"Báo chí tức thì" của Facebook: May hay rủi cho báo chí Việt Nam?

Hoàng Đan |

Theo ông Minh, báo chí hãy làm tốt công việc của mình, sản xuất những nội dung chất lượng cao thì mới có cơ hội hợp tác với những người khổng lồ công nghệ như Facebook, Google.

Vừa qua, thông tin về tính năng mới Instant Articles (báo chí tức thì) của Facebook đang nhận được nhiều ý kiến cũng như sự lo lắng của báo giới quốc tế và trong nước. Bởi lẽ, lưu lượng vào các trang web từ Facebook đang chiếm một phần đáng kể.

Để làm rõ hơn tính năng mới này cũng như ảnh hưởng của nó đối với các tờ báo hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Minh, một chuyên gia về truyền thông xã hội đồng thời là Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnam Plus.

Theo ông Minh, Instant Articles (báo chí tức thì) của Facebook rất có lợi cho người dùng.

Từ nay, người dùng có thể xem tin bài, video của các cơ quan báo chí trực tiếp trên Facebook chứ không phải mở các ứng dụng (native application) khác.

"Trong khi đó, người dùng vẫn có những trải nghiệm y như đang sử dụng app vậy. Một điều đáng lưu tâm là thời gian load nội dung rất nhanh. Facebook nói là tốc độ nhanh gấp 10 lần tải trang web thông thường. Tôi đã thử và thấy là nó thực sự nhanh", ông Minh cho hay.

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa PV với ông Lê Quốc Minh:

PV: Theo ông, khi Facebook thêm tính năng này, sự hấp dẫn của Facebook giảm đi hay tăng lên?

Có nhiều người nhận xét nếu Facebook đi quá xa cái lõi làm nên ưu thế vượt trội của mình là tương tác ngắn, gắn kết cá nhân, thì Facebook sẽ đánh mất mình. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Lê Quốc Minh: Facebook đã biến đổi và phát triển rất nhiều so với bản chất ban đầu của nó như là một nơi kết nối bạn bè.

Xu hướng hiện nay là all-in-one: mọi người ngại phải mở nhiều cổng, nếu có thể vào một nơi mà có đầy đủ mọi tiện ích, dịch vụ thì họ sẽ thích.

Tất nhiên phải là dịch vụ tốt và chuyên nghiệp chứ không phải là tham làm nhiều và không chuyên sâu. Facebook gần đây chú trọng đến video, và số lượng xem video trên Facebook mỗi ngày đã lên tới 4 tỷ trong khi hồi đầu năm 2015 mới là 3 tỷ.

Điều đó cho thấy, nơi nào có cầu thì ắt dẫn đến cung. Instant Articles cũng là một dạng cung theo nhu cầu như vậy.

Hiện nay, mới chỉ có một số báo ở Mỹ tham gia chương trình này, khi có nhiều nội dung hơn thì chắc chắn dẫn đến việc hiển thị nội dung theo sở thích của từng người, tính cá nhân hóa lúc này phát huy tác dụng.

Một sản phẩm phát triển và bắt kịp theo nhu cầu của người dùng như vậy là tốt chứ không nhất thiết phải giữ nguyên bản chất ban đầu.

PV: Đã có rất nhiều cơ quan báo chí bày tỏ lo lắng về tính năng này của Facebook, với nhìn nhận của mình, theo ông, các báo có thể gặp rủi ro gì nếu hợp tác hoặc từ chối hợp tác với Facebook?

Ông Lê Quốc Minh: Trước đây, cũng từng có tranh cãi giữa các báo và Google về việc có cho phép đưa tin tự động lên Google News hay không.

Về sau này, những “người khổng lồ công nghệ” đều tìm cách thỏa thuận với báo chí để cùng ăn chia. Chẳng hạn với tính năng Instant Articles thì nhà xuất bản vẫn được hưởng quảng cáo mà họ bán.

Ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus

Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus.

Ngoài ra, Facebook sẽ hợp tác bán quảng cáo thêm và chia sẻ lợi nhuận.

Cho đến giờ, nói chung báo chí thế giới có quan điểm là tẩy chay Google, Facebook vì thấy họ hưởng lợi quá nhiều, nhưng có thể thấy, xu hướng hợp tác nổi lên từ việc các cơ quan báo chí hợp tác với Flipboard, mới đây là Google ở Châu Âu và bây giờ là Facebook.

Điều đó cho thấy, các báo thay vì xu hướng đối đầu đã chuyển sang hợp tác.

Bởi họ nhận ra rằng, độc giả giờ đây không truy cập trực tiếp vào các website báo chí nhiều như trước mà nguồn giới thiệu từ mạng xã hội đã trở nên quan trọng và đóng góp một phần đáng kể vào traffic của các báo.

Ngoài ra, sự hợp tác này cũng đảm bảo được vấn đề chia sẻ lợi nhuận.

Tất nhiên, những báo không thích mô hình này thì có thể từ chối hợp tác. Nhưng tôi e rằng, khi các báo lớn bắt tay với các công ty công nghệ lớn thì các báo nhỏ phải chạy theo, thậm chí chưa chắc có cơ hội chen chân.

PV: Đó là với báo chí thế giới còn báo chí Việt Nam, theo đánh giá của ông, tính năng này liệu sẽ có những tác động như thế nào?

Ông Lê Quốc Minh: Báo Việt Nam chưa có liên quan gì vì để tin bài vào được trong Instant Articles cần có thỏa thuận giữa Facebook và nhà xuất bản. Nó khác với các phần mềm tự động lấy tin bài khác.

Cách thỏa thuận trực tiếp với nhà xuất bản để hai bên cùng chia sẻ lợi ích giống như cách mà Flipboard đang làm.

Facebook không hề tự sản xuất nội dung mà hợp tác với các nhà xuất bản nội dung. Theo cách này, khi độc giả xem một bài nào đó trên Instant Articles thì traffic được trả cho báo với đường URL chuẩn.

Khi mới ra mắt, tính năng này chỉ có trên iPhone, nếu dùng máy tính thì vẫn mở ra trang của báo.

Facebook cam kết rằng, nhà xuất bản vẫn được hưởng đầy đủ lượng truy cập và có thể theo dõi qua các phần mềm thống kê như Google Analytics hoặc comScore.

PV: Nhiều người lo ngại rằng, với tính năng mới này của Facebook sẽ khiến quảng cáo của nhiều tờ báo sụt giảm mạnh. Ông nhận định như thế nào về điều này?

Ông Lê Quốc Minh: Không có tính năng này thì doanh thu quảng cáo của báo in đã sụt giảm rồi. Đối với báo điện tử, nguồn thu quảng cáo tăng lên nhưng không bù đắp được khoản sụt giảm từ báo in.

Trên thế giới, có một xu hướng tích cực trong năm 2014 là doanh thu bán báo và thuê bao phiên bản điện tử (subscription) của một số báo thậm chí đã vượt qua doanh thu quảng cáo.

Chứng tỏ, các báo đã chủ động để không bị phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo ngày càng eo hẹp.

Nhiều báo cũng áp dụng các cách thức mới để tăng nguồn thu, ví dụ tạo lập các ứng dụng về những nội dung đặc biệt, đăng bài dạng native ads (hoặc còn gọi là branded content).

Ngoài ra, như cam kết của Facebook, các báo vẫn giữ nguyên nguồn thu quảng cáo mà họ bán được, trong khi có thể tạo thêm doanh thu qua những vị trí quảng cáo khác mà Facebook khai thác.

Đây là đề nghị hấp dẫn và chưa thấy thiệt thòi nào cho các báo tham gia. Vấn đề là sự hợp tác này cũng có lựa chọn chứ không phải là với tất cả các báo, vì thế cũng không nên trông đợi quá nhiều.

PV: Theo ông, báo chí Việt Nam cần làm gì để ứng phó với những sự thay đổi liên tục của các ông lớn như Facebook, Google?

Ông Lê Quốc Minh: Trước đây có quan niệm “nội dung là vua” (Content is King), giờ đây người ta thêm vào một câu “công nghệ là hoàng hậu) (Technology is Queen). Có một quan điểm mới là báo chí hiện đại phải là sự kết hợp giữa báo chí, công nghệ và phong cách.

Các công ty công nghệ cũng nhận thấy rằng, sở trường của họ là công nghệ chứ không phải nội dung, và họ sẵn sàng hợp tác để có nội dung tốt cho người dùng của mình.

Vì thế, báo chí hãy làm tốt công việc của mình, hãy sản xuất ra những nội dung chất lượng cao thì mới có cơ hội hợp tác với những người khổng lồ công nghệ.

Nhưng xét cho cùng, báo chí là phụng sự độc giả, dù nội dung đó nằm trên trang báo của chúng ta hay được chuyển tải qua các mạng xã hội thì vẫn phải đặt chất lượng lên hàng đầu.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ tại hội thảo “Tương tác giữa báo chí và mạng xã hội” vừa diễn ra, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, PGĐ thường trực TT Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí VN cho rằng:

"Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các blog cá nhân dẫn đến thực tế là các cơ quan báo chí không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin".

Ngoài ra, cũng theo ông Lợi, mạng xã hội còn làm thay đổi hành vi của công chúng.

Đó là thay đổi từ chỗ họ chỉ là người tiếp nhận thông tin một cách bị động, nay họ đã trở thành người chủ động tham gia sản xuất, cung cấp, chia sẻ thông tin, đem lại những thách thức lớn cho các tòa soạn và các nhà báo.

"Giá trị then chốt của nhà báo trong kỷ nguyên số hiện nay không chỉ đơn thuần là thu thập thông tin và đưa tin.

Cần phải biết chọn lọc hợp lý, tổng hợp, đánh giá những thông tin quan trọng từ mớ thông tin khổng lồ do mạng xã hội đem lại, qua đó cung cấp những bài phân tích, bình luận có giá trị cho công chúng", ông Lợi nói.

>> "Đột nhập" tổ ong kỳ lạ đáng giá cả gia tài không ai dám trộm
>> Một nơi mà ai cũng sợ bước chân đến ở Bắc Giang

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại