Chuyện lạ về khu rừng hễ ai chặt cây là gặp họa

Dân làng kể rằng, hễ ai chặt cây ở khu rừng này đều bị gặp tai họa.

Cánh rừng Miếu Cấm rộng 10 ha ở thôn Nghi Sơn (Quế Hiệp, Quế Sơn, Quảng Nam) có vô số cây cổ thụ như: lim, mít nài, sơn, chò… nhưng chẳng ai dám đốn hạ. Người dân trong làng kể rằng, có một số đối tượng chặt cây ở khu rừng này đều bị gặp tai họa.

Rừng còn là làng còn

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện này, chúng tôi đã về Nghi Sơn tìm hiểu. Về đây, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy giọng nói của người dân rất khác so với giọng người Quảng Nam. Họ nói rất chuẩn từng nguyên âm, phụ âm.

Ông Ngô Cửu (75 tuổi) chưa phải là người già nhất làng nhưng biết rất rõ về sự tích cánh rừng đặc biệt này. Về chuyện người dân ở đây phát âm rất chuẩn, ông Cửu cho hay: Ai đến đây cũng nhận xét người dân Nghi Sơn phát âm chuẩn. Theo sử sách để lại thì chúng tôi có nguồn gốc từ Thanh Hóa, theo chân vua Lê mở cõi, khi đến vùng đất này đã hạ trại lập làng. Có lẽ vì thế mà giọng nói của chúng tôi khác với nơi khác trong vùng Quảng Nam. Cũng có người cho rằng, do nguồn nước ăn nên chúng tôi có giọng nói chuẩn.

Ông Cửu cho biết thêm: Ngày đặt chân đến vùng đất này, để nhớ về quê cũ, những người khai khẩn đã lấy tên làng cũ là Nghi Sơn đặt cho vùng đất mới. Từ thế hệ này qua thế hệ khác tên làng không thay đổi. Ngày vị khai canh qua đời được mai táng tại khu rừng. Và, để tưởng nhớ công ơn người lập làng, người dân xây dựng một ngôi miếu tại rừng và khu rừng Miếu Cấm hình thành từ đó.

 - Ảnh 1

Những cây gỗ có giá trị hàng trăm triệu đồng nhưng chẳng ai dám đốn hạ.

Không muốn khu rừng bị chặt phá, những bậc cao niên đứng đầu các dòng họ trong làng đã soạn thảo một bản hương ước bảo vệ rừng. Nội dung đại ý: Tất cả cư dân trong làng Nghi Sơn từ già đến trẻ phải có trách nhiệm giữ rừng, nhất là các hệ tôn phái; bậc làm ông, làm cha phải dạy dỗ con cháu không chặt phá cây. Ai vào đốt than, đốn củi thì bị phạt tiền, lúa gạo; ai vi phạm nặng sẽ bị trục xuất ra khỏi làng. Còn người ngoài vào xâm hại đến rừng, làng phát hiện sẽ giữ lại và phạt nặng mới thả về.

Trải qua hàng trăm năm, nay ở làng Nghi Sơn có hơn 30 dòng họ, với 147 hộ, 629 nhân khẩu. Người dân nơi đây xem rừng là báu vật, nó là tấm bình phong che chở người dân thôn Nghi Sơn mỗi mùa gió bão. Rừng giữ làng, làng phải giữ rừng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vùng đất này bị bom đạn đánh phá ác liệt, vậy mà có một điều lạ, khu rừng Miếu Cấm ít khi bị bom đạn dội xuống nên được bộ đội chọn làm nơi đóng quân, khu căn cứ quân sự; trải qua nhiều năm nhưng những căn hầm, địa đạo vẫn còn dấu tích.

“Cứ đời này qua đời khác, người dân Nghi Sơn coi rừng như tính mạng của mình. Mất rừng là mất làng. Rừng xanh tốt thì con dân trong làng ăn nên làm ra. Cả vùng này không có làng nào mà con em đậu đại học nhiều như Nghi Sơn. Các xã bên cạnh chưa có tiến sĩ nào nhưng làng tôi có đến 2 người rồi”, ông Cửu tự hào.

Chặt cây gặp nạn

 - Ảnh 2

Vô số những cây gỗ quý cao chọc trời xanh.

10 ha rừng Miếu Cấm ở vị trí tương đối đẹp, bốn bề là nhà cửa của người dân; ruộng đồng bao quanh.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được vào tham quan khu rừng, trưởng thôn Hoàng lên tiếng: Các chú đừng tưởng dễ mà vào, nhìn bên ngoài là một màu xanh nhưng vào trong rừng, bụi cây gai và dây leo chằng chịt như giăng lưới. Các chú cần phải có người bản địa dẫn đi không thì bị lạc đường, khó mà ra được.

Rồi ông Hoàng gọi điện thoại cho ông Đoàn Việt Hùng (Trưởng ban bảo vệ rừng Miếu Cấm) giúp chúng vào rừng. Ông Hùng đưa chúng tôi đến trước miếu thờ nằm bên bìa rừng để thắp hương làm lễ. Ông đứng trước miếu xin phép thần linh, sau đó chúng tôi mới được vào rừng.

Cả khu rừng không có một con đường mòn, ông Hùng đi trước, tay cầm cây rựa mở lối đi. Mới đi được 30 m, chúng tôi đã bắt gặp một cây lim, có đường kính 2 người ôm không xuể, cao vút. Thấy chúng tôi bấm máy ảnh, ông Hùng bảo: “Cây này chưa ăn thua gì, cứ đi sâu vào một đoạn nữa, có những cây 5 người ôm mới vừa”.

 - Ảnh 3

Trước khi vào rừng phải thắp hương xin phép ở Miếu Cấm.

Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào, ngôi rừng càng hoang sơ, không mang một dấu vết tàn phá. Tiếp cây này đến cây khác mọc san sát. Đứng trước một cây mít nài, khắp thân cây, u bướu thẳng tắp như kẻ. Nói về giá trị của gỗ mít nài, ông Hùng cho biết: “Giá bán hiện nay trên 10 triệu đồng/m3, nhưng với người dân Nghi Sơn, gỗ ở rừng Miếu Cấm đừng nói tiền triệu mà tiền tỷ cũng chẳng ai dám chặt. Ai đụng đến cây sẽ gặp họa liền”.

Ông Hùng dẫn chứng: Cách đây mấy năm có người trong thôn từng lên rừng hạ cây nhưng sau đó bị bệnh. Người nhà đem đến bệnh viện điều trị nhưng không khỏi. Sau đó, người nhà soạn lễ vật ra miếu khấn nguyện, xin thề với thần rừng không chặt phá thì bệnh tình mới qua khỏi.

Hoặc một câu chuyện mà nhiều người dân Nghi Sơn đã chứng kiến. Vào giai đoạn rừng còn thuộc hợp tác xã quản lý; trong lúc hợp tác xã không có trụ sở nên xin chặt một ít cây bán lấy tiền.

Đợt đó, chặt một cây xếp đầy xe tải. Khi xe đang vận chuyển gỗ ra khỏi rừng thì bị lật văng ra khỏi đường. Chủ mua gỗ thuê máy cẩu đến đưa xe và gỗ lên. Tuy nhiên, chiếc xe được cẩu lên, còn gỗ thì nằm lại.

Ông Hùng khẳng định lại với chúng tôi một lần nữa, đây là một câu chuyện có thật. "Chúng tôi cũng không biết vì sao nhưng máy cẩu cứ móc cáp vào gỗ đưa lên thì bị đứt cáp.

Hết lần này đến lần khác thay dây cáp vào cũng bị đứt, rồi họ cưa đôi khúc gỗ để cho nhẹ, ai ngờ khi móc cáp vào cũng bị đứt. Thấy sự việc chẳng lành, chủ mua gỗ đành bỏ của chạy lấy người", ông Hùng nhớ lại.

Ngoài chuyện bảo vệ rừng thì người dân Nghi Sơn ra sức bảo vệ chim thú cư trú. Hiện trong rừng có nhiều loại động vật sinh sống như: mang, nhím, chồn, trăn, chim, gà rừng... Thế nhưng chẳng một ai vào rừng săn bắt, họ xem đó là “lộc rừng”; có chim, thú, có tiếng gáy vui làng, vui xóm.

Sau chuyến đi rừng, chúng tôi gửi ông Hùng ít tiền công nhưng ông Hùng nhất quyết từ chối. “Các chú về đây viết bài, bà con Nghi Sơn vui lắm rồi.

Chú thử coi, ở đâu giờ cũng xảy ra tình trạng phá rừng, nhiều nơi xảy ra án mạng. Từ việc làm của chúng tôi, khi được đưa lên báo, bản thân tôi mong muốn người dân nơi khác học theo làng Nghi Sơn để giữ lấy rừng xanh”, ông Hùng tâm sự.

+ Hằng năm, đúng ngày mùng8 Tết, dân trong làng tụ tập trước cổng đình để cúng bái tổ tiên, nhớ ơn người khai hoang lập đất. Người làng dù buôn bánnơiđâucũng tìm về dự hội làng. Người góp của, kẻ góp công để trống hội làng Nghi Sơn nổi lên khắp cánh rừng Miếu Cấm.

Ngoài ra, người dân tứ phương tề tựu về đây hương khói và mang sản vật đến cúng bái.

+ Ở Quảng Nam không phảibất cứ nơi đâu người dân cũng cóý thức bảo vệ rừng tốt như ở Nghi Sơn.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, trong năm 2013, trên địa bàn xảy ra 1.106 vụ vi phạm Luật Bảo vệ rừng và Phát triển rừng. Theo đó tang vật thu giữ có 644 m3 gỗ tròn; 1.130 m3 gỗ xẻ; 561 kg động vật rừng và bộ phận của chúng. Do vậy, bài học giữ rừng ở Nghi Sơn rất đáng được nhân rộng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại