Nằm ngay sát chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) là khu nhà trọ cũ nát, xập xệ của những người lao động ở chợ đầu mối Long Biên. Ai đi qua đây đều cảm thấy khó thở vì mùi hoa quả thối, rác thải, nước cống thậm chí cả phân bốc lên nồng nặc, nhất là những hôm trời nắng nóng.
Tuy nhiên, đây lại là nơi nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc của hàng trăm lao động ngoại tỉnh. Họ chủ yếu đến từ Hưng Yên, Nam Định, Hà Tây cũ... lên bán hoa quả rong trong phố, khuân vác hàng hóa trong chợ Long Biên. Nhiều người gọi đó là khu ổ chuột, xóm liều giữa thủ đô.
Khu “ổ chuột” nhìn từ trên cầu Long Biên. Ảnh:Lê Hồng Thái.
Con đường dẫn vào khu dân cư "phấn đấu văn hóa" lổn nhổn đất đá và rác rưởi còn ngày mưa thì lầy lội khó đi. Ngay cạnh khu ổ chuột là mương nước thải đen ngòm được người dân gọi là "cống thối" vì lúc nào cũng bốc mùi khó ngửi.
Trong những con ngõ chưa đầy một mét tranh sáng tranh tối là các dãy nhà xiêu vẹo bằng phên nứa, bìa carton, bao tải, tấm lợp... cao hơn đầu người. Do toàn dân nhập cư nên nơi đây không được vệ sinh thường xuyên, đủ loại rác thải đều đổ trực tiếp xuống "cống thối" khiến ô nhiễm càng trở nên nặng nề.
"Sống ở đây ngột ngạt vô cùng, nhưng vì mưu sinh nên phải chịu đựng", chị Hoàng Thị Huyền (41 tuổi, quê Phúc Thọ, Hà Nội) nói và cho biết, ở quê chỉ có mấy sào ruộng không đủ ăn, vợ chồng chị đành gửi con cho ông bà nội chăm sóc rồi lên đây bán hoa quả rong.
5 năm nay vợ chồng chị Huyền đều tắm rửa, vệ sinh, nấu nướng trong căn phòng vỏn vẹn 6 m2. Nơi rộng rãi nhất trong căn phòng nhỏ hẹp chất đầy đồ đạc chính là chiếc giường đơn. "Thu nhập không nhiều nhưng hằng ngày cũng có đồng ra đồng vào gửi về cho con ăn học. Tôi không muốn chuyển đi vì ở đây gần chợ, tiện cho mua bán hàng hóa. Chỉ mong sao nhà chủ xây cho cái nhà vệ sinh chung để đỡ phải đi trong nhà", chị Huyền chia sẻ.
Ngôi nhà vỏn vẹn chỉ 6m2 của vợ chồng chị Huyền. Ảnh:Lê Hồng Thái.
Ban ngày khu dân cư này rất vắng vẻ vì mọi người đều đi bán hàng rong đến tối mới về nghỉ ngơi, chỉ còn những cửu vạn làm đêm thì ban ngày ngủ lấy sức. Phần lớn ở đây đều là phụ nữ, thậm chí có cả những đứa trẻ 15 - 16 tuổi.
Mặc dù điều kiện sinh hoạt vô cùng tồi tàn nhưng giá thuê nhà ở đây không hề rẻ chút nào. Căn phòng tầm 6m2 mà có giá tới một triệu đồng chưa kể điện 4.000 đồng một số, nước 35.000 đồng một người. Những phòng bằng phên nứa hay tấm lợp thì rẻ hơn vài trăm nghìn nhưng rất nóng
Do không có nhiều sự lựa chọn nên những người lao động nghèo chẳng hề than vãn mà vẫn lầm lũi sống hết ngày này qua ngày khác để mưu sinh.
Quần áo được phơi ngay trên những chiếc xe đẩy hàng của các nữ “cửu vạn” và ngay cạnh “cống thối”. Ảnh:Lê Hồng Thái.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá cho biết, trước đây khu dân cư số 2 vốn là đất nông nghiệp, nhiều hộ dân trong phường đã lấn chiếm, chuyển đổi mục đích xây nhà cho thuê trọ. Dân lấn chiếm lên tạo thành những đường ngõ rất nhỏ hẹp.
Ngoài ra, khu vực này chưa có quy hoạch, đất không phải hợp pháp nên người dân không được cấp sổ đỏ, không được xây dựng kiên cố. Theo ông Thành, hiện chính quyền quản lý chặt nên chỉ để tồn tại những ngôi nhà theo hiện trạng cũ mà không để xây dựng lấn chiếm phát sinh.
Lãnh đạo phường Phúc Xá cũng cho hay, kiến nghị của phường là thành phố phê duyệt quy hoạch khu dân cư này để có phương án cắm mốc giới khu vực được phát triển hoặc không được phát triển. Đó là cơ sở cho dân nâng cấp nhà cửa, còn khi Nhà nước thu hồi thì sẽ có phương án giải tỏa.
"Tôi lo ngại rằng khu vực dân cư này đang trong quy hoạch đường sắt đô thị và cầu Long Biên nên dân cư có thể không được ở lâu dài", ông Chủ tịch nói và cho biết thêm, nếu di dời hoặc xây dựng chợ Long Biên thành trung tâm thương mại văn minh thì sẽ giải quyết được những bức xúc của dân cư khu vực này.
Hiện, trên địa bàn phường Phúc Xá thường xuyên có 2.000 - 3.000 người dân ngoại tỉnh tá túc, mưu sinh ở chợ Long Biên và các địa bàn lân cận.