Đó là quán bùn bò gân của anh Nguyễn Hoàng Anh Dũng (48 tuổi) ở vỉa hè chung cư Tôn Thất Thuyết, P.1, Q.4, TP.HCM.
Những nội quy hài hước đã làm nên "tên tuổi" quán ăn vỉa hè của anh Dũng như: không nhiều chuyện, không lên mạng nói xấu chủ quán; không phải là bún bò Huế, nếu ăn thấy dở ẹc thì ráng chịu không được chê, ăn không vô cũng phải trả đủ tiền hay quý khách ăn thiếu xin vui lòng thế chấp giấy tờ nhà, giấy hôn thú….
Tuy nhiên, khi tên tuổi quán ăn đang nổi như cồn vì tốc độ chia sẻ chóng mặt của giới trẻ thì đêm 26-3, theo anh Dũng, cơ quan chức năng địa phương đã đến quán ăn của anh Dũng gỡ những nội quy treo trong quán.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này từ mạng xã hội và hình ảnh trên YouTube, cộng đồng mạng đã “dậy sóng”.
Phần lớn ý kiến bảo vệ những bảng nội quy của anh Dũng. Họ cho rằng các bảng nội quy chỉ mang tính chất vui vẻ, hài hước.
Phường mời chủ quán bún bò gân đến làm việc
Chiều 27-3, chúng tôi đến quán bún bò gân của ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng tại cổng sau chung cư Tôn Thất Thuyết, P.1, Q.4.
Tại quán, ông Dũng và hai nhân viên đang hì hục công việc chuẩn bị đón khách. Trên bức tường chỉ còn một tấm bảng có ghi: Bún bò gân. Vỉa hè chung cư Tôn Thất Thuyết. 30 ngàn, mở cửa từ 15g30 đến 19g30. Ế bán tiếp”.
Theo ông Dũng, ông treo hai tấm bảng khoảng vài tháng nay. Nội dung trên tấm bảng là do ông nghĩ ra để tạo sự hài hước, vui vẻ cho khách tới ăn.
Ông Dũng kể khi tịch thu, cán bộ chức năng giải thích treo những tấm biển đó gây phản cảm: “Tôi có đề nghị họ lập biên bản nhưng họ nói không cần thiết, cứ bán đi đã rồi mai lên phường làm việc”.
Chúng tôi liên hệ với công an phường, đại úy Lê Minh Tùng - công an P.1, Q.4 - cho biết công an phường không trả lời vấn đề này.
Chiều 27-3, Ủy ban nhân dân P.1, Q.4 đã làm việc với ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng về việc treo bảng nội quy của quán với sự có mặt của ông Nguyễn Văn Đính - phó chủ tịch UBND P.1, cảnh sát khu vực, tổ dân phố...
Theo biên bản làm việc, lý do quán bún bò gân của ông Dũng bị tịch thu hai bảng nội quy là do các bảng nội quy gây phản cảm, gây cản trở giao thông trước cửa chung cư (do người dân hiếu kỳ đến xem).
UBND P.1 yêu cầu ông Dũng không treo hai bảng nội quy này nữa và tạm giữ hai bảng nội quy. Khi ông Dũng có điểm kinh doanh cố định sẽ trả lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dũng cho biết mọi chuyện đã tương đối ổn. Ông đồng ý các yêu cầu của phường, chỉ muốn yên ổn làm ăn, không muốn gây nhiều chú ý.
Không đủ thẩm quyền, sai trình tự thủ tục?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho biết bảng nội quy chỉ đơn thuần hài hước, không có nội dung vi phạm những điều cấm theo quy định của pháp luật, không có yếu tố phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục .
Theo điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản.
Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính một bản. Vì vậy, việc cán bộ P.1, Q.4 đến tạm giữ bảng nội quy nhưng không lập biên bản ngay là không đúng trình tự xử lý vi phạm hành chính.
Cũng theo luật này, cán bộ dân phòng không có thẩm quyền xử lý tạm giữ tang vật vi phạm hành chính. Do đó việc cán bộ dân phòng tự tiện vào quán ăn tháo dỡ bảng nội quy là không đúng về mặt thẩm quyền.
Còn nhiều việc cần thiết hơn cần làm
Đó là quan điểm của luật sư Võ Xuân Trung, Đoàn luật sư TP.HCM.
Theo luật sư Trung, việc chủ quán bún bò Huế tại khu chung cư Tôn Thất Thuyết, Q.4 treo bảng nội quy với nội dung như trên hoàn toàn không trái thuần phong mỹ tục, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ai, cũng không xâm phạm trật tự an toàn xã hội hay an ninh quốc gia.
Vì thế, việc công an địa phương tới tịch thu hoặc buộc tháo gỡ là một câu hỏi về mặt pháp lý cần được trả lời rõ ràng.
Về mặt pháp lý, người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, tức là cái gì không có quy định cấm của cơ quan, người có thẩm quyền nhân danh Nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục luật định thì người dân có quyền làm.
Ngược lại, nếu là cán bộ, công an nhân danh quyền lực nhà nước thì chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Trong vụ việc này, cần phải xét bảng thông báo của chủ quán bún bò có điểm nào vi phạm, vi phạm quy định nào, phải có văn bản pháp luật cụ thể, điều khoản để cơ quan có thẩm quyền dựa vào đó thực hiện việc lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử lý.
"Theo tôi, công an địa phương còn rất nhiều việc cần thiết phải làm hơn như phòng chống tội phạm, giải quyết các tụ điểm về trật tự xã hội, giải quyết các vấn đề hành chính cho dân" - luật sư Xuân Trung nói.