Con của “người rừng” bới rác: “Tết năm nay không đón bố về được”

Thiên Di |

(Soha.vn) - “Nghĩ đến cảnh bố phải sống lang thang ngoài đường mà muốn khóc. Tôi cảm thấy mừng, an tâm hơn một chút vì bố có chỗ ăn, ngủ, trú nắng mưa ở trung tâm”.

Đó là tâm sự của anh D. - người con trai của ông Tuất “người rừng” bới rác giữa Thủ đô đã từng sống trong lều lán cạnh sông Tô Lịch nhiều năm nay.

Như đã đưa tin, ông Trương Văn Tuất (sinh năm 1946), từng dựng lều tạm dọc sông Tô Lịch (khu vực đường Bưởi hướng đi Lạc Long Quân – Cầu Giấy), thuộc quản lý của phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hơn 4 năm nay, để kiếm sống ngày ông bới rác, nhặt chai lọ, tối đến ông về căn lều tạm để tá túc.

Căn lều dựng tạm của ông Trương Văn Tuất dọc sông Tô Lịch.

Căn lều dựng tạm của ông Trương Văn Tuất cạnh sông Tô Lịch.

Tâm sự với chúng tôi, anh D. (con trai ông Tuất) bày tỏ tâm trạng vừa mừng vừa lo khi bố được chính quyền chuyển lên Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật (xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

“Tôi cảm thấy mừng vì ít ra bố mình cũng có chỗ ăn ngủ đàng hoàng hơn trước. Nghĩ đến cảnh ông phải sống lang thang mà tôi muốn khóc. Tôi không muốn để bố ở trong căn lều rách giữa trời rét mướt thế này. Thực sự, làm con không chăm lo được cho bố là lỗi lầm lớn của cuộc đời tôi.

Giờ ông được nhà nước, chính quyền giúp đỡ, mặc dù ở xa nhưng ít ra tôi cũng yên tâm một phần vì ông cụ cũng đỡ khổ hơn trước”, anh D. chia sẻ.

Liên lạc với chị Huyền (con gái của ông Tuất), chị cho biết, vào ngày thứ 2 (6/1/2014), chị cùng người ở UBND phường Vĩnh Phúc đã đưa ông lên Trung tâm.

“Nhìn thấy cảnh ông lang thang như thế đau xót lắm. Từ trước đến giờ không lo được cho bố cái gì, phận con gái đi lấy chồng theo nhà chồng, bố khổ mà không lo được".

Trước lúc đưa bố đi, mình có nói: “Bố có thương con không? Nếu thương con thì bố đi cùng con, trên đó có các cô chú của nhà nước chăm lo cho bố lúc ốm đau. Ông nghe và đồng ý đi. Giờ ông lên sống ở trung tâm, ít ra có chỗ ăn, ngủ tôi cũng yên tâm, mừng một phần”, cô con gái ông Tuất tâm sự.

Chị Huyền cũng kể rằng, thời gian ông ở lán ngoài sông Tô Lịch, tuần nào cô cũng lên thăm đưa cho ông vài ba chục cho bố ăn quà, bánh, chút quần áo, đồ ăn…

“Mình làm giặt là thuê tại nhà cũng kiếm được chút ít, gia đình khó khăn, mình ở nhà bố mẹ chồng nên cũng không có điều kiện đón bố về chăm nom.

Ngày trước, hai anh em cũng thuê nhà và nói bố về sống với mẹ, hai con nhưng bố không chịu. Hơn nữa, bố mẹ mình không hợp nhau, như mặt trăng mặt trời, hay cãi nhau nên mình cũng rất buồn”, chị Huyền nói.

Còn đối với bà Lý (vợ ông Tuất) hiện nay cũng đi làm xa Hà Nội chia sẻ, bà rất yên tâm khi biết tin ông được cơ quan nhà nước giúp đỡ cho ở tại Trung tâm.

“Tôi thấy an tâm hơn vì ông ấy hay đi lang thang, sống lang thang ngoài đường mưa nắng không biết sống chết, ốm đau thế nào. Giờ con cái cũng không có nhà cửa hay điều kiện đón, chăm lo cho ông ấy lúc tuổi già. Giờ ông ở trên đấy còn có điều kiện ăn ở sạch sẽ, thoáng mát”, bà Lý cho biết.

Khi hỏi về kế hoạch thăm nom, anh D. cho hay, Tết năm nay anh không đón ông về nhà ăn Tết được vì hiện nay anh đang làm ở Lạng Sơn.

“Tôi không có điều kiện chăm sóc bố lúc tuổi già, không đón bố về ăn Tết được, tôi thấy nghẹn ngào lắm. Phận làm con, ai cũng muốn đón bố mẹ sum họp khi Tết đến. Vì vậy, tôi có kế hoạch ra Tết khoảng tháng Giêng, tôi sẽ lên thăm bố rồi vào Nam làm ăn. Sau vài ba năm có điều kiện, tôi xin đón bố về, chứ để bố trên đó cũng xót, khổ tâm lắm chứ. Giờ không có nhà mà đón ông về ăn Tết”, anh D. nói thêm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại