Câu chuyện mới nghe tưởng chừng như chỉ có trong truyện cổ tích nhưng đó lại là chuyện có thật mà nhân vật chính là chị Lương Thị Thanh (SN 1969, người dân tộc Thái ở bản Tóng 1, xã Châu Phong, huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An).
Bệnh tật sinh cái khó
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 anh em ở bản Na No, xã Diên Lãm (Quỳ Châu), như bạn bè cùng trang lứa, chị Thanh ước mơ được theo đuổi con chữ ở ngôi trường làng. Thế nhưng ước mơ nhỏ nhoi ấy của người con gái nơi miền sơn cước đã vấp phải trở ngại không thể vượt qua.
Cái nghèo, cái đói cứ bám riết lấy gia đình, bám riết lấy Thanh từ khi mới cắp sách tới trường. Thương mẹ, thương cha nên cô bé Thanh ngày nào đành bỏ dở ước mơ lớn nhất của đời mình.
Hàng ngày theo chân mẹ lên nương, Thanh vẫn không quên ngoái nhìn đám bạn ríu rít cắp sách tới trường. Thời gian trôi đi, từ cô bé gầy guộc, đen đúa ngày nào, Thanh trở thành người thiếu nữ duyên dáng.
Đêm đêm, trai bản vây kín nhà để tán tỉnh nhưng Thanh đều chối từ. Nhưng rồi trong một đám cưới ở bản, Thanh tình cờ gặp anh Lương Văn Chanh (SN 1967, ở bản Tóng, xã Châu Phong).
Như một định mệnh, từ cái nhìn đầu tiên, cặp đôi Thanh - Chanh dường như đã thuộc về nhau. Đầu năm 1990, đám cưới của hai người được tổ chức trong sự mừng vui khôn xiết của hai bên nội ngoại.
Cùng trong năm đó, quả ngọt của tình yêu đôi lứa là cháu Lương Thị Hậu ra đời. Cuộc sống dù có khó khăn vất vả với mấy sào ruộng khoán nhưng gia đình chị Thanh lúc nào cũng đầm ấm và tràn ngập tiếng cười.
Năm 1994, cháu Lương Thị Giang ra đời càng làm cho hạnh phúc gia đình thêm phần bền chặt. Thế nhưng hạnh phúc chẳng được tày gang. Cũng trong năm đó, anh Chanh phát hiện ra mình bị bệnh.
Sự lo lắng hiện hữu trên khuôn mặt của ba mẹ con chị Thanh. Rồi đây, khi mọi thứ trong gia đình dường như đã cạn kiệt thì ước mơ của 2 đứa con đang học đại học có thể phải bỏ dở giữa chừng là điều khó tránh khỏi?
“Lúc đầu cứ tưởng làm việc nặng nhọc quá nên bị đau lưng nên chỉ dùng thuốc cỏ của dân tộc để đắp nhưng mãi không khỏi mà càng ngày càng đau nặng thêm. Chắt bóp được ít tiền, hai vợ chồng đưa nhau đi bệnh viện khám thì bác sĩ cho biết anh bị xẹp đĩa đệm cột sống”, chị Thanh thở dài.
Từ khi anh Chanh bị bệnh, bao nhiêu công việc từ lớn đến nhỏ trong nhà đều đổ dồn xuống đôi vai gầy guộc của chị Thanh.
“Cổ tích” chắp cánh những ước mơ
Chưa dừng lại, năm 2000, bệnh tình anh Chanh chuyển sang giai đoạn trầm trọng hơn, anh bị thoái hóa cột sống. Cũng trong thời gian này anh lại mắc thêm căn bệnh đục thủy tinh thể, mắt hầu như không nhìn thấy gì.
Chi phí sinh hoạt trong gia đình, tiền thuốc thang của anh Chanh và học phí của ba đứa con tất cả đổ dồn xuống đầu chị Thanh. Nhiều lúc chị cảm thấy rất bế tắc.
Cũng có lúc người phụ nữ tội nghiệp này muốn buông xuôi nhưng nhìn người chồng tội nghiệp cùng 3 đứa con đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi nên chị lại thấy mình được tiếp thêm sức mạnh.
Không hề nề hà bất cứ công việc gì miễn là hợp pháp và kiếm ra tiền mua thuốc trị bệnh cho chồng và nuôi 3 con ăn học nên người chị Thanh đều nhận làm hết.
Đáp lại những hy sinh của mẹ, cả 3 chị em Hậu, Giang, Tiềm chăm ngoan, học giỏi. Năm 2009, em Lương Thị Hậu thi đỗ vào Trường ĐH Y khoa Huế. Hiện em Lương Thị Hậu đang học năm thứ 4 ngành Bác sĩ đa khoa.
“Từ nhỏ cháu đã có ước mơ học sư phạm để làm cô giáo dạy trẻ nhưng vì thấy bố cháu bệnh tật triền miên nên cháu muốn theo học ngành y trở thành bác sĩ về chữa bệnh cho bố”, Lương Thị Hậu nói trong nghẹn ngào.
Năm 2012, em Lương Thị Giang thi đỗ vào ngành Sư phạm trường Đại học Huế. Còn cậu em út Lương Văn Tiềm năm nay mới bắt đầu lên lớp 4 nhưng cũng đã có những ước mơ của riêng mình. Cậu bé muốn trở thành một chiến sĩ công an nhân dân. Và bước đầu Tiềm đã chứng minh cho hai người chị và bố mẹ mình thấy sự quyết tâm của bản thân khi trong 3 năm học từ lớp 1 đến lớp 3 em đều đạt học sinh giỏi.
Rời Châu Phong trong chuyến xe ôm vượt dốc Pù Xen ra thị trấn, lòng tôi nặng trĩu nỗi niềm với gia cảnh khốn khó của một gia đình nơi miền sơn cước.
Lời tâm sự của Hậu, người con gái cả, cô thiếu nữ miền sơn cước liêu xiêu trong bóng chiều vẫn văng vẳng bên tai: “Em muốn trở thành bác sĩ để sau này chữa bệnh cho gia đình, cho bà con trong bản lắm. Thế nhưng, ước mơ của em và các em không biết rồi sẽ thế nào khi mọi công việc, lo toan về chi phí học tập của bọn em và thuốc men của bố đều dồn vào đôi vai mẹ. Không biết mẹ rồi có đủ sức để vượt qua nữa không?".
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Chị Lương Thị Thanh, bản Tóng 1, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An.
ĐT: 0386.634.046