Tâm lý mất bò mới lo làm chuồng
Những ngày vừa qua, thông tin vụ thảm sát làm 6 người trong một gia đình ở Bình Phước phải chết tức tưởi, hay vụ thảm sát 4 người ở Nghệ An ngập tràn trên báo chí, các trang mạng xã hội...
Cả nước bàng hoàng, liên tục cập nhật, theo dõi thông tin, thậm chí nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng giờ đồng hồ để phân tích tâm lý tội phạm, diễn biến, tình tiết vụ án…
Nhiều người đặt câu hỏi rằng, phải chăng tâm lý người Việt còn quá thụ động khi ứng phó với tình huống bất ngờ trong cuộc sống? Để rồi, không tự mình xoay sở, giải quyết dẫn đến bất đắc dĩ nhận kết quả không mong muốn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Ảnh: zing)
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng, xưa nay, người Việt luôn có tâm lý nhà hàng xóm mất bò nhà mình mới lo làm chuồng.
Hơn nữa, việc chia sẻ nhiều thông tin trên mạng xã hội sẽ khiến con người gặp nguy hiểm.
Dùng mạng xã hội facebook như là việc mồi nào thì câu cá đó. Chúng ta đăng tấm hình đẹp lên sẽ thu hút được những kẻ háo sắc, khi chúng ta đăng những nội dung liên quan đến tài chính, thiết bị đắt tiền sẽ gây sự chú ý của những kẻ hám tiền.
"Khoe tài sản là mối nguy hiểm, đặc biệt đối với ông bà, bố mẹ thường xuyên đăng ảnh con cái, nơi mọi người thường xuyên lui tới sẽ làm lộ thông tin cá nhân, mất an toàn và kẻ xấu dễ dàng bắt cóc, dụ dỗ trẻ ở những nơi công cộng…
Hạn chế chia sẻ thông tin là an toàn trên hết”, TS Khắc Hiếu nói.
Chúng ta đang sống méo mó
Ở một góc độ khác, Tiến sỹ Tâm lý học Chu Văn Đức (giảng viên bộ môn Tâm lý học tội phạm, ĐH Luật Hà Nội) cho hay:
Ngày nay, con người có khuynh hướng bạo lực, tự vệ gây hấn. Trong hoàn cảnh nào đó, khuynh hướng này sẽ bộc lộ và bộc lộ quá mức.
Theo nhiều học giả về phạm tội học và tâm lý học tội phạm thì yếu tố bẩm sinh, di truyền rất đáng quan tâm, có vai trò lớn trong việc đưa tới hành vi phạm tội.
Thêm nữa, chúng ta phải đề cập tới vai trò của giáo dục nhân cách con người được hình thành từ gia đình, nhà trường và mở rộng ra là xã hội.
Xã hội bây giờ, mọi người hầu như chỉ lo việc của mình, lớp trẻ sinh ra, lớn lên chúng được học hành và tiếp xúc trong môi trường xã hội ấy.
TS. Đức tin rằng, hai nghi phạm là Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến trong vụ thảm sát 6 người hay Vi Văn Hai ở Nghệ An cũng đã trải qua môi trường như thế.
“Ở đây có nhiều lý do để hiểu được hành vi của của các đối tượng - những thanh niên lớn lên trong môi trường “mạnh ai người nấy sống”.
Như Dương có cô người yêu sinh ra trong gia đình giàu có. Yêu Linh, Dương được rất nhiều thứ, thậm chí còn được gia đình người yêu cho đi du lịch Hàn Quốc, lái ô tô sang...
Dương thật sự "hám con mồi" và càng hận tình lớn nên ở đây động cơ của Dương mạnh, hành vi dã man.
Đặc biệt, Dương xác định phải cướp tiền cho nên muốn trốn thoát, Dương chỉ có cách giết hết để bịt đầu mối.
Hành động của Dương là thù hằn. Nếu bé Na đã lớn thì chắc cũng không thể sống sót”, TS. Đức chia sẻ.
Trong tâm lý học, hành vi trên được gọi là rơi vào tính tự kỉ sơ khai như thời kì đứa trẻ mới sinh ra nó chỉ biết cho nó không cần biết cho ai.
Dương cũng thế, lúc ấy, Dương chỉ biết thực hiện ý đồ và mục đích của mình và anh ta sẵn sàng loại bỏ hết.
Trong tình huống này không phải ai cũng làm như thế, nó liên quan tới đặc điểm và tính chất di truyền. Không phải ai cũng lạnh lùng như thế.
Ở đây, kết hợp giữa bản tính lạnh lùng, thù hằn cá nhân và cả cướp của nên hành vi của đối tượng là dễ hiểu.
“Trong lúc người ta hận tình và bi quan nhưng lý trí vẫn có những điểm yếu, điểm mù quáng.
Lẽ ra, các sát thủ ấy rất hối hận nhưng tâm lý kẻ phạm tội bao giờ họ cũng tin là bản thân họ sẽ thành công và che giấu được sự trừng phạt. Lê Văn Luyện và Nguyễn Đức Nghĩa là trường hợp như vậy.
Hiện nay, chúng ta lao vào nhiều thứ tưởng tốt nhưng lại không tốt, chúng ta sống méo mó tức là chúng ta thể hiện khôn vặt quá còn lý trí và lương tâm yếu”, TS. Đức phân tích thêm.
Nhìn lại hàng loạt các vụ thảm sát diễn ra trong thời gian gần đây, chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc) cho rằng, đây là vấn đề xã hội lớn chứ không còn là những trường hợp cá biệt.
Những vụ thảm sát đó, tính chất từng vụ việc khác nhau nhưng sự tàn bạo giống nhau.
“Hành động tàn độc trong từng vụ án đã trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội và là dấu hỏi rất lớn của xã hội ta đang sống.
Con người bắt đầu suy nghĩ vì sao lại sinh ra những con người như thế”, bà Túy nói.
Từ những câu hỏi chất vấn của mình, bà Túy phân tích: Thứ nhất, đó là những người không hiểu gì luật pháp và sự trừng phạt của luật pháp cũng như trách nhiệm, sự ràng buộc của họ với xã hội. Họ hành động theo cá nhân.
Thứ 2, máu lạnh của những “sát thủ” ấy từ đâu ra?
Nghi can Hai tại cơ quan điều tra. Sau khi gây án, Hai lạnh lùng và vẫn bình thản bỏ về lán trại như không có chuyện gì xảy ra.
Đưa ra vấn đề thứ 2, bà Túy kể lại câu chuyện bà đã từng vào thăm tử tù trước ngày bị tử hình.
Đối tượng đã thực sự bị cảm hóa bởi những giọt nước mắt và tiếng gọi “con” từ những người vào thăm.
“Nó cất tiếng gọi “mẹ”. Lúc ấy, chúng tôi hiểu rằng, đó là tiếng gọi mà nó khao khát từ rất lâu khi nó phải sống trong gia đình “có vấn đề”.
Nó không có ý định trả thù nhưng máu nó đã bị ướp lạnh từ trong gia đình nên nó thấy mình không cần có trách nhiệm với gia đình, xã hội.
Hay như Hào Anh là sản phẩm của cả xã hội và cả gia đình chứ đừng trách riêng gì Hào Anh. Quan niệm gốc hạnh phúc không phải do đồng tiền mang lại.
Thêm một vấn đề tôi muốn đề cập tới đó là truyền thông.
Truyền thông của chúng ta, họ quên mất rằng, họ khai thác những cái ác độc như thế sẽ đau cho những người còn sống và đau lắm cho linh hồn người mất và là tuyên truyền không công cho tội ác”, bà Túy nói.