* Thưa ông, mới đây Tổng cục An ninh thông báo kết quả điều tra ban đầu hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt và đồng phạm trong vụ án tham nhũng tại Vinashin, tham ô 18,6 triệu USD.
Cơ quan chức năng đã phong tỏa tài khoản, kê biên 40 bất động sản trên toàn quốc để thu hồi. Ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng qua vụ án này?
- Ban Nội chính trung ương đánh giá rất cao cơ quan điều tra trong thời gian qua đã tập trung xử lý vụ án Vinashin, trong đó có vụ Giang Kim Đạt, hi vọng đây là “phát súng” đột phá trong thu hồi tài sản tham nhũng.
Tới đây, không chỉ trong các vụ án mà trong thanh tra, trong kiểm tra Đảng cũng phải nghĩ đến thu hồi tài sản tham nhũng.
Có thể anh không chứng minh được hành vi tham nhũng theo luật pháp một cách đầy đủ, bởi vì đó là những hành vi ẩn không dễ chứng minh, nhưng phần thiệt hại, phần bị chiếm đoạt là có thể chứng minh được và phải tìm mọi cách thu hồi về cho Nhà nước, cho xã hội.
Nếu cơ quan chức năng không kiên trì, kiên quyết làm thì không ai nghĩ một cán bộ còn ít tuổi như Giang Kim Đạt, ở cấp trưởng phòng, sống chìm như thế mà có thể dễ dàng tham ô một khối lượng tài sản quá lớn.
Tôi nói có thể chủ quan nhưng có lẽ đây không phải là trường hợp duy nhất.
* Theo thông tin báo chí dẫn nguồn cơ quan chức năng, tại Singapore Giang Kim Đạt đứng tên mua một căn hộ trị giá 3,6 triệu đôla Singapore.
Trước đó, Đạt mua căn hộ khác tại đảo Sentosa, Singapore nhưng đã bán. Liệu có thể thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài không, thưa ông?
- Vấn đề này phụ thuộc vào việc giữa Việt Nam và nước đó có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hay không? Trong hiệp định có nội dung về việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đối tượng liên quan hay không?
Điểm thuận lợi là hiện nay số quốc gia đã ký vào Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng tương đối đông, theo công ước này, có nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng.
Ví dụ quốc gia có tội phạm tham nhũng chạy trốn có thể yêu cầu quốc gia khác tiến hành kê biên, phong tỏa tài sản, thậm chí là phong tỏa cả tài sản mang tên người thân của đối tượng tham nhũng.
Việc kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản của Giang Kim Đạt ở Singapore, theo tôi nghĩ là tiến hành được, nhờ sự vào cuộc của Interpol, sự giúp đỡ của quốc gia sở tại...
* Cũng theo thông tin dẫn nguồn từ cơ quan chức năng, Giang Kim Đạt đã chuyển tiền chiếm đoạt vào tài khoản của bố.
Ngoài trường hợp cụ thể này, theo ông, thời gian tới cần có giải pháp nào để xử lý các vụ việc chuyển hóa tài sản tham nhũng qua người thân?
- Hiện nay chưa có nghiên cứu, thống kê cụ thể, nhưng thủ đoạn chuyển hóa tài sản bất minh qua người thân tương đối phổ biến.
Những đối tượng tham nhũng chẳng dại gì tham gia trực tiếp các giao dịch, chẳng dại gì đứng tên tài sản lớn hoặc tài khoản ở ngân hàng.
Nếu anh là người có chức vụ quyền hạn thì hằng năm anh phải kê khai tài sản, nếu anh đứng tên tài sản thì phải kê khai, tài sản quá lớn mà lộ liễu quá sẽ bị đặt câu hỏi là lấy đâu tiền để mua.
Chính vì vậy, đối tượng tham nhũng thường biến hóa tài sản dưới nhiều hình thức, trong đó có hình thức đứng tên bố mẹ.
Vấn đề quan trọng là khi kết luận phải chứng minh được tài sản này có đúng được hình thành từ nguồn gốc tham nhũng hay không? Chúng ta chống tham nhũng quyết liệt, nhưng phải thận trọng tránh làm oan sai.
* Từ vụ Giang Kim Đạt, phải chăng việc kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đang có những lỗ hổng?
- Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất là cơ chế quản lý kinh tế xã hội, cụ thể là quản lý hoạt động của doanh nghiệp như thế nào mà để cho một trưởng phòng có thể tham ô tới 18,6 triệu USD.
Thứ hai là cơ chế kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, của người có chức vụ, quyền hạn.
Việc này đúng là đang có những bất cập, có những quy định đi vào cuộc sống chưa phát huy được.
Tuy nhiên trong hai vấn đề trên, theo tôi, vấn đề chính là quản lý hoạt động của doanh nghiệp sao cho chặt chẽ, không thể chấp nhận được một trưởng phòng có thể tham ô 18,6 triệu USD.
* Diễn biến tiếp theo liên quan đến vụ Vinashin có được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính trung ương đưa vào diện án điểm để chỉ đạo, theo dõi?
- Hiện nay vụ án Vinashin vẫn là vụ án nằm trong diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Nhưng trong vụ án Vinashin có nhiều giai đoạn, nhiều mảng, xong mỗi giai đoạn và mỗi mảng thì làm tiếp.
Vụ Giang Kim Đạt là một mảng trong tổng thể vụ án Vinashin, nên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tiếp tục theo dõi, chỉ đạo như đối với các vụ án nghiêm trọng, phức tạp khác.
Không để chuyên viên Ban Nội chính... dọa lãnh đạo tỉnh
Sáng 16-7, Ban Nội chính trung ương tổ chức hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm 2015.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phan Đình Trạc (phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính trung ương) nhấn mạnh trong sáu tháng đầu năm khối lượng công việc rất lớn, nhưng ban đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, cơ bản đảm bảo đúng tiến độ.
Về nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm 2015, ông Trạc nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, đầu tiên thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng; chuẩn bị kế hoạch, nội dung để phục vụ thường trực Ban Chỉ đạo làm việc với một số bộ ngành, địa phương.
Giải đáp kiến nghị liên quan đến việc cán bộ, chuyên viên Ban Nội chính không được làm việc trực tiếp với lãnh đạo các địa bàn phụ trách, ông Trạc cho biết do trước đây có chuyện một chuyên viên Ban Nội chính trung ương xuống... dọa chủ tịch tỉnh, cho nên có quy định không cho làm việc trực tiếp.
Nay có kiến nghị thì cần nghiên cứu đưa ra hướng xử lý phù hợp.