Khi nói về những năm tháng còn là đại biểu Quốc hội, đem ý kiến của cử tri, tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân đến các cuộc họp Quốc hội và đấu tranh quyết liệt để chống tệ nạn tham nhũng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Việt Nam) coi đó là nghĩa vụ, trách nhiệm mà bất kỳ một đại biểu Quốc hội nào cũng phải có nghĩa vụ thực hiện.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Hiện nay giữa nói và làm vẫn còn cách xa nhau nhiều lắm. Nên trong công tác chống tham nhũng, quan trọng vẫn phải là yếu tố con người”.
Vị tướng già chia sẻ: “Là một người đại biểu, dân giao cho làm nhiệm vụ, tôi cố gắng làm tròn nhiệm vụ của một đại biểu quốc hội, đại biểu của nhân dân. Những vấn đề mà tôi nêu lên, góp ý trong hội trường và thậm chí đấu tranh quyết liệt trên hội trường là tiếng nói, là nguyện vọng của nhân dân.
Tôi là người được dân giao cho, tôi phải làm đầy đủ trách nhiệm. Cũng giống như lúc đang còn ở trong quân đội, nhiệm vụ trên giao cho làm một người tướng thì chỉ có chỉ huy bộ đội để giành thắng lợi, để bảo vệ độc lập.
Bây giờ độc lập rồi, mình được dân tin tưởng giao cho trọng trách làm đại biểu mang tiếng nói, nguyện vọng của dân thì mình phải làm tròn trách nhiệm đó với dân, vì lợi ích của nhân dân sẽ kiên quyết đấu tranh. Còn kết quả được bao nhiêu thì đó là vấn đề của cuộc đấu tranh của cả dân tộc chống lại những tiêu cực trong nội bộ của mình, chứ một người thì không thể làm được”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: “Một người đại biểu nói nhưng không phải là ý kiến đơn độc mà đó là tiếng nói chung của nhân dân. Tôi nghĩ kỳ họp Quốc hội vừa qua thông qua được Luật Phòng chống tham nhũng và chuyển vị trí lãnh đạo Ban Phòng chống tham nhũng sang những vấn đề về tổ chức từ Thủ tướng sang một cơ quan cao hơn là một sự tiến bộ, đáng hoan nghênh”.
Bên cạnh đó, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng bày tỏ sự trăn trở: “Giữa nói và làm lâu nay khác nhau nhiều lắm. Có bộ máy, có tổ chức, có luật để chống tham nhũng rồi, nhưng làm như thế nào thì mới là vấn đề. Những người trong bộ máy chống tham nhũng có thực sự là những người kiên quyết chống tham nhũng, đứng về phía lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân để đấu tranh hay không mới là điều quan trọng”.
“Khi đã có chủ trương rồi, quyết định rồi thì phải có tổ chức thích ứng với nó. Điều quan trọng là bộ máy chống tham nhũng phải thực sự là bộ máy trong sạch, chứ người đi chống tham nhũng mà cũng “nhúng chàm” tham nhũng thì còn chống ai, chống cái gì nữa. Muốn chống tham nhũng thì nói phải đi đôi với làm. Hiện nay giữa nói và làm vẫn còn cách xa nhau nhiều lắm. Nên trong công tác chống tham nhũng, quan trọng vẫn phải là yếu tố con người”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh.