Cầm trên tay tấm hình ngả màu của liệt sĩ Phan Tấn Dư, bà mẹ lưng còng rạp nghẹn ngào: “Nó nói con ra đảo rồi con về, má đừng lo. Rồi người ta đem giấy báo tử tới. Không nhìn thấy thi thể nó, tui không tin nó đã chết”.
Nhà mẹ Lê Thị Niệm (thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, Phú Yên) nằm bên một ngọn đồi nhỏ nhìn ra cánh đồng mênh mông sóng lúa. Mẹ Niệm sinh đến 12 người con, nhưng hiện chỉ còn có bảy người. Anh Phan Tấn Dư là người con thứ 11. Anh Dư nhập ngũ, bà mẹ chỉ biết tin tức của con theo từng lá thư ít ỏi gửi về. Tết năm 1988, anh Dư về phép, kể rằng qua tết sẽ ra đảo. “Nó nói má đừng lo, ra đảo vậy mà thong thả, công tác xong thì con về”. Nhưng anh Dư vĩnh viễn không trở về, về thay anh là giấy báo tử. “Đêm nào má cũng khấn con có chết thì về cho má thấy mặt một lần” - chị Phan Thị Nhung, con kề út của mẹ Niệm, kể.
Cạn nước mắt khóc con nhưng mẹ Niệm vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó, đứa con trai sẽ trở về. “Người ta gửi balô, đồ đạc, vải vóc của anh về nhà, má cất rất kỹ. Con cái xin vải để may quần áo, má không cho. Má nói biết đâu nó còn sống. Cách đây 3-4 năm, đồng đội anh Dư nói với má không còn hi vọng nữa đâu, má mới đem tất cả ra đốt” - chị Nhung rưng rưng nói.
Theo chị Nhung, sau khi anh Dư hi sinh, gia đình mẹ Niệm được địa phương hỗ trợ tiền để tráng nền ximăng thay cho cái nền đất trong ngôi nhà cũ kỹ. Các con mẹ ai cũng nghèo nên không có điều kiện đỡ đần cho mẹ. Thương mẹ thui thủi một mình, chị Nhung đưa đứa con gái nhỏ về sống với mẹ, trong ngôi nhà cặp vách kề bên. Hai mẹ con chỉ có hai sào ruộng để kiếm gạo ăn. Chị Nhung đi làm thuê, từ cuốc cỏ sắn, mía... đến tuốt vỏ bạch đàn để kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi con. Tuổi càng cao sức càng yếu, lưng mẹ còng rạp. Bắc nồi cơm lên bếp đối với mẹ giờ cũng khó khăn. “Má bây giờ lúc nhớ lúc quên, mắt cũng yếu lắm rồi, chắc tại má khóc nhiều quá. Mỗi lần mấy anh bạn cùng đơn vị cũ của anh Dư về thăm là má khóc hoài”- chị Nhung nói.
Mấy anh đồng đội của liệt sĩ Phan Tấn Dư - những người xem mẹ Niệm là mẹ thứ hai của mình - vẫn tập trung đông đủ về nhà mẹ trong ngày giỗ liệt sĩ Phan Tấn Dư, đi đâu cũng ghé lại thăm hỏi, an ủi mẹ. Bà mẹ 86 tuổi run giọng kể: “Tui tính để cho con trai thứ hai giỗ thằng Dư, nhưng mấy đứa đồng đội thằng Dư không chịu. Tụi nó nói má giỗ ở nhà má, anh em tụi con tập trung về cho ấm áp, có gì thì tụi con đóng góp. Giỗ năm nào tụi nó cũng về”.
Con nuôi
Một ngày cách đây gần 20 năm, một người đàn ông tập tễnh tìm đến ngôi nhà quạnh quẽ của mẹ Niệm. Thấy mẹ đang ngồi trong nhà, người đàn ông bước vào làm quen và hỏi: “Anh chị đi đâu hết rồi bác?”. Vừa hỏi, người đàn ông vừa đưa mắt tìm kiếm. Ánh mắt dừng lại nơi bức vẽ truyền thần treo trên tường: “Ai vậy bác?”. Mẹ Niệm trả lời: “Thằng Dư con bác đó”. Nén xúc động, anh nói với mẹ Niệm: “Bác ơi, cho con thắp nén nhang”. Mẹ Niệm lụi cụi tìm bật lửa rồi bất ngờ ôm chầm người khách lạ, òa khóc. “Con là bạn của Dư. Con đi tìm mấy năm nay, giờ mới gặp được mẹ”- người khách lạ xúc động.
Đó là anh thương binh Nguyễn Văn Dũng, ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) - người vẫn luôn nghĩ rằng trung sĩ Phan Tấn Dư chết thay mình, con trai mẹ Niệm nhận lệnh ra đảo Gạc Ma thay cho anh Dũng đang bị bệnh. Người thương binh ấy nhận mẹ Niệm làm mẹ, mẹ cũng xem anh như con ruột của mình.