Liên quan đến hành vi đưa giàn khoan HD-981 tiến hành khoan và tác nghiệp một cách trái phép tại vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam của Trung Quốc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh quân khu 1 và Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng quân khu 2 về vấn đề này.
PV: Thưa Trung tướng Phạm Xuân Thệ, ông đánh giá như thế nào về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào biển Đông và công khai tuyên bố về việc này?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông thuộc khu vực chủ quyền của Việt Nam là một hành động phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế. Âm mưu của Trung Quốc là muốn độc chiếm Biển Đông. Và Trung Quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu đó, vấn đề chỉ là họ làm như thế nào và lúc nào thôi.
Còn về lời nói và việc làm của Trung Quốc, có những lời nói không đi đôi với việc làm nhưng có những việc Trung Quốc đã nói là sẽ làm. Trung Quốc đã vận dụng rất khéo câu “mềm nắn rắn buông”. Trên biên giới đường bộ, những chỗ nào có tranh chấp mà chúng ta làm căng thì họ sẽ buông, còn chỗ nào chỉ có thỏa thuận miệng giữa hai bên thì không giải quyết được vấn đề.
Quan điểm của tôi là đừng để những việc đã rồi, tức là đừng để đến khi Trung Quốc đặt được giàn khoan đó rồi thì chúng ta mới quyết liệt phản đối bởi khi đó, Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ chịu rời đi. Việc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và không trả lại cho Việt Nam dù chúng ta lên tiếng mạnh mẽ, nhiều lần đã cho thấy điều đó. Và khi Trung Quốc đã có khả năng tạo ra việc đã rồi thì cách xử lý của họ tiếp theo sẽ là: rao giảng về hòa bình và đề nghị các bên gác lại tranh chấp để cùng khai thác rồi từng bước lấn át.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu 1 (Ảnh: Tuấn Nam)
PV: Thưa Trung tướng, ngoài biện pháp ngoại giao là người Phát ngôn của Bộ Ngoại giao đưa ra phản đối, chúng ta còn những biện pháp nào khác quyết liệt hơn?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Chúng ta phải làm kiên quyết như việc triệu đại sứ lên để phản đối và thậm chí phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế bởi những hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam như thế. Tất nhiên sẽ không xảy ra xung đột vũ trang nhưng về mặt ngoại giao thì phải làm quyết liệt và đến nơi đến chốn để dư luận quốc tế có thể thấy được Trung Quốc đã có hành vi vi phạm chủ quyền của chúng ta như thế nào.
PV: Nếu Trung Quốc vẫn kiên quyết kéo giàn khoan đó vào Biển Đông và tiến hành khoan thăm dò mỏ dầu thì chúng ta cần phải làm như thế nào, thưa Trung tướng?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Khi xác định vị trí đó là của ta thì ta phải đưa các lực lượng như Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư đến để bảo vệ chủ quyền, ngăn không cho Trung Quốc đặt giàn khoan tại đó. Nếu chúng ta có lực lượng ở đó thì tôi nghĩ rằng họ sẽ không dám đặt giàn khoan ở đó.
PV: Bất chấp Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 cũng như DOC và quan hệ láng giềng, trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn với Việt Nam tại Biển Đông. Theo Trung tướng, Trung Quốc được gì và mất gì khi cố tình có những hành động như vậy?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Nếu được thì Trung Quốc sẽ được rất nhiều: tài nguyên, vị trí chiến lược trong quá trình thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông… Còn mất thì Trung Quốc chẳng mất gì bởi các nước hiện nay mới chỉ đấu tranh bằng lời nói chứ chưa có biện pháp nào cụ thể.
Tôi cũng nghĩ rằng đã đến lúc các nước Đông Nam Á phải đoàn kết lại với nhau và có tiếng nói chung. Và khi các nước ASEAN có liên quan đến Biển Đông có được tiếng nói chung với nhau thì Trung Quốc chắc chắn sẽ phải dè chừng hơn.
Bên cạnh cuộc trò chuyện với Trung tướng Phạm Xuân Thệ, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – nguyên phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng quân khu 2 về vấn đề này.
Theo Thiếu tướng Huy, Trung Quốc gây sự ở Biển Đông “được về chiến thuật nhưng mất về chiến lược bởi việc gây hấn như vậy đã kéo Mỹ quay trở lại khu vực này dù trước đó Mỹ dường như đã bỏ quên khu vực này sau chiến tranh ở Việt Nam. Bằng chứng là Mỹ từng tuyên bố sẽ chuyển trọng tâm sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Liên quan đến hành động kéo giàn khoan khổng lồ vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cho rằng: “Nếu Trung Quốc cố tình kéo giàn khoan ở Biển Đông, trước hết chúng ta sẽ dùng những lực lượng chức năng bao vây để ngăn chặn, để phản đối, buộc phải rút dù muốn đặt ở đó lâu dài".
“Sau khi dùng các biện pháp ngoại giao mà Trung Quốc vẫn cứ kéo giàn khoan vào Biển Đông và cố tình đặt tại khu vực chủ quyền của Việt Nam thì chúng ta có thể tịch thu giàn khoan theo luật pháp quốc tế”, tướng Huy bức xúc nói.
Xem thêm video cận cảnh giàn khoan HD-981 của Trung Quốc: