Bám trụ ở “khu ổ chuột”
Dưới ánh đèn đường vàng vọt, tổ dân cư số 7, cụm dân cư số 2, phường Phúc Xá, quận Ba Đình phảng phất một màu u ám, tối tăm.
Không khó để bắt gặp những con người lầm lũi trong màn đêm đen đặc.
Bên trong những mái nhà thấp lè tè, đan xen xúm xít vào nhau được dựng lên bằng đủ những thứ vật liệu hỗn tạp giống như chiếc áo vá chằng vá đụp.
Nổi tiếng tồi tàn phải kể đến ngôi nhà của đôi vợ chồng lập dị phía sau chợ Long Biên. Họ sống trong một ngôi nhà chỉ có thể nằm, hoặc ngồi mà không đứng thẳng được.
Nhìn từ xa thì không thể biết đó là một căn nhà hay cũng chẳng phải là lều mà giống như một “tổ quạ” không hơn, không kém.
Chật chội ẩm thấp đã đành, nhưng những hôm mưa gió bão bùng, họ nằm cuộn tròn trong tấm áo mưa mỏng manh để khỏi ướt và xua tan đi màn đêm buốt giá chờ trời sáng.
Vợ chồng ông Hùng vốn là người gốc ở Khoái Châu, Hưng Yên, nhưng vì không có nghề nghiệp gì ở quê, nên hai ông bà kéo nhau lên thủ đô phồn hoa mưu sinh.
Không có con cái nên suốt hơn 20 năm qua, ông bà chọn túp lều dưới chân cầu Long Biên làm nơi định cư, bỏ lại một mình mẹ già hơn 90 tuổi ở quê nhà.
Nguồn thu nhập chính của hai ông bà hiện nay là sống bằng nghề nhặt rác ở chợ Long Biên.
Trong “túp lều" của hai ông bà không có một tài sản gì đáng giá ngoài mấy con chó con được ăn ngủ chung cùng với người.
“Đấy anh xem, phòng trọ này chỉ có thể ngồi hoặc nằm, đứng thẳng là trạm đầu, ngột ngạt ẩm thấp nhưng mỗi tháng vợ chồng tôi vẫn phải trả giá 700 ngàn đồng. Ban ngày thì nóng, mưa thì dột, khổ lắm anh ạ”- Ông Hùng tâm sự.
Nhà chật chội, ẩm thấp, nên những ngôi nhà dưới 10 mét vuông dưới chân cầu Long Biên đều không có nhà vệ sinh, và nhu cầu của những người lao động nghèo là chọn những chỗ khuất như bờ tường, cột điện, rãnh nước để...giải quyết.
Kiếm cơm lúc 0 giờ
Đã từ rất lâu, những người lao động ở dưới chân cầu Long Biên chọn chợ đầu mối phía Nam để mưu sinh bằng nghề cửu vạn.
Đêm đến, “khu ổ chuột” dưới gầm cầu trở nên huyên náo hơn cả ban ngày, bởi đây là khung giờ vàng để những người lao động đổ ra chợ mưu sinh.
Từng tốp người không phân biệt gái hay trai, già trẻ, họ làm bất cứ việc gì mà người khác thuê.
Phụ nữ thì “thạo” với công việc gồng gánh, ai thuê gì cũng gánh chỉ mong sao có việc để làm, còn cánh đàn ông thì bốc vác những hàng hóa nặng hơn, những thùng hàng liên tục được khuân ra khuân vào, di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.
Gắn bó với công việc gánh hàng thuê ở chợ Long Biên đã nhiều năm nay, chị Miện quê ở Thanh Liêm, Hà Nam còn may mắn hơn rất nhiều những lao động khác khi có được việc làm thường xuyên.
Ngày nào cũng vậy, lúc kim đồng hồ chỉ 0h, chị lại mang quang gánh ra khu vực gần chợ để gánh hàng.
“Khoảng 2 năm trở lại đây, người lao động làm cửu vạn ở chợ nhiều vô kể, nếu mình không tranh thủ thì có không có việc mà làm chú ạ" chị Miện chia sẻ.
Chị Miện cho biết thêm, mỗi một chiếc xe về mang theo theo vài tấn hàng hóa, hàng cứ chất đống cao như núi ở chợ.
Mấy năm về trước, nhóm chỉ có mấy chị em làm, thì mỗi tối cũng kiếm được 200 – 300 trăm ngàn. Nhưng bây giờ nếu cố gắng làm cũng chưa được nửa tiền so với trước, vì số lượng người lao động rất đông.
Nhóm của chị Miện có tất cả 4 chị em ở Hà Nam và Nam Định. 4 người chung một phòng, ban ngày thì đi thu gom buôn bán sắt vụn, đêm đến họ lại tranh thủ gồng gánh ra chợ để dành dụm thêm ít tiền cho gia đình.
Tuy vất vả là vậy, nhưng họ đều là những phận người lao động chỉ mong có nhiều việc để làm.
Thậm chí, có những đêm nhóm chị Miện nhận gánh liền tù tì đến tận 5h sáng, nhưng đến lúc thanh toán chủ hàng lài kỳ kèo bớt tiền.
“Nhiều lúc đổ mồ hôi công sức ra nhưng vẫn bị nói này nó nọ, ức lắm, nhưng chị em vẫn bảo nhau nín nhịn, dù sao mình cũng là phận làm thuê, nếu cãi nước đôi thì ngày mai lại chẳng có việc, thậm chí còn chẳng được thanh toán tiền” chị Miện ngậm ngùi.
Với cánh mày râu thì công việc còn vất vả, nặng nhọc hơn gấp chục lần, đa số họ khuân vác vác những bao tải hàng nặng hàng tạ di chuyển từ chỗ nọ sang chỗ kia.
Làm quần quật, bán sức trên những bao hàng nặng gấp đôi cơ thể mình, nhưng đổi lại thu nhập của họ sau mỗi một đêm cũng chỉ dao động từ 150 - 200 nghìn đồng.
Những hôm nào may mắn hơn, được người thuê nào quý và sởi lởi thì được "bo" thêm cho vài chục nghìn đồng.
Và những hệ lụy
Bên cạnh đó, địa bàn các xóm có số lượng lao động nhập cư lớn, gây ra nhiều áp lực cho phường trong việc quản lý nhân khẩu và giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp như mất trật tự an ninh và các tệ nạn xã hội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn phường Phúc Xá có khoảng 2000 nghìn người dân mưu sinh ở chợ Long Biên và các địa bàn lân cận.
Họ sống chủ yếu bằng nghề cửu vạn ở chợ Long Biên và bán hàng trên thành cầu, nhưng cuộc sống của họ vẫn đến nay vẫn chưa được cải thiện, ngày ngày họ vẫn tiếp tục lăn lộn kiếm miếng cơm manh áo.
Ước mơ có được cuộc sống tốt hơn vẫn còn xa vời với người lao động nghèo.
Thu nhập bấp bênh, cuộc sống cực nhọc, nhưng vì không có nhiều sự lựa chọn nên mặc dù điều kiện sống tạm bợ nên những người lao động nghèo vẫn chấp nhận sống hết năm này qua năm khác, kéo theo đó là nhiều những hệ lụy phát sinh không nhỏ từ cuộc sống đói nghèo.
Bên cạnh đó, địa bàn các xóm có số lượng lao động nhập cư lớn, gây ra nhiều áp lực cho phường trong việc quản lý nhân khẩu và giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp như mất trật tự an ninh và các tệ nạn xã hội.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó phường Phúc Xá cho biết:
Do địa bàn có số lượng lao động nhập cư lớn, gây ra nhiều áp lực trong việc quản lý nhân khẩu và giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp như mất trật tự an ninh và các tệ nạn xã hội.
Trước vấn đề các khu sinh sống của những người lao động nhập cư, nếu không được quản lý chặt chẽ, sẽ bùng phát rất nhiều nạn xã hội.
Bà Hương cho biết, thời gian tới, phía Ủy ban phường sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với các đồng chí cảnh sát khu vực không để kiểm soát việc bùng phát các tệ nạn.
Chúng tôi cũng sẽ có chính sách quan tâm đến người dân và mong muốn nhà nước có những hỗ trợ về vốn và nghề nghiệp để người lao động có thể sinh sống tại quê hương, không phải lên thành phố kiếm sống, góp phần giảm thiểu những hệ lụy không mong muốn tại những thành phố lớn.