Xung quanh câu chuyện máy bay Malaysia mất tích xảy ra, truyền thông trong nước đã dồn hầu hết sự quan tâm vào sự kiện này mà tạm lãng quên hoặc làm mờ nhạt đi các sự vụ nóng khác như sập cầu Chu Va, xét xử vụ nhân bản xét nghiệm ở BV đa khoa Hoài Đức, vụ quan tài diễu phố ở Vĩnh Phúc…
Nhiều người cho rằng thông tin về sự vụ này được cho rằng gây “bội thực”, nhiễu loạn gây mất uy tín của giới truyền thông, báo chí trong nước. Sự thật có phải như vậy và ứng xử của truyền thông có đúng mức với các sự kiện xã hội đang xảy ra?
Để giải đáp câu trả lời một cách thỏa đáng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long.
Đưa tin "đậm đặc"
- Là một blogger nghiên cứu sâu về truyền thông xã hội, anh có nhận định như thế nào về tốc độ phát triển của lĩnh vực mà anh đang theo dõi trong giai đoạn hiện nay?
Blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long: Truyền thông xã hội đang có những bước phát triển vô cùng mạnh mẽ, dựa trên việc phát triển nói chung của mạng xã hội và nhận thức của công chúng nói riêng trong việc sử dụng các mạng này như một kênh thông tin chính thức bên cạnh báo chí truyền thống.
- Các vụ việc "nóng" gần đây như Thẩm mỹ viện Cát Tường, sập cầu Chu Va 6, đâm xe ở Xã Đàn, game Flappy Bird... báo chí đưa tin rất “đậm đặc”, cập nhật liên tục đôi khi khiến người đọc bị bội thực và có tình trạng bị nhiễu thông tin. Theo anh, việc này có phải bắt nguồn từ tác động của mạng xã hội?
Blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long: Tôi nghĩ trong thời buổi cạnh tranh thông tin như hiện nay, các báo vừa phải chạy đua với nhau, vừa phải chạy đua với các kênh thông tin trên mạng xã hội. Mà đặc thù của mạng xã hội là mở và không kiểm soát. Cho nên, ai cũng có thể trở thành "nhà báo" trên môi trường này.
Chỉ cần có một chiếc smartphone trong tay, bất cứ người dân nào cũng có thể đưa tin trực tiếp lên facebook hay youtube và dễ dàng lan tỏa tới hàng chục triệu "đọc giả" của các mạng này. Vô tình tạo ra sức ép rất lớn cho báo chí chính thống.
Như vậy, với cơ chế kiểm duyệt gắt gao qua nhiều cấp, báo chí chính thống rất khó cạnh tranh được về tốc độ đưa tin với kênh mạng xã hội. Họ chuyển qua cạnh tranh bằng cách khai thác thông tin chuyên sâu, đa góc nhìn, các thông tin được trích dẫn từ những nguồn phát ngôn cao cấp...
Việc đưa tin đậm đặc như vậy tôi thấy không có gì xấu cả. Chỉ có điều, vì phải xử lý một khối lượng thông tin quá lớn và dưới sức ép trong việc chạy đua về thời gian đưa tin như vậy mà đôi khi báo chí lơ là việc kiểm duyệt, hoặc không kiểm duyệt kỹ nên dẫn tới việc thông tin bị nhiễu loạn.
Vấn đề này không chỉ làm người đọc bị mất phương hướng, hoang mang mà còn làm tổn hại đến uy tín của tờ báo đó. Như vậy rất nguy hiểm, vì uy tín chính là vũ khí tối thượng để báo chí chính thống cạnh tranh với thông tin trên các trang mạng xã hội.
- Tôi lấy ví dụ vụ chuyến bay của Malaysia có số hiệu MH370 bị mất tích đang tràn ngập thông tin trên các báo và "đè bẹp" các tin "nóng" trong nước khác. Đây có phải là một hiện tượng đáng quan ngại không thưa anh?
Blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long: Tôi thấy bình thường. Tại vì MH370 là một việc lớn mang tầm quốc tế. Truyền thông thế giới người ta cũng đều đang nhìn vào điểm nóng này chứ chẳng riêng gì báo chí Việt Nam. Với việc đưa thông tin đậm đặc như vậy, rõ ràng báo chí đã phần nào đáp ứng tốt nhu cầu thông tin cho đọc giả. Chưa kể, nếu chúng ta đưa tin một cách chuyên nghiệp, kịp thời thì còn có thể tạo ra một hình ảnh rất tích cực của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, báo chí cũng cần phải thực hiện tốt nhu cầu "chiến đấu" của mình. Thí dụ như nêu gương người tốt việc tốt, đấu tranh chống lại cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội. Nếu chỉ chăm chăm chạy theo một thông tin "hot" nhất, được đọc giả quan tâm nhất thì tôi thấy hơi nguy hiểm. Một tờ báo như vậy là chưa bản lĩnh, không có quan điểm mà quá dễ dãi chiều theo đọc giả.
Nên sử dụng mạng xã hội "đúng đắn"
- Vậy theo anh làm cách nào để có thể cân bằng được cả hai việc đó?
Blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long: Tôi nghĩ nên thực hiện 2 việc sau một các đồng thời.
Thứ nhất là việc vẫn tiếp tục đưa tin dày đặc và kịp thời nhưng không phải trên báo, mà trên trang mạng xã hội của tờ báo. Môi trường này cho phép tòa soạn thực hiện việc đó một cách dễ dàng. Tiếc là chưa nhiều tờ báo sử dụng kênh mạng xã hội một cách "đúng đắn".
Theo quan sát, tôi thấy các báo thường chia sẻ đường dẫn bài viết trên báo qua facebook để "câu view" là chính. Họ chưa hình thành thói quen "đưa tin" một cách tách biệt giữa mạng xã hội và tờ báo. Trong khi, có những thông tin rất nhỏ nhặt, gần như chỉ có một dòng giá trị, nhưng vì đặc thù của tờ báo, để viết ra thành bài thì báo chí phải "bôi ra" cho đúng cấu trúc. Như vậy, nhìn vào trang báo có vẻ như nhiều bài, nhưng thực ra lại ít thông tin, người đọc dễ bị bội thực và bị... mệt!
Trong khi với mạng xã hội, chỉ cần một dòng status nhỏ, một tấm hình, một đoạn clip ngắn 5-10 giây thôi cũng đủ thu hút sự chú ý của cả triệu người. Có những thông tin chưa được kiểm chứng, tờ báo vẫn có thể đưa lên và nói rõ là chưa chắc chắn để nhờ bạn đọc kiểm chứng hoặc bổ sung giúp. Đó là cách tương tác rất tốt và hiệu quả.
Khi này, tờ báo đã có thể "dẹp" việc chạy đua qua một bên và tập trung vào thu thập thông tin một cách đầy đủ, tìm kiếm ý kiến góc nhìn thật đa chiều, tổng hợp lại thành những bài "chất lượng", đặt trong tổng thể của tờ báo để cân bằng được tần suất thông tin với các tin nóng khác.
Thứ hai, một sự vụ trở nên nóng hay không, một phần lớn do sự hiệp đồng của nhiều tờ báo. Tức là, nếu các báo đồng lòng tiết chế việc đưa một thông tin nào đó thì tự nhiên người đọc cũng sẽ hạ nhiệt theo. Để làm tốt việc này, chỉ có cách là tạo ra những nhóm liên kết chia sẻ quan điểm của nhiều tờ báo. Họ sẽ thống nhất một quan điểm chung là cái gì cần đẩy mạnh, cái gì cần tiết chế, sau đó các báo thống nhất làm theo tinh thần chung đã quyết. Thực ra, Hội nhà báo và Ban tuyên giáo đều có thể đóng vai trò đầu tầu như vậy.
Trân trọng cảm ơn anh!