Đổ bỏ sản phẩm của Tân Hiệp Phát: Một hành động thể hiện “bản lĩnh”?
Cứ ngỡ sau một hồi lùm xùm, rồi cũng như các vụ "đình đám" khác, "kỳ án con ruồi" giữa Tập đoàn Tân Hiệp Phát và anh Võ Văn Minh sẽ lắng xuống, bởi cuộc sống còn quá nhiều điều đáng quan tâm hơn.
Vậy mà, có vẻ mọi chuyện chưa dừng lại, thậm chí, nó còn đang đi quá xa và ngày càng trầm trọng hơn so với dự kiến ban đầu của nhiều người.
Gần nhất là từ hôm qua, trên mạng liên tục xuất hiện các chia sẻ về bức ảnh được cho là chụp các thiếu nữ Huế trong bộ áo dài truyền thống ngồi xếp hàng nghiêng mình đổ những chai nước trà xanh "Không độ" xuống đất.
Đây là sản phẩm nước giải khát điển hình của Tân Hiệp Phát.
Mặc dù chưa biết rõ chủ nhân của bức ảnh ấy là ai, chụp với mục đích gì, trong hoàn cảnh nào, nhưng nhìn vào ảnh, người xem đều cho rằng đó là một hình thức "tẩy chay tập thể" của giới trẻ đối với hãng nước giải khát số 1 Việt Nam này!?!
Để hiểu rõ nguồn gốc của bức ảnh, tôi đã nghe ngóng nhiều nguồn thông tin khác nhau, tìm hiểu nhiều sự kiện, và thật sự, thấy khá "lấn cấn" khi "đặt tên" cho bức ảnh trên.
Liệu đó có thực sự là hành động tẩy chay của giới trẻ? Hành động đó có thực sự xuất phát từ ý thức của họ không hay có một sự sắp đặt nào đằng sau?
Đó là bức ảnh thật hay chỉ là một sản phẩm cắt ghép, chỉnh sửa?
Nếu không phải hành động tẩy chay thì đó là hoạt động gì mà các thiếu nữ lại trong trang phục xúng xính áo dài, ngồi bê từng khay đựng những chai nước trà xanh của Tân Hiệp Phát ra đổ?
Và tại sao bức ảnh ấy lại xuất hiện đúng thời điểm này, khi truyền thông đang liên tiếp tung ra những "chiêu thức" trái chiều khác nhau nhằm vào Tân Hiệp Phát?
Dù đã cất công tìm hiểu khá kỹ, nhưng để trả lời được câu hỏi đó, tôi thấy thật không dễ dàng. Nhưng qua tìm hiểu, tôi thấy có một thứ rất dễ nhận ra, đó là nỗi buồn.
Nỗi buồn khi xem bức ảnh ấy thì ít mà buồn nhiều hơn khi ngồi đọc những lời bình luận của các "cư dân mạng" về bức ảnh và tốc độ lan truyền chóng mặt của bức ảnh đó.
Tại sao lại buồn ư? Vì hầu hết các ý kiến đều cho rằng Tân Hiệp Phát xứng đáng được nhận sự tẩy chay đó, thậm chí còn đáng bị từ lâu rồi và nhiều hơn thế nữa.
Buồn vì hình ảnh cầm chai nước đổ đi kia được nhiều người tung hô, cổ súy, coi như một hành động "cao cả", thể hiện "bản lĩnh" của giới trẻ!?!
Tất cả những người tung hô ấy đều vô tình hoặc cố tình đánh mất đi sự tỉnh táo và bình tĩnh để nhận ra rằng, xét cho đến cùng, cái "sai" của Tân Hiệp Phát vừa rồi cơ bản là cách hành xử không hợp lý đối với anh Võ Văn Minh.
Sau vụ "con ruồi 500 triệu", nhiều người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của Tân HIệp Phát
Những “đắng chát” phía hậu trường
Từ sai lầm trong xử lý bước đầu, họ tiếp tục lún sâu và đã để xảy ra khủng hoảng. Đáng buồn nhất cho họ là cách xử lý khủng hoảng của họ lại càng làm sự việc rắc rối hơn, khủng hoảng trầm trọng hơn.
Đây là bài học cay đắng đối với một doanh nghiệp, nhất là một doanh nghiệp lớn, uy thế như Tân Hiệp Phát.
Và họ đã phải trả giá quá đắt cho sai lầm trong ứng xử và xử lý khủng hoảng của mình. Người tiêu dùng có thể trách Tân Hiệp Phát ở điểm ấy.
Còn sản phẩm của họ, các chai nước kia có lỗi gì không? Chắc chắn là không!
Bởi đến giờ, khi sự việc đã quá ầm ĩ, kéo dài lê thê, người ta vẫn chưa đưa ra được những khẳng định chắc chắn rằng các sản phẩm của Tân Hiệp Phát là không đảm bảo chất lượng, có hại cho người sử dụng.
Làm trong lĩnh vực sản xuất đồ uống đóng chai, việc có những sản phẩm bị lỗi do khách quan là điều khó có thể tránh được.
Không cứ trong nước, mà kể cả các tập đoàn lớn, uy tín trên thế giới đều đã từng hoặc có khả năng để xảy ra những sơ suất đó.
Nếu là người tiêu dùng văn minh, chúng ta hoàn toàn có thể liên hệ trực tiếp với nhà phân phối, đơn vị sản xuất yêu cầu đổi trả, bồi thường, theo quan hệ khách hàng-đại lý, với mức giá hợp lý.
Tại sao ta lại phải tẩy chay sản phẩm của một tập đoàn trong nước chỉ vì cách hành xử của họ với một con người cụ thể, mà con người ấy đã bị kết luận rõ ràng là vi phạm pháp luật?
Hoặc ít ra là đã có những hành vi thiếu tôn trọng pháp luật, đe dọa tống tiền doanh nghiệp?
Mọi người tẩy chay sản phẩm vì nó có lỗi (cái lỗi chưa được xác định rõ ràng), hay chỉ đơn thuần vì sự ghen ghét, cố chấp mà vô tình thành bảo vệ cái sai, bảo vệ lòng tham và những hành vi cần phải được loại bỏ khỏi đời sống xã hội văn minh hiện nay?
Những người hoan hô, cổ vũ cho hành vi mua chai nước về rồi ngồi đổ xuống đất, trong đầu họ đang thực sự nghĩ gì?
Tôi tin rằng, chắc không nhiều người trong số họ sẽ bắt chước hành vi của mấy cô gái cầm chai nước của Tân Hiệp Phát đổ đi để thể hiện cảm xúc của mình.
Họ có thể chỉ vỗ tay theo kiểu "cho vui", như một phản xạ.
Nhưng họ đâu biết rằng, cách vỗ tay tưởng như "vô thưởng vô phạt", cái hành vi chia sẻ bức ảnh kèm những lời dẫn đầy kích động ấy đã vô tình khiến hàng nghìn công nhân, người lao động tại các nhà máy của Tân Hiệp Phát quặn thắt tim gan vì lo sợ mất việc làm.
Nỗi lo sợ của họ là điều thật nhất, thật hơn tất cả những hình ảnh, những bài thơ chế, những trang mạng xã hội được lập ra để kêu gọi tẩy chay Tân Hiệp Phát đang lây lan chóng mặt trên mạng.
Rất có thể Tân Hiệp Phát sẽ bị phá sản, vì sự tẩy chay kiểu "a dua" của cư dân mạng! Cứ cho là Tân Hiệp Phát bị sụp đổ thật sự đi, thì sau cơn hả hê, những người vỗ tay hùa theo kia sẽ được gì?
Liệu họ có được uống những chai nước trong lành, chất lượng hơn các sản phẩm của Tân Hiệp Phát hay không?
Liệu họ có thấy ấm lòng vì đã "trả thù" được cho người bị kết án 7 năm tù? Hay tất cả rồi lại lắng xuống, như hàng trăm nghìn sự kiện xôn xao cư dân mạng khác?
Điều tôi lo nhất là, sự việc rồi có thể sẽ lắng xuống, nhưng, số phận hàng nghìn lao động tại Tập đoàn này, rồi họ sẽ đi đâu, về đâu? Trong khi, một cái Tết nữa lại đang cận kề?!?