Chuyện tình cảm "không ai bằng" của vợ chồng ở nhà cao 1m tại HN

N.Huệ - K.Ngân |

Hơn 20 năm trước, khi ông Hùng một thân một mình rời mảnh đất Khoái Châu, Hưng Yên lên Hà Nội mưu sinh, chỉ 1 thời gian ngắn sau đó, bà Bích cũng khăn gói đi theo ông.

Chuyện tình “chó – mèo”

Những người sống ở gầm cầu Long Biên (thuộc khu dân cư số 2, phường Phúc Xá, Long Biên, Hà Nội) thường ví câu chuyện tình cảm của ông Dương Đức Hùng (70 tuổi) và bà Phạm Thị Bích (58 tuổi) là chuyện tình “chó – mèo”.

Bởi lẽ, họ rất hay chành chọe nhau trong không gian túp lều cao hơn 1m và có diện tích chừng 10m2 với không biết bao nhiêu phế thải, đồ đạc. Hơn nữa, đó cũng là “thế giới riêng” của hơn 10 con chó.

Thế nhưng: “Lúc họ tình cảm thì lại không ai bằng” – một người hàng xóm của bà Bích nói nhỏ với chúng tôi điều ấy.

Cái “không ai bằng” đó được bà Bích thể hiện bằng những bát cháo khi ông Hùng ốm, những lần tất tả đi tìm chồng khi ông Hùng đi tới khuya chưa về…

Chẳng thế mà, hơn 20 năm trước, khi ông Hùng một thân một mình rời mảnh đất Tân Dân (Khoái Châu, Hưng Yên) để lên Hà Nội mưu sinh, chỉ 1 thời gian ngắn sau đó, bà Bích cũng khăn gói đi theo.

Để rồi cuộc sống của họ cũng gắn với căn lều “đệ nhất xập xệ” của đất Hà thành chừng ấy năm.

Khi chúng tôi hỏi bà yêu nhất ông ở điều gì, bà Bích chỉ cười: “Tôi yêu ông ấy ở tất cả mọi điểm”.

Bà Bích nhìn ông Hùng bằng ánh mắt trìu mến

Bà Bích nhìn ông Hùng bằng ánh mắt trìu mến

Nói rồi, bà kéo ông lại gần mình hơn để chúng tôi chụp ảnh. Nhìn người chồng đã bước sang tuổi thất tuần, bà Bích khẽ chau mày:

“Ông đừng cười, cười lại hở hết hàm răng móm ra đấy”.

Câu nói ấy vừa dứt, bà lại quay sang chúng tôi chắp vá thêm câu chuyện: “Tôi kém ông ấy 11 tuổi mà nhìn tôi già hơn ông ấy nhỉ?”.

Rồi tất cả cùng cười vui để mặc lại phía sau là cái nắng gay gắt của buổi trưa Hà Nội những ngày tháng 6 và cái mùi ẩm mốc bốc lên từ hàng trăm thứ trộn lại sau phiên chợ cũng như cuộc sống của người dân nơi gầm cầu Long Biên.

Nỗi khắc khoải về 1 mụn con của đôi vợ chồng già

Rời khỏi khung hình của máy ảnh, ông Hùng chạy vội lại phía những chú chó con đang nằm phơi mình… hóng mát trong lối đi chật hẹp của căn lều. Thấy chồng nhấc từng con chó, bà Bích khẽ mắng: “Ông nhẹ tay thôi không lại làm chúng nó đau…”.

Bị vợ mắng, ông Hùng chỉ cười. Mắng chồng bà Bích lại hồ hởi kể câu chuyện mình chữa đau bụng bằng… cơm dành cho chó.

“Hôm đó, tôi ăn suất cơm của mình chưa hết đã bị đau bụng, tôi lấy ít cơm của con cún ăn vào lại thành ra khỏi.

Người còn có thể bữa no bữa đói chứ chúng nó lúc nào cũng được ăn cơm nhà hàng, khách sạn” – bà Bích nói.

Sở dĩ, có câu chuyện chó nhà bà Bích được ăn cơm nhà hàng, khách sạn là do có 1 người hàng xóm tốt bụng cũng ngụ cư dưới chân cầu Long Biên, ngày nào cũng đi lấy cơm, nước gạo thừa ở các khu nhà hàng về và “nhường” lại cho đàn chó nhà bà Bích.

Ông Hùng phải cúi gập người mới bước được lên giường trong căn lều chỉ cao hơn 1m đã gắn với vợ chồng ông gần 20 năm nay
Ông Hùng phải cúi gập người mới bước được lên giường trong căn lều chỉ cao hơn 1m đã gắn với vợ chồng ông gần 20 năm nay

Còn vợ chồng ông bà, thỉnh thoảng lại được người ta biếu, cho vài ba cân gạo, ít tiền… Thế là họ có thể sống sung túc cả 1 năm với những bữa cơm có hôm thêm được vài con cá sông.

Hai vợ chồng đã ở cái tuổi thất thập nhưng lâu nay chỉ có “hai trái tim vàng” ấy tự chăm sóc cho nhau trong “túp lều tranh” mà ngặt không thấy con cái họ đâu.

Nhắc tới hai từ “con cái” cả ông Hùng, bà Bích đều im lặng giây lát rồi họ thở dài:

“Con cái là lộc trời cho nhưng chúng tôi vô duyên nên không được hưởng cái lộc ấy của trời.

Giờ hỏi chúng tôi có muốn nhận con nuôi không ư? Có con để về chúng nó chăm tôi hay chúng tôi chăm cho nó?

Nói thế thôi chứ cũng muốn lắm nhưng cảnh sống với túp lều chật chội rồi tới miếng ăn cũng phải đi xin người khác thì nuôi sao được thêm 1 con người nữa.

Già rồi nên cứ chấp nhận cuộc sống như hiện tại đã, chết sẽ có người ma chay, cúng bái cho mà.

Thôi thì cứ bầu bạn với mấy con chó này” – bà Bích lại liếc mắt nhìn ông cũng đang ngồi trầm tư trên chiếc ghế tựa.

Và đó cũng chính là những tâm tư của ông Hùng khi có ai đó nhắc tới hai từ "con cái" với mình.

Và hàng ngày, cuộc sống của họ cứ thế trôi qua trong căn lều lụp xụp nơi gầm cầu Long Biên cùng với công việc đi nhặt phế liệu.

Trả lời cho câu hỏi “hồi hương” chỉ là sự im lặng của hai mái đầu đã lốm đốm màu sương…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại