Giáo sư ngành y "mổ xẻ" sự thật vụ bác sĩ giẫm chân lên giường

Nguyễn Huệ |

Chưa bàn tới hình ảnh “giẫm chân lên giường bệnh” của bác sỹ T.Q.H., GS Đặng Hanh Đệ cho rằng, hình thức kỷ luật là hơi nặng.

Hình ảnh bác sỹ T.Q.H. (Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Lâm Thao, Phú Thọ) giẫm chân lên giường người bệnh đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận những ngày qua.

Mặc dù đã phải chịu hình thức kỷ luật của Bệnh viên Đa khoa Lâm Thao, thế nhưng, hiện tại, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về vụ việc.

"Hình thức kỷ luật là hơi nặng"

Hình ảnh bác sĩ T.Q.H. khi đang thăm khám cho bệnh nhân đã nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều suốt những ngày qua.

Về việc này, PV đã có cuộc trao đổi với GS.BS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam.

Chưa bàn tới hình ảnh “giẫm chân lên giường bệnh” của bác sỹ H., GS Đệ cho rằng hình thức kỷ luật là hơi nặng (cắt 1 năm không được hưởng bổ sung thu nhập theo quy chế của bệnh viện đối với bác sĩ H, kiểm điểm sâu sắc và nghiêm túc trước toàn bệnh viện - PV).

"Thay vì kỷ luật, Giám đốc bệnh viện có thể nhắc nhở để bác sỹ H. rút kinh nghiệm vì ở đây lãnh đạo cần phải “đo” mức độ đạo đức, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ với bệnh nhân… của bác sỹ trước khi ký 1 quyết định kỷ luật nào đó.

Bác sỹ H. từ chức (bác sỹ H. đã tự viết đơn xin từ chức Trưởng khoa và chức Chi ủy viên của bệnh viện ngay tại thời điểm diễn ra phiên họp kỷ luật của bệnh viện - PV), đây không phải là vấn đề “văn hóa từ chức” mà đó là sự tự ái cá nhân", GS Đệ trao đổi.

Bàn sâu hơn về bức ảnh và hành động giẫm chân lên giường bệnh nhân mà nhiều người thậm chí bác sỹ H. khẳng định trong cuộc trao đổi với Tri thức trẻ rằng: Trong lúc cứu người vô tình để người dân hiểu lầm thành có hành động khiếm nhã đối với bệnh nhân;

Trường hợp giẫm chân lên giường bệnh nhân chỉ là tai nạn ngoài ý muốn, chúng tôi nhận được cái lắc đầu của GS. Đệ.

Theo GS Đệ, cả 1 đời khám chữa bệnh, chưa 1 lần GS. Đệ đặt chân lên giường bệnh nhân cũng như chưa từng thấy hình ảnh ấy xuất hiện ở đồng nghiệp của mình.

“Tôi chỉ nhìn trực tiếp vào những gì bức ảnh thể hiện: Một người mặc áo bác sỹ, chân trái gác lên giường gần ngay chỗ tiếp xúc với mặt bệnh nhân, không đi dép, chân phải đặt dưới đất, một bệnh nhân đang nằm nghiêng và có sự xuất hiện của người thứ 3.

Tôi không biết trước đó anh bác sỹ này làm gì và sau làm gì vì quả thực không có những thước phim ghi lại nhưng rõ ràng trong ảnh, anh ấy đang thăm khám cho người bệnh chứ không có sự nâng đỡ người bệnh được thể hiện ở hình ảnh đó.

Về nguyên tắc khám mà để chân thế này là không lịch sự, không có văn hóa, là phản cảm. Đó là tư thế xấu của người bác sỹ.

Chỉ nhìn vào hình chụp rõ ràng bác sỹ đang khám chứ không phải đang lật bệnh nhân vì tay trái chống vào đầu gối trái.

Mặt khác nếu nói chống chân lên giường để có sức mà lật người bệnh thì lại càng sai vì đứng hai chân mới có sức hơn. Nếu không đủ sức thì sao không nhờ người đứng bên cạnh? – GS. Đặng Hanh Đệ cho hay.

GS Đặng Hanh Đệ cho rằng, mức kỷ luật với bác sĩ T.Q.H là hơi nặng.

"Coi người bệnh như người được ban ơn"

Từ hình ảnh đó, GS. Đệ mở rộng vấn đề, đó là mối quan hệ giữa người thầy thuốc và bệnh nhân phải hết sức bình đẳng. Dù bệnh nhân là trẻ nhỏ hay người lớn tuổi, là người còn tỉnh táo hay lú lẫn…

“Tại sao tôi nhấn mạnh điều này vì từ thời bao cấp, đến nay đã được sửa chữa thì một số bác sỹ coi người bệnh như người mình được ban ơn.

Nhiều bệnh nhân tới khám, họ có vẻ khép nép, sợ sệt, một số bác sỹ thấy thế cho rằng, mình có quyền mà không thấy người bệnh tới khám là mình phải có nhiệm vụ với họ.

Đó là điều mà cán bộ y tế phải thay đổi. Chẳng thế mà Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến có nói: Bệnh nhân không tới khám bệnh, cán bộ y tế coi như chết đói.

Và chính mối quan hệ bình đẳng giữa người bệnh và người thầy thuốc nên sẽ không bao giờ có chuyện, bác sỹ cho chân lên giường bệnh nhân” – GS. Đệ chia sẻ thêm.

GS. Đệ cũng bàn về “văn hóa” gác chân của người Mỹ, thậm chí Tổng thống Mỹ trong các cuộc nói chuyện không chính thức cũng có những hành động như thế.

"Nhưng đó là những gì thuộc về bản sắc của người Mỹ còn chúng ta đang sống trong xã hội Việt Nam, chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Đông nên "khoảnh khắc" trong bức ảnh ấy, dù chỉ là 1 vài giây cũng đã cho thấy sự phản cảm", GS Đệ chia sẻ.

Và cốt lõi của vấn đề được GS. Đặng Hanh Đệ nhấn mạnh, đó là người thầy thuốc phải tôn trọng bệnh nhân, hai bên bình đẳng, lời nói cần có văn hóa không nên mày tao chí tớ.

Còn bác sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng khám Exson bày tỏ quan điểm: Việc bác sĩ đặt chân lên giường khi khám bệnh (kể cả có để giày hay không) là một hình ảnh không đẹp đẽ gì cho lắm, nhưng cũng không đến nỗi là thảm họa y đức như nhiều người nghĩ.

"Có ai trong đời không có những lúc có những tư thế hớ hênh? Có ai trong đời không có những lúc có một động tác không phù hợp với hoàn cảnh? Có ai trong đời không có lúc buông một tiếng chửi thề?

Nói như vậy không phải tôi phủ nhận việc bác sĩ và nhân viên y tế cần có thái độ giao tiếp tốt. Là bác sĩ có nghĩa là thuộc nhóm có học thức, thường thì phải thể hiện là có văn hóa, và như vậy thì phải lịch thiệp.Và mọi bác sĩ phải học được điều đó.

Nhưng nếu không đủ mức lịch thiệp, vô tình gác chân lên giường bệnh, thì cũng không có nghĩa là kém y đức.

Có lẽ chúng ta hiểu sai về y đức. Y đức là việc quan tâm đến người bệnh như thế nào, là việc hy sinh thời gian, thú vui… cho người bệnh.

Y đức là việc quyết tâm trau dồi kiến thức, mang đến cho người bệnh những kĩ thuật điều trị, chẩn đoán hoàn hảo hơn, hay đơn giản chỉ là việc tìm cách để cho người bệnh bớt đau, bớt khổ…", bác sĩ Sơn chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại