Những vụng về, xáo trộn trong tâm lý của nghi can giết 6 người

Nguyễn Huệ |

Chỉ 1 động tác nhỏ, 1 câu hỏi thăm, bàn tay thắp nén hương cho người đã khuất, ánh mắt khi vái lễ… của hung thủ đều có cái bất thường so với người khác.

Hành động của nghi can không qua được con mắt nghiệp vụ

6 người trong cùng gia đình ngụ tại tổ 3, ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước bị sát hại dã man vào sáng 7/7, đã không còn là nỗi đau riêng của gia đình mà hơn hết đó là nỗi đau của cả cộng đồng.

Sau khi vụ án xảy ra ít ngày, nghi can đã lộ diện. Nhiều người “sửng sốt” bởi nghi can chính là người yêu cũ của nạn nhân Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi).

Các vị tướng tham gia chỉ đạo chuyên án trong buổi họp báo công bố nội dung vụ việc

Tại cơ quan điều tra, bước đầu nghi can Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ tại Lộc Ninh, Bình Phước) khai nhận mình là người chủ mưu trong vụ trọng án này.

Trước khi ra tay với người yêu cũ, Dương bắt Linh ngồi trước mặt, bên cạnh là thi thể của Tố Như, và tâm sự nỗi lòng của một gã thất tình. Mặc cho Linh cầu xin trong sợ hãi, Dương lạnh lùng ra tay với nhát dao ngay cổ sau khi “nói hết lời”.

“Thực tế cuộc gọi không phải để Dương nối lại tình cũ nghĩa xưa mà là gọi Linh tới để giết 1 cách dễ dàng nên Dương đã ám hại “người yêu cũ” ngay lập tức" - chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho hay.

chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn

Sau khi gây án, Dương đã quay lại hiện trường nhiều lần và luôn tỏ ra đau khổ, khóc lóc trước người thân của gia đình nạn nhân, thậm chí còn tới đám tang nên người nhà Linh không nghi ngờ gì.

Nhưng dưới con mắt của những người nghiên cứu tâm lý tội phạm thì đó chỉ là hành động dùng “vải thưa che mắt thánh”.

“Chỉ 1 động tác nhỏ, 1 câu hỏi thăm, bàn tay thắp nén hương cho người đã khuất, ánh mắt khi vái lễ… của hung thủ đều có cái bất thường so với người khác.

Đó là những vụng về, xáo trộn nhất định trong tâm lý chứ không thành tâm như những người khác.

Còn tại sao Dương quay lại đám tang, chẳng qua là dùng “vải thưa che mắt thánh”.

Tất cả những hành vi che đậy đó trước sau cũng bị phát hiện bởi lẽ sự che đậy của con người không dễ khi có dấu hiệu hình sự.

Ở đây không phải là ảo thuật mà là hành vi vụng về” – ông Chất cho hay.

Từ “bàn tay” dính máu của Dương, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất mở rộng hơn vấn đề.

Tại sao Hải Dương lại hung bạo đến thế mà trước đây cũng nhiều vụ ghê gớm với những cái tên đến bây giờ vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện… và rất nhiều vụ giết người cướp của khác?

Theo ông Chất, những vụ đó đều mang tính chất chung xuất hiện từ 1 con người không muốn làm ăn mà chỉ muốn hưởng thụ.

Khi họ không muốn làm ăn mà muốn hưởng thụ thì chỉ có cách là đi ăn cướp và sâu xa nhất là giết người để lấy của. Có những kẻ giết cả bố mẹ để lấy và chiếm đoạt tài sản.

Giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ

Đứng trên góc độ xã hội học, nhìn nhận từ những vụ án gây rúng động dư luận với những cái tên như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương…

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng:

“Qua hiện tượng này tôi thấy có nhiều nguyên nhân, quan trọng nhất là thiếu giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho lớp trẻ để chúng ứng biến được trước những đột biến trong xã hội diễn ra mà tự bản thân chúng không làm chủ được rồi rất dễ sa vào tội ác.

Theo PGS. TS Lê Quý Đức, nhiều vụ án diễn ra nhưng không ai ngờ mức độ lại tàn ác như vậy.

Nhiều khi chúng ta đang sống với những người xem có vẻ hiền lành, bình thường ấy nhưng bản năng hung tính đã xuất hiện.

Và 1 trong những giáo dục kĩ năng sống cho con người là để giải quyết khủng hoảng tâm lý.

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)
PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)

Để tránh cho con mình trở thành những Luyện, Nghĩa hay Dương, PGS. TS Lê Quý Đức cũng đưa ra quan điểm:

Những người làm cha mẹ phải giáo dục, hướng thiện cho con ngay từ bé về sự trân trọng người khác, trân trọng sự sống của người khác.

Những tội ác trong xã hội ngày càng ghê gớm và phát triển hơn: Có những vụ án hung thủ giết 2 người, 3, 4 rồi 6 người cùng 1 lúc.

“Dương đã 24 tuổi, nó đã có cái gì lỳ lợm và tính toán chứ không chỉ là bột phát nên điều đó cũng phải đánh động toàn xã hội.

Hôm qua tôi cũng gặp 1 số bạn trẻ, họ cũng nói khi theo dõi diễn biến vụ trọng án ở Bình Phước mà không ngủ được

Như vậy, những gì đang diễn ra ở vụ án đó đã tác động tới nhiều người, nhiều thế hệ chứ không phải 1 người– PGS. TS Lê Quý Đức đưa ra quan điểm.

Để dẫn tới việc xuất hiện những "sát thủ máu lạnh" như Hải Dương hay Vũ Văn Tiến vì nghe lời xúi giục nên cũng "nhúng tay" vào tội ác, PGS. TS Văn Như Cương không đổ lỗi cho giáo dục.

"Nếu nói do sự xuống cấp của giáo dục mà đào tạo ra những con người như thế, tôi cho là mức độ chưa tới" - PGS Văn Như Cương khẳng định.

Và với những gương mặt sáng sủa như Dương hay Tiến lại ra tay sát hại 6 mạng người 1 cách dã man, PGS Cương gọi đây là vụ án "đặc biệt".

"Giới trẻ phải biết đánh giá cuộc sống của mình, phải tự chịu trách nhiệm trước cuộc sống của mình không để ảnh hưởng tới gia đình và người khác.

Cha mẹ cũng nên cảnh giác với con cái trong cả vấn đề yêu đương, quan hệ tình cảm" - PGS Cương khẳng định.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại