Đề xuất "lạ đời"
Tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện có 7/10 nước ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đã quy định bật đèn chiếu sáng phía trước.
Quy định trên giúp tai nạn giao thông (TNGT) ở những nước này giảm trung bình 25%. Ủy ban ATGT Quốc gia kỳ vọng việc áp dụng đèn chiếu sáng phía trước tại Việt Nam sẽ giúp giảm khoảng 10% TNGT (tức là giảm từ 500 đến 600 người chết/năm).
Ông Hùng cũng khẳng định khi đưa ra một đề xuất nào thì Ủy ban ATGT Quốc gia đều nghiên cứu kỹ về tính thực tiễn cũng như lợi ích cho người dân.
Trước đề xuất này của ông Hùng, trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc nhà xuất bản Giao thông vận tải, chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước đề xuất "lạ đời" này.
Theo TS Thủy, đúng là một số nước ở Đông Nam Á có quy định bật đèn chiếu sáng phía trước, tuy nhiên, các nước đó chủ yếu là quốc đảo, cho nên lượng sương mù, hơi nước lớn...
Thứ nữa là lượng ôtô họ gấp khoảng 10 lần so với Việt Nam như Jakarta có khoảng 10 triệu xe, Bangkok khoảng 5 triệu xe nên việc tạo ra ô nhiễm là rất lớn, cao hơn Hà Nội, T. Hồ Chí Minh rất nhiều.
Ô nhiễm tạo ra những hạt bụi và gây ra sương mù, làm không khí ô nhiễm, tầm nhìn thấp đi... Do đó, người ta phải bật đèn ban ngày để nhìn, xác định vị trí, giảm tai nạn.
"Ngược lại với Việt Nam thì 2 lý do ở trên chưa đến mức như thế. Trước hết, Việt Nam là đất nước nhiệt đới, ánh sáng mặt trời cả năm lên đến cả 70-80% và chỉ có mấy tháng mùa đông trời có phần tối hơn, sương mù cũng chỉ tập trung một số vùng núi cao.
Có thể có những vụ tai nạn giao thông xảy ra do không bật đèn phá sương, nhưng đó chỉ là phần rất ít. Không thể đổ lỗi tai nạn giao thông là do không có đèn chiếu sáng bật vào ban ngày được.
Theo tôi, những ngày có sương mù, tối trời ở Việt Nam chiếm không đáng kể, chỉ 10-15%.
Hơn nữa, những lúc thời tiết bất thường như vậy thì người đi xe máy sẽ tự động hiểu được mức độ nguy hiểm khi tham gia giao thông như thế nào chứ không cần phải có một chế tài áp dụng bắt buộc.
Còn ở đây, tôi muốn nhấn mạnh lại là đừng nên bê nguyên si những phương pháp của các nước về nước ta mà cần có sự chọn lọc, đánh giá, xác định phù hợp với tình hình”, TS Thủy nói.
Có thể gây tai nạn nhiều hơn
Cũng theo TS Thủy, thực trạng hiện nay, do số lượng phương tiện của chúng ta so với một số nước xung quanh còn thấp nên tạo ra ô nhiễm chưa cao, một năm những khí thải tạo ra sương mù chủ chiếm khoảng 5 - 10% số ngày trong năm, do đó chưa nhất thiết phải bật đèn.
"Chưa kể với người Việt Nam của mình thì có thể do chưa quen nên việc bật đèn này có thể gây phản tác dụng. Tức là chiếu vào mặt, dễ gây mất phương hướng và khả năng gây tai nạn tăng lên.
Cùng với đó, những ngày nắng to, người dân sẽ không thể hiểu được vì sao mà trời sáng trưng như vậy lại phải bật đèn? Như thế sẽ gây phản cảm với người đi lại", TS Thủy nhìn nhận.
TS Thủy cũng cho biết thêm, những lúc thời tiết bất thường như vậy thì người đi xe máy sẽ tự động hiểu được mức độ nguy hiểm khi tham gia giao thông như thế nào chứ không cần phải có một chế tài áp dụng bắt buộc.
"Trong luật giao thông của chúng ta cũng đã quy định, những trường hợp trời tối, có sương phải bật đèn.
Trời tối đó không quy định giờ giấc mà rất có thể tự nhiên trời tối, sương mù chẳng hạn do thời tiết bất thường thì trong luật đều đã quy định cần phải bật đèn.
Theo tôi, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cần có những giải pháp mang tính tập trung hiệu quả hơn, ví dụ như giải pháp đặc biệt ở những nơi ngã tư đông người dễ tắc. Các biện pháp cần thực tế hơn là khó hiểu.
Còn việc bật đèn như vậy sẽ gây thêm ô nhiễm môi trường, chưa kể, sẽ gây hỏng nhanh bình ắc quy của xe máy, khiến chi phí đi lại tăng lên.
Với những điều đó, theo tôi, với nước ta trong thời điểm này thì chưa nên thực hiện đề xuất đó”, TS. Nguyễn Xuân Thủy tiếp tục đưa quan điểm.
Đồng quan điểm đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng chỉ rõ, ở Việt Nam sương mù ít, mật độ không dày đặc, lái xe không bị cản trở trong việc quan sát và phát hiện các chướng ngại vật phía trước.
Đặc biệt, Việt Nam có độ nóng cao, nhất là ở khu vực miền Trung, miền Nam số ngày nắng nhiều nên không cần phải bật đèn thường xuyên.
Ngoài ra, nước ta đã áp dụng quy định bật đèn chiếu sáng trong điều kiện sương mù nên việc bổ sung này là không cần thiết.
Ông Liên cũng cho rằng ban ngày độ sáng lớn, bật đèn gây lãng phí còn làm tăng nhiệt độ môi trường và đi ngược với chủ trương giảm thiểu ô nhiễm toàn cầu là đi ngược với quy luật của thế giới.
Cũng trao đổi, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, đề xuất của ông Khuất Việt Hùng là của một nhà khoa học. Tuy nhiên, việc thực hiện cần phải dựa vào thực tế nghiên cứu, đánh giá.
Còn hiện ở Hà Nội chưa có chủ trương, phương án buộc thực hiện việc bật đèn ban ngày.