Chuyện của nhà báo “phong danh hiệu” cho tướng Nguyễn Quốc Thước

Tuấn Nam |

Trước sự bộc trực, thẳng thắn và quyết liệt của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nhà báo Bùi Hoàng Tám đã gọi ông là “Lò thuốc súng giữa nghị trường Quốc hội”.

Lời tòa soạn: Nhìn tòa nhà Quốc hội khánh thành cách đây chưa lâu, bên cạnh cảm giác tự hào và vui mừng, hẳn có không ít người nhớ về Hội trường Ba Đình – hội trường ở tòa nhà cũ của Quốc hội.

“Ôn cố tri tân” – chúng tôi xin gửi tới bạn đọc loạt bài Những kỷ niệm khó quên về Quốc hội Việt Nam ở Hội trường Ba Đình.

Niềm tin mãnh liệt vào các vị dân biểu

Là người có hơn một thập kỉ làm phóng viên phản ánh hoạt động tại nghị trường Quốc hội, nhà báo Bùi Hoàng Tám bắt đầu câu chuyện về những năm tháng tác nghiệp ở Hội trường Ba Đình:

“Ngày đó, những buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội giống như những buổi khai mạc World Cup, đường phố vắng tanh, mọi người hồi hộp theo dõi, bình luận rồi đến những ngày sau, dư âm ấy vẫn không dứt” .

Hội trường Ba Đình cũ (Ảnh: wikipedia)

Hội trường Ba Đình cũ (Ảnh: wikipedia)

Theo nhà báo Bùi Hoàng Tám, ngày đó, báo chí thực sự là cầu nối mang tiếng nói của nhân dân đến Quốc hội và phản ánh những hoạt động của Quốc hội đến với mỗi người dân.

Trong mối quan hệ ấy, nhà báo cần trao đổi với các vị đại biểu Quốc hội để lấy thông tin và thậm chí nhiều thông tin trên báo chí trở thành tài liệu quan trọng trong nghị trường.

Đây là hoạt động tương tác, các vị đại biểu Quốc hội cần thông tin từ truyền thông, báo chí và báo chí cần đại biểu để cung cấp thông tin và cả những quan điểm, chính kiến của mỗi đại biểu để chuyển tải đến độc giả.

“Hội trường Ba Đình trước đây có sảnh rất rộng. Khi Quốc hội họp, các phóng viên không được vào nhưng vẫn được đứng bên ngoài nhìn vào và nghe thoải mái.

Tôi nhớ ngày đó, có một đơn vị cảnh vệ nằm ngay bên cạnh khu đất Hội trường, cách nhau một hàng rào ngăn sơ sài, mở một lối nhỏ nhỏ để đi lại, ông Tám kể.

Như chợt nhớ ra điều gì, nhà báo Bùi Hoàng Tám bỗng kể sang chuyện khác: “Ngày đó, tại hành lang Quốc hội, nhiều tòa soạn mang chồng báo để biếu các đại biểu.

Cứ giờ giải lao hay trước giờ vào họp, ngoài việc tranh thủ phỏng vấn các vị Đại biểu Quốc hội, tôi còn chăm chú quan sát họ ra nhặt các tờ báo ngoài hành lang. Mà không chỉ tôi, các đồng nghiệp ở báo khác cũng vậy.

Chúng tôi ai nấy đều nhìn xem các vị đại biểu có nhặt báo của mình không. Khi thấy các vị cầm báo mình lên đọc rồi thì quan sát kỹ xem các vị đó có đọc bài mình viết không.

Cũng có hôm giải lao, các vị ấy ra khu vực căng – tin để giải khát. Cánh phóng viên chúng tôi cũng đi cùng. Khi gặp các đại biểu cùng quê thì ngồi lại cùng uống nước và nói chuyện. Mối quan hệ đó rất gần gũi và ấm áp...”.

Chợt ông quay sang hỏi tôi: “Chẳng biết mình có hoài cổ không?”.

Viết một bài báo mất hai kỳ họp Quốc hội mới xong

Nhớ về bài báo khiến ông phải bỏ ra nhiều công sức nhất, nhà báo Bùi Hoàng Tám chia sẻ:

“Ngày đó có nhiều cán bộ thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị và Ban Bí thư vi phạm pháp luật nghiêm trọng như các ông Bùi Quốc Huy, Lương Quốc Dũng… và một số vị trong vụ Lã Thị Kim Oanh.

Những việc này tạo nên một dư luận không hay về công tác cán bộ. Đây là một việc rất lớn nên cần phải có những tiếng nói của các vị có trách nhiệm cao, đại diện cho các tổ chức chính trị, xã hội.

Nhà báo Bùi Hoàng Tám tại một buổi hội thảo (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà báo Bùi Hoàng Tám tại một buổi hội thảo (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Xác định như vậy nên suốt hai kỳ họp Quốc hội năm 2002, tôi tiến hành phỏng vấn về vấn đề này. Về phía Đảng, tôi phỏng vấn Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Tấn Dũng (khi đó là Phó Thủ tướng thường trực).

Bên Chính phủ, tôi phỏng vấn Bộ Trường Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung. Ở Quốc hội, tôi phỏng vấn Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu.

Bên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi phỏng vấn Chủ tịch Phạm Thế Duyệt (Nguyên Thường trực Thường vụ Bộ Chính trị).

Phía Công đoàn, tôi phỏng vấn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Cù Thị Hậu.

Ở Hội Người Cao tuổi, tôi phỏng vấn Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Đỗ Trọng Ngoạn.

Bên quân đội, tôi phỏng vấn GS, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.

Hội Khoa học Lịch sử, tôi hỏi Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Dương Trung Quốc.

Vì phải hội tụ đầy đủ những ý kiến từ nhiều cơ quan, tổ chức nên tôi phải làm trong 2 kỳ họp Quốc hội mới xong, bởi không phải lúc nào cũng có thể gặp và phỏng vấn được các vị đó.

Và tôi rất bất ngờ bởi tất cả các vị trên đều trả lời rất thẳng thắn, không có chút gì e dè.

Đây là đề tài rất khó bởi động chạm đến công tác cán bộ của Đảng là điều rất tế nhị, nhạy cảm. Vì vậy sau khi đăng tải, tôi gửi báo biếu cho tất cả các vị mà tôi phỏng vấn và phấp phỏng nghe ngóng phản hồi.

Nhưng rất “may” và rất vui, bài báo không chỉ nhận được sự đồng tình của các vị lãnh đạo, của độc giả mà cuối năm đó còn được Giải thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam (nay là Giải thưởng báo chí Quốc gia).

Khi lên nhận giải, tôi còn nhớ một đồng nghiệp nay là cán bộ quản lý báo chí nói nhỏ rằng: “Bác liều thật đấy”.

Tôi nghĩ, mình làm việc bằng động cơ trong sáng, với mục đích rõ ràng, trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng.

Về nghiệp vụ, khi đó chưa có quy chế phỏng vấn nhưng tôi đã gửi phần trả lời cho các vị tôi phỏng vấn xem lại trước khi đăng tải”.

Lúc nào Quốc hội cũng có những “lò thuốc súng”

Nhắc đến những vị đại biểu Quốc hội ngày ấy phát biểu mạnh mẽ, quyết liệt, nhà báo Bùi Hoàng Tám chia sẻ:

“Trong Quốc hội ngày đó, có nhiều vị đại biểu phát biểu mạnh mẽ. Chẳng biết từ đâu, ngày đó trong làng báo có câu:

“Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”.

“Nhất Thước” là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. “Nhì Trân” là GS. Nguyễn Văn Trân. “Tam Lân” là GS Nguyễn Lân Dũng và “Tứ Quốc" là Nhà nghiên cứu Lịch sử Dương Trung Quốc.

Tôi đã từng viết một bài trên báo về “bộ tứ” này trên báo Gia đình & Xã hội.

Ngày đó tôi có hỏi Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, bác có suy nghĩ gì khi người ta “phong” cho bác cái “chức danh nhất Thước”?

Tướng Thước nói đại để, tôi là người lính mang tiếng nói của nhân dân thì nói là nhiệm vụ của tôi.

Còn GS. Nguyễn Ngọc Trân nói, ông quan tâm đến việc “xếp hạng” đó. Còn ĐB Dương Trung Quốc thì nói vui: “Nếu mọi người nghĩ như thế thì là tốt chứ sao”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - người đu

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - người được mệnh danh là "Lò thuốc súng giữa nghị trường Quốc hội"

"Cùng là những người phát biểu mạnh mẽ, quyết liệt tại nghị trường nhưng mỗi người có một cách nghĩ hay như vậy đấy” - nhà báo Hoàng Tám nói vui.

Dưới góc độ một phóng viên theo dõi nghị trường, nhà báo Bùi Hoàng Tám cho rằng, việc xếp hạng “bộ tứ” ngày đó như vậy là chuẩn.

Chính nhà báo Bùi Hoàng Tám là người từng đặt tít khi ông viết về đại biểu Nguyễn Quốc Thước: “Lò thuốc súng giữa nghị trường Quốc hội” bởi sự bộc trực và tính thẳng băng của vị tướng Nguyên Tư lệnh Quân khu Bốn này.

Và với nhà báo Bùi Hoàng Tám, lúc nào Quốc hội cũng có những “lò thuốc súng” như thế.

Đó là những người trực tính, nhiệt huyết và quyết liệt. Trong số đó hiện nay là các đại biểu Trần Du Lịch, Nguyễn Bá Thuyền, Dương Trung Quốc, Nguyễn Thị Quyết Tâm, Bùi Thị An, Nguyễn Thị Khá, Đỗ Văn Đương…”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại