Gần đây, dư luận nhiều tỉnh xôn xao trước những chiêu trò phá hoại cân điện tử của tài xế xe quá tải. Theo đó, có cân không hiểu vì lý do gì mà camera lại chiếu… lên trời, có cân có dấu hiệu bị vặt hỏng cáp, thậm chí có vết dao cắt đứt cáp khiến cân hỏng luôn. Thậm chí, có cán bộ cắm USB vào máy tính nên máy nhiễm virus, cân không hoạt động được…
Bình luận về hiện tượng này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay: “Việc sử dụng cân điện tử để phát hiện xe quá tải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Mỗi công dân, tổ chức, doanh nghiệp đều có trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật.
Mọi chiêu phá hoại cân hay trốn tránh sự kiểm soát đều là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm”.
Cân điện tử: Còn nhiều hạn chế
Để việc kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ được thuận lợi, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã cho trang bị 63 trạm cân và từ 1/4/2014, các trạm cân này chính thức hoạt động.
Ngày 16/4, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cho hay, tính từ ngày 1/4 đến 16/4, các lực lượng đã kiểm soát gần 10.000 xe và tỷ lệ vi phạm tải trọng xe ở mức trên dưới 20%. Có thể nói số xe vi phạm đã giảm so với trước đây (43%). Nhờ đó, việc bảo vệ kết cấu hạ tầng và bảo đảm trật tự an toàn giao thông có chuyển biến rõ rệt.
Nhiều người cho rằng, những chiếc cân điện tử được sản xuất trong nước nhưng những thiết bị quan trọng đều nhập từ Mỹ và châu Âu, đã được kiểm định chất lượng, nên không thể là đồ kém chất lượng.
Thế nhưng, theo ông Bùi Danh Liên, có thể ngay từ khi đưa vào sử dụng, các thông số mà nó đưa ra chưa thật sự chuẩn xác vì hàng áp dụng công nghệ thông tin sản xuất trong nước thì chất lượng, kỹ thuật chưa được cao.
“Muốn tăng độ chính xác, khi đưa cân vào sử dụng phải đúng quy trình. Chẳng hạn, khi lắp đặt phải đặt cân trên mặt bằng phẳng. Phải che mưa vì nếu cân bị ướt, các thông số sẽ sai lệch.
Với những mặt hạn chế trên, Bộ GTVT đã có các chỉ thị để lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh phối hợp với nhà sản xuất điều chỉnh sao cho phù hợp”, ông Liên nói.
Xóa sổ xe quá tải ra sao?
Cũng theo ông Liên, lý do xe quá tải vẫn còn “đất sống” và vẫn có cơ hội ngày đêm cày nát đường sá bất chấp sự xuất hiện của cân điện tử là vì có một số hiện tượng tiêu cực ở cả hai phía: người lái xe và người thực thi công vụ.
“Người lái xe đã quen nếp chở quá tải nên muốn thay đổi cần có thời gian và áp lực. Ngoài ra, cân điện tử của chúng ta cũng có một số trục trặc nên họ có cớ đưa lý do này kia ra để chống đối.
Phải thú thật rằng tư lệnh ngành đã phát động chiến dịch, nhưng tư lệnh vùng chưa ra quân một cách triệt để. Vì vậy, có những tỉnh làm nghiêm túc như Hà Nam, Hà Tĩnh…, nhưng cũng có những tỉnh lấy lý do này, lý do kia mãi mới chịu thực hiện dẫn tới hiện tượng xe vượt tuyến”, ông Liên nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc cán bộ cắm USB vào máy tính chơi game, nên máy nhiễm virus, cân không hoạt động được là các hiện tượng tiêu cực trong cơ quan quản lý Nhà nước mà trực tiếp là các cán bộ quản lý trạm cân đó.
“Rõ ràng họ chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Muốn giải quyết triệt để tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra xe quá tải, còn phải tăng cường kiểm tra cả những người thi hành công vụ. Tuy vậy, cũng nên tăng cường các chế độ cho những cán bộ trực đêm, làm ngoài trời”, ông Liên kiến nghị.
Đối với chủ xe, để họ không dám tái phạm chở quá tải, ông Liên đề xuất, nếu xe đã tìm được cách “lách luật” vượt qua trạm cân thứ nhất, tới trạm cân thứ hai mới bị phát hiện quá tải thì mức xử phạt với lái xe phải “lũy tiến”, tức là cộng thêm mức xử phạt đáng ra họ phải nộp ở trạm cân trước đó. Không chỉ thế, các trạm bỏ lọt xe quá tải nếu bị phát hiện cũng phải giải trình.
“Tôi nghĩ nếu các nhà thực thi công vụ toàn tâm, toàn ý thực hiện đúng quy trình thì sẽ xóa sổ được chuyện phá hoại cân điện tử như những gì chúng ta từng chứng kiến trong thời gian qua”, ông Liên khẳng định.
Bình luận về thông tin nhiều cán bộ được huấn luyện vận hành cân, được cấp chứng chỉ thì không vận hành, trong khi người chưa đi học, không biết vận hành cân lại sử dụng dẫn đến hỏng cân, ông Liên cho rằng điều đó cho thấy sự thiếu tinh thần, trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp, cụ thể là các Sở GTVT.
“Khi lãnh đạo của Sở không quan tâm đầy đủ thì sẽ xảy ra hiện tượng tiêu cực như vậy. Nếu làm không tốt, Sở GTVT các tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc này.
Tôi xin nhấn mạnh là tư lệnh vùng phải chịu trách nhiệm trước tư lệnh ngành khi xuất hiện hiện tượng vi phạm quy trình”, ông Liên nhấn mạnh.