Chuyện đôi vợ chồng có 14 con

Bà con ở thôn Ba Hương, xã Trà Đông (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) cứ luôn giật mình khi thấy vợ chồng anh Nam và chị Lạc liên tục sinh đứa con thứ 14.

Nhà của vợ chồng anh Đỗ Ngọc Nam và chị Huỳnh Thị Lạc nằm ở nơi hẻo lánh. Nhờ có cây cầu treo lớn mới được xây, đường thôn được trải bêtông nên có thể đi xe máy đến tận nhà họ. Nghe tôi hỏi đường, mấy người trong làng tủm tỉm cười: “Đến nhà đó coi con nít à, nhiều lắm mà!”.

Rậm người hơn rậm cây

Cứ tưởng sinh chừng ấy con, nhất là còn phải chăm một dây con nhỏ liền nhau, chị Lạc sẽ tiều tụy, vất vả đến đầu tắt mặt tối. Vậy mà trông chị vẫn thong dong, tay bồng bế đứa nhỏ 14 tháng tuổi, bên cạnh là đứa chị kề 3 tuổi. 10g, cô con gái 18 tuổi - con thứ năm của vợ chồng chị - sau khi cho trâu đằm ở bờ sông đã về phụ mẹ lo cơm nước. “Nhờ ảnh với mấy đứa lớn lo làm lụng, mấy năm nay tui chỉ ở nhà lo việc nội trợ thôi” - người mẹ 45 tuổi trông còn khá phốp pháp nói.

11g, anh Nam và con trai 17 tuổi làm ở rẫy keo về. Tiếp đến, lục tục hết đứa này đến đứa khác, sáu đứa con nhỏ còn đi học của vợ chồng anh cũng từ trường về nhà. “Nay chỉ còn 10 đứa ở nhà. Hai đứa gái đầu đã có chồng con, đứa ở Hải Phòng, đứa ở ngoài huyện. Hai con trai lớn chưa có vợ, đứa làm thợ sửa xe máy ở thị trấn Trà My, đứa đi làm thợ nề...” - người cha 42 tuổi sơ lược điểm danh đàn con sáu gái và tám trai của mình.

Nhờ nhà cửa rộng rãi, sinh hoạt của gia đình có số nhân khẩu vượt trội này khá nề nếp, lớn nhỏ đều có phòng riêng, tất cả đều gọn gàng, sạch sẽ.

“Răng người ta đẻ khó, còn nhà tui bả đẻ dễ quá mà” - anh Nam mở đầu sau phút ngại ngùng, khó nói về chuyện sinh đẻ quá đà của vợ chồng mình. Năm đứa con đầu vợ anh đều đẻ ở nhà, không cần đến trạm xá. Cứ thấy vợ đau chuyển dạ là anh đến nhờ mấy bà mụ vườn trong làng đến giúp, cắt xong nhau rốn là họ về, phần chăm sóc tiếp theo anh tự làm được.

Khi biết chị Lạc tự sinh con ở nhà sợ có điều bất trắc, đến đứa thứ sáu cán bộ chuyên trách ở thôn xã buộc anh Nam phải đưa vợ đến trạm xá để sinh. Nhưng chỉ đưa vợ đến sinh ở trạm xá ba đứa, còn sáu đứa tiếp theo anh Nam đều để vợ đẻ ở nhà vì thấy vợ mình “đẻ dễ như gà”. Con cái của vợ chồng anh cũng rất dễ nuôi, cứ cho bú cho ăn là lớn một nước, chẳng đứa nào bệnh tật ốm đau phải đến bệnh viện cả.

Câu chuyện mở dần ra. Ngày cầu treo, đường bêtông chưa có, nhà anh Nam nằm nơi bờ sông góc núi, xa nhà hàng xóm nên rất quạnh hiu. Ông nội anh từ vùng dưới đến đây lập nghiệp, nay chỉ còn anh và hai người em con ông chú ruột kế nghiệp ở vùng đất núi rừng này.

“Rậm người hơn rậm cây, cha tui thường nói rứa. Ông cứ buồn buồn khi thấy nhà mình đã nghèo khó lại có ít người, chỉ có tui với đứa em gái còn nhỏ. Bởi vì ở cái đất ni nhà ai mà thiếu sức người thì khó làm ăn lắm. Cha tui mất khi tui mới 18 tuổi. Mẹ tui thì yếu đau, cũng luôn buồn bã khi thấy cảnh nhà đơn chiếc nơi núi rừng” - anh kể.

Khi thấy đàn con anh đã lên đến 6-7 đứa, thôn xã lâu lâu lại gọi anh đến để khuyên bảo, nhắc nhở vợ chồng anh dùng các biện pháp tránh thai, không nên sinh con nữa. “Nhưng rồi cứ nghĩ đến lời cha, cứ thấy dòng họ mình ở cái góc núi ni có ít người quá, vợ chồng tui lại... vượt rào” - anh Nam nói tiếp.

Anh Nam và vợ phấn khởi bên đàn heo vừa được tách mẹ sẽ được nuôi làm heo thịt - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Cố làm để nuôi con và vượt nghèo

14g, cô con gái 18 tuổi của anh Nam lại ra sông đánh trâu vào bãi và hái rau dại cho heo. Còn anh và con trai 17 tuổi vào rẫy keo nhà làm tiếp. Những đứa nhỏ còn đi học vẫn được ở nhà chơi đùa, dù có đứa đã 13-14 tuổi. “Mình phải ráng làm để sắp nhỏ ăn chơi thêm được chừng nào quý chừng đó. Bắt con nít làm sớm mất sức chúng, tội nghiệp” - chị Lạc nhắc lại lời chồng.

Từ khó khổ tưởng không vượt qua nổi, vợ chồng anh Nam luôn nhớ lại niềm hạnh phúc khi xây được ngôi nhà ngói ở nơi heo hút. Vừa làm nuôi con, họ vừa tích cóp để có được 40 triệu đồng xây ngôi nhà cách đây 10 năm, đúng vào năm họ có đứa con thứ 10. Chồng làm ruộng, làm rẫy, phát chồi thuê, làm phụ hồ; vợ gùi hàng vào các làng dân tộc kề bên để buôn bán, từng đồng tiền dành dụm đều nhắm tới một mái ấm tươm tất cho đàn con.

Con đông phải tính bước mà đi. Vậy là hai vợ chồng lại phải bươn chải tiếp. “Tui không quên cái ngày vợ chồng tui dồn đủ tiền mua được con trâu nái. Thấy mình mới làm nhà chưa được ba năm lại mua được trâu, bà con ai cũng khen. Một con trâu nái bữa ni giá cũng 20 triệu chớ có ít mô” - chị Lạc nhớ lại.

Và quả đúng “con trâu là đầu cơ nghiệp” của người nông dân. Ra sức nuôi dưỡng, những con trâu con đã cho vợ chồng Nam - Lạc nối dài được mơ ước của mình. “Cha tui chỉ để lại 2 sào ruộng. Nhà đông miệng ăn quá nên hễ mất mùa là nhà tui thiếu ăn to. Bởi rứa năm 2011 tui quyết bán bớt trâu để mua 3 sào ruộng hết 24 triệu” - anh Nam kể.

Cũng từ giấc mơ tậu ruộng đất để làm ăn, trước đó vợ chồng anh đã mua được 5 sào đất bãi dọc theo sông với giá 2 chỉ vàng/sào để trồng sắn, bắp. Vẫn còn “tham lam” chuyện ruộng đất, năm 2012 anh vỡ hoang được 2 sào ruộng. Chưa dừng lại, cũng trong năm 2012 anh nhận làm 2 sào ruộng của người trong làng, dù phải chia cho họ đến 4/10 sản lượng mỗi mùa.

“Chừ thì mỗi năm tui phải bán bớt gần 1 tấn thóc. Nhớ ngày thiếu ăn mình phải siêng lo chuyện ruộng nương” - “ông chủ” một mẫu rưỡi ruộng đất giữa chốn núi rừng phấn chấn nói.

Mua trâu, tậu ruộng, lại làm thêm nhà, năm 2010 vợ chồng Nam - Lạc lại khiến bà con trong xã ngoài làng ngạc nhiên khi họ xây thêm một căn nhà ở làng Phương Đông. Với chi phí chỉ gần 30 triệu đồng, nhưng căn nhà mới nói lên nỗ lực cũng như tính toán làm ăn nhạy bén của đôi vợ chồng bị nhiều điều tiếng vì “đẻ chi đẻ quá”.

Con gái thứ năm (18 tuổi) của vợ chồng anh Nam bày cho hai em nhỏ học - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

“Hơn hai phần ruộng đất của nhà tui nằm ở gần làng Phương Đông. Làm cái nhà mới ở gần ruộng thuận lợi cho mình lắm. Mùa mưa khi làm ruộng mình có thể ở hẳn bên nớ. Thóc lúa, bắp mì làm ra tui đều chứa ở đó, như cái kho. Mình con đông, ngày sau đó cũng là chỗ ở của một đứa khi nó ra riêng” - anh Nam giải thích.

Năm 2011, khi thấy nhà mình đã khá dần lên, có vốn, vợ chồng anh bắt đầu nuôi heo nái, heo con được giữ lại một ít để nuôi thành heo thịt. “Chừ thì thức ăn cho heo đã có được kha khá, mình phải nuôi heo thịt nhiều thêm. Con trâu có lợi nhưng chừ khó nuôi thêm vì bãi chăn bị thu hẹp vì người ta trồng rừng lấn hết. Tui nay chỉ giữ lại mức bốn con trâu thôi” - anh Nam nói.

Nuôi đàn con nhưng không quên chăm sóc mẹ già. Mươi năm nay anh Nam làm hẳn 2 sào ruộng, từ gieo cấy đến chăm bón, thu hoạch về nhà cho mẹ. Anh nói mình không nuôi mẹ tử tế thì đẻ con nhiều làm chi.

Ông Lê Quang Dự, trưởng thôn Ba Hương, cho biết: “Chúng tôi cứ luôn khuyên bảo, nhắc nhở mà vợ chồng anh Nam vẫn cứ nói là.... “lỡ” hoài, đành chịu thôi. Nhưng có điều bù lại, hai vợ chồng làm lụng siêng năng, giỏi tính toán, vừa nuôi đàn con đông vừa phát triển kinh tế gia đình khá tốt.

Vì vợ chồng anh đông con quá nên địa phương phải xếp vào diện hộ nghèo để giúp các cháu nhỏ có điều kiện học hành, chăm sóc y tế. Nhưng các khoản vay dành cho hộ nghèo vợ chồng anh không hề vay, xưa nay không nợ Nhà nước, không nợ tư nhân.

Dù đông con nhưng với hơn một mẫu rưỡi ruộng đất, một hecta rừng trồng, với đàn trâu bốn con, vợ chồng anh Nam rất ổn định về chuyện làm ăn, so với người trong thôn thì không thua ai. Cũng đáng nói là con cái của vợ chồng anh lớn nhỏ đều ngoan”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại