Rất nhiều du khách khi đến thăm quan tại Khu di tích nhà Công tử Bạc Liêu, tọa lạc tại số 15 Điện Biên Phủ, Phường 3, TP Bạc Liêu đã phải ngỡ ngàng khi biết người đàn ông vừa là hướng dẫn viên, vừa bán sách tuyển tập Công tử Bạc Liêu lại chính là con trai thứ ba của vị Công tử Bạc Liêu nổi danh một thời, đó là ông Trần Trinh Đức.
Nụ cười hiền hậu, người đàn ông đã ở cái tuổi gần 70 này giới thiệu một cách tỉ mỉ cho các du khách về ngôi nhà, những người thân trong gia đình. Sau đó, ông tiếp tục giới thiệu đến du khách về cuốn sách công tử Bạc Liêu do nhà xuất bản công an nhân dân ấn hành về cuộc đời cũng như những giai thoại về ba ông.
"Là con, tôi rất tự hào về ba mình, cuộc đời ba tôi như một giai thoại đã được không ít nhà văn viết thành sách với những câu chuyện vui nhiều hơn câu chuyện buồn, sự thật cũng có và hư cấu cũng có. Nhưng khi nhắc đến địa danh Bạc Liêu, người Việt Nam nào cũng đều biết vùng đất đã sản sinh ra một con người thú vị, đó là công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy" - ông Đức chia sẻ.
Khi được hỏi về câu chuyện, công tử Bạc Liêu là chủ sở hữu máy bay tư nhân đầu tiên Việt Nam, ông Đức cho hay, nhiều người đã không hiểu hết ý nguyện của ba ông khi làm vậy.
Ảnh của vợ chồng công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy và bà Ngô Thị Đen.
“Sau khi du học bên Pháp nghiên cứu về nghề nông và học lái máy bay, ba tôi trở về nước và được ông nội tôi tức Trần Trinh Trạch giao cho việc quản lý đồn điền của gia đình với hơn 100 nghìn mẫu ruộng cùng với hơn 1000 cánh đồng muối, ruộng của gia đình tôi lúc đó trải dài khắp từ Bạc Liêu xuống Cà Mau.
Nếu gặp phải thiên tai như nạn cào cào, châu chấu hoành hành, chúng kéo tới đâu thì nhìn như một đám mây. Đám mây đó đáp xuống tới đâu trong nháy mắt những cánh đồng lúa đều trụi lủi.
Cho nên chỉ có máy bay xịt thuốc sát trùng mới "ứng chiến" kịp thời. Do đó, ông học hỏi và áp dụng những sáng chế của sứ người về canh tác nghề nông quê hương. Và ông đã nói với ông nội tôi và được ông nội đồng ý cho sắm máy bay từ thời điểm đó, khoảng thập niên 30 của thế kỷ 20.
Khi ba tôi mua máy bay, nhiều người nói rằng ba tôi làm như vậy là chơi ngông, sắm máy bay để khoe của nhưng họ không hiểu hết ý nguyện của ba tôi" - ông Đức nói.
Cũng cần nói thêm rằng, vào thời điểm khoảng thập niên 30 của thế kỷ 20, một hợp đồng mua máy bay, loại 2 cánh quạt, 2 chỗ ngồi, đã được công tử Bạc Liêu ký với hãng cung cấp máy bay của Pháp. Theo một vài nguồn thông tin, giá trị hợp đồng lên đến vài chục triệu đồng Đông Dương, tương đương hơn 100kg vàng.
Khi máy bay chưa về tới Sài Gòn, nhờ Ba Huy quan hệ tốt với cánh báo chí, vào ngày 24 tháng 6 năm 1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã loan tin giật gân công tử Bạc Liêu mua máy bay với tít lớn ở trang nhất: “M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède un avion et il aménager une piste d atterrissage sur sa propriété à Camau”, có nghĩa “Ông điền chủ Trần Trinh Huy sắm một chiếc máy bay và làm sân bay trên đất của ông ở Cà Mau”.
Ông Trần Trinh Đức (giữa) con trai của công tử Bạc Liêu chụp ảnh cùng khách du lịch đến thăm quan ngôi nhà từng là của gia đình ông.
Về việc trong dân gian đồn khi công tử George Phước (dân gian hay gọi là Ccng tử Mỹ Tho hay Bạch công tử, quê ở Tiền Giang) rút thuốc hút, tình cờ làm rơi tờ giấy bạc “bộ lư” (mệnh giá 5 đồng Đông Dương) xuống nền. Công tử Mỹ Tho cúi xuống tìm nhặt tờ giấy bạc, nhưng trong rạp ánh sáng lờ mờ, nên tìm hoài không được.
Như phát hiện ra điều gì đó thú vị, Ba Huy mỉm cười, rồi không nói không rằng, bất ngờ móc túi lấy tờ giấy bạc “con công” (mệnh giá 100 đồng Đông Dương, tương đương khoảng 15 triệu đồng hiện nay) rồi lạnh lùng bật hộp quẹt đốt để làm “đuốc” soi cho công tử Mỹ Tho tìm tờ giấy bạc bị đánh rơi.
Ông Đức cho rằng, chuyện đốt tiền để tìm tiền hoàn toàn không đúng và đó chỉ là lời đồn thổi trong dân gian về sự giàu sang của gia đình ông trước kia:
"Tôi còn nhớ, có lần ba tôi kể, thời trẻ với tính phóng khoáng, ông thường hay giao lưu với những người con gái xinh đẹp, vào thời kỳ này ở Sài Gòn có cô Bảy là xinh đẹp có tiếng nhất.
Có lần ông mời cô Bảy đi xem phim Tarzan là phim người rừng mới từ bên Pháp gửi qua, được chiếu lần đầu tiên tại Sài Gòn. Lúc này, cô Bảy cũng được ông Goerge Phước là người giàu có lúc bấy giờ mời đi xem phim, thế là cả 3 người cùng đi.
Khi đang ngồi xem phim trong rạp thì cô Bảy có rơi tờ tiền mệnh giá 5 đồng và cúi xuống để tìm. Lúc này trong rạp rất tối, thấy vậy ba tôi móc quẹt máy ra thì ông Phước đã nhanh tay đưa tờ bạc mệnh giá 20 đồng vô bật lửa đốt cho cô Bảy tìm tờ bạc 5 đồng.
Chuyện chỉ có vậy mà thiên hạ đồn thổi Bạch công tử (ông Goerge Phước) và Hắc công tử (công tử Bạc Liêu) đốt tiền để tranh giành cô Bảy" - ông Đức kể lại.
Con trai công tử Bạc Liêu - ông Đức (trái) bán và ký tặng sách viết về cha mình cho một khách du lịch.
Cùng với đó, ông Đức cũng bác bỏ tin đồn cho rằng, do bị thua một vố quá đau trong vụ đốt tiền làm đuốc ở Bạc Liêu, nên Bạch công tử tìm cách trả đũa lại Hắc công tử và ông đã ra lời thách đấu, cũng liên quan đến chuyện đốt giấy bạc. Đó là thi nhau đốt giấy bạc để nấu nồi chè 1kg đậu xanh. Ai nấu nồi chè sôi trước người ấy thắng. Hắc công tử đã nhận lời thách đấu và cuối cùng George Phước đã chiến thắng, đòi lại được món nợ trong rạp hát ngày nào.
"Tôi có hỏi ba tôi về việc này, ông nói lại rằng, lúc trẻ có lúc cũng chơi ngông để cho thiên hạ chú ý tới mình. Nhưng ba tôi là người có ăn học, biết chơi ngông tới đâu thì dừng lại, chứ đâu phải bị làm sao đâu mà đem tiền ra để đốt” - ông Đức nói.