ra xa.
Cuộc sống cần chúng ta là cần như vậy", ông Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh.
"Tất nhiên, xông vào không chỉ cần có dũng khí mà còn cần trí tuệ, các quan điểm đúng đắn và cả một hậu phương vững mạnh".
Mạng xã hội nói về báo chí: Có khen, có chê...
Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ cũng nhận định: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nước ta sau gần 30 năm đổi mới có nhiều việc chưa thành công, nhiều mặt tụt hậu xa hơn:
Năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư kém, thất thoát lãng phí nhiều, thu nhập bình quân đầu người quá thua kém các nước trong khu vực...
"Trước khi đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của TQ bằng 1,3 lần VN, đến nay là trên 3,5 lần.
Tức là tiềm lực kinh tế của TQ mạnh lên gấp bội so với trước đây, từ đó các sức mạnh khác của họ cũng tăng nhiều.
Họ cảm thấy đã đủ sức độc chiếm Biển Đông, trong đó có biển của VN ta và biển của một số nước trong khu vực Đông Nam Á", ông Vũ Ngọc Hoàng nói.
Theo ông, những yếu kém như vậy không thể né tránh, phải chỉ rõ và tìm cho ra nguyên nhân trực tiếp và sâu xa, từ đó tìm các giải pháp để thoát ra và tiến lên, hoàn thành sứ mệnh với dân tộc, giữ được vai trò lãnh đạo lâu dài của Đảng.
"Phải đổi mới căn bản và đúng hướng, chống tham nhũng và lợi ích nhóm, vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp, tránh nguy cơ chệch hướng sang chủ nghĩa tư bản thân hữu. Báo chí cách mạng không thể đứng ngoài câu chuyện này", ông Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh.
Kết luận hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ cho biết trong những ngày này, ông đọc thấy trên mạng xã hội, có nhiều bài tự hào về Báo chí Cách mạng VN, nhưng cũng có những bài viết chê bai người này, người kia, báo này, báo nọ..., "hình như không còn giữ được chất trong sáng, sự tận tụy, tính gương mẫu của người làm báo".
"Báo chí chính thống hiện có thách thức phải cạnh tranh thông tin với báo chí không chính thống.
Báo chí truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình phải cạnh tranh với báo điện tử và đặc biệt là mạng xã hội.
Trong rất nhiều vấn đề hiện nay, mạng xã hội đang chi phối thông tin, đi trước và thậm chí dẫn dắt dư luận.
Đây là thách thức lớn và lâu dài mà nếu không có những biện pháp căn cơ và khoa học thì sẽ rất khó vượt qua", ông Nguyễn Thế Kỷ nói.
Từ đó, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đề cập đến việc quy hoạch báo chí VN đến năm 2025:
Đây không chỉ là mối quan tâm của các cơ quan báo chí và nhà báo mà của cả xã hội, làm sao để phát huy ưu điểm, thành tích, đồng thời hạn chế khuyết điểm, đặc biệt là những yếu kém kéo dài, lặp đi lặp lại.