Chuyện tình không biên giới của mẹ Việt Nam anh hùng
Là người gốc ở đất nước Chùa Vàng - Thái Lan, mẹ Tống Thị Hiền (94 tuổi) - tên thật là Khăm Xón Chèm Chăn. Hiện tại, mẹ Hiền đang sống một mình tại ngôi nhà tình nghĩa ở khối Đông Lâm (phường Hòa Hiếu, TX. Thái Hòa, Nghệ An).
Ngôi nhà tình nghĩa của mẹ Hiền ở TX Thái Hòa (Nghệ An).
Những ngày tháng 7 này, cả nước lại nhớ về nguồn cội, cha ông ta - những người đã cống hiến, hy sinh thầm lặng cho hòa bình, độc lập dân tộc. Còn riêng mẹ Hiền, mẹ lại ở một mình trong căn nhà tình nghĩa với những nỗi buồn thắt nghẹn trái tim.
Năm nay đã ngoài 94 tuổi nhưng mẹ Hiền vẫn minh mẫn, tai mắt còn sáng rõ lắm. Thắp nén nhang lên bàn thờ chồng và hai người con, mẹ hồi tưởng về những năm tháng không thể nào quên.
Sinh ra và lớn lên ở Xà Vàng, Xà Cồn (Thái Lan), trong gia đình có 12 anh chị em, nên mẹ Hiền sớm phải lăn lộn với cuộc sống khó khăn.
Năm lên 16 tuổi, bà đã là giáo viên mầm non dạy trẻ ở bản mình.
Vốn là người có nhan sắc nên bà được nhiều trai bản theo đuổi và ngỏ ý muốn lấy về làm vợ. Nhưng lúc đó, bà gặp được chàng trai Tống Văn Hiền là người Việt Nam sang Thái Lan để làm nghề may thuê nên đã đem lòng cảm mến.
Mẹ Hiền kể lại ngày theo chồng về Việt Nam sinh sống.
“Năm đó là 1945, ông ấy sang cùng gia đình và làm nghề thợ may thuê. Nhiều lần gặp gỡ, tình yêu của chúng tôi lớn lên lúc nào cũng không hay. Năm đó, chúng tôi tổ chức một đám cưới nhỏ rồi ở lại bản sinh sống, lập nghiệp”, bà Hiền nhớ lại.
Ngày ngày, bà Hiền đến trường dạy học còn chồng vẫn đi làm thợ may. Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua rồi lần lượt 6 người con chào đời trong niềm vui, hạnh phúc.
Năm 1960, Chính phủ kêu gọi những kiều bào sinh sống ở Thái Lan về quê sinh sống, lập nghiệp để xây dựng quê hương và góp công sức đánh giặc. Lúc này, ông Hiền bàn với vợ sẽ đưa cả nhà cùng về quê ở Việt Nam sinh sống.
Nghe tin này, lúc đó bà Hiền vừa mừng vừa lo. Bà lo bởi sang đó xa bố mẹ người thân, rồi lạ nước lạ cái, bất đồng ngôn ngữ sẽ khiến cuộc sống bị đảo lộn.
Nhưng rồi trước những quyết định lớn, bà đã nghe theo chồng. Cả gia đình lên tàu theo đường thủy về Việt Nam. Lúc này, bà Hiền đang mang thai đứa con thứ 7.
“Hơn 2 tháng đi tàu trên biển, giữa năm 1961, gia đình tôi mới về được đến quê ở tỉnh Hà Tĩnh cũng là lúc gặp cơn lũ lớn. Tài sản, nhà cửa bị trôi hết. Rồi gia đình lại phải chuyển lên vùng đất Phủ Quỳ này sinh sống”, bà Hiền hồi tưởng lại.
Thời gian đầu, cuộc sống gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Bởi vùng đất mới lạ nước lạ cái khiến mẹ con bà đau ốm triền miên. Nhưng cái khó khăn nhất vẫn là chuyện bất đồng ngôn ngữ khiến bà chẳng thể nào giao tiếp với người khác.
Phải mất mấy năm sau, bà Hiền mới bắt đầu quen dần với cuộc sống mới. Rồi bà học tiếng Việt, học cấy lúa và dần dần bà cũng quen như một người bản địa thực thụ.
Mẹ Việt Nam anh hùng mang dòng máu Thái
Những ngày gia đình bà Hiền về sinh sống cũng là những ngày tháng cuộc kháng chiến dân tộc chuyển sang những bước ngoặt mới, đầy cam go, khốc liệt.
Năm 1963, người con trai đầu của bà là Tống Văn Hiếu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã lên đường nhập ngũ.
Ngày tiễn con lên đường, mẹ Hiền gấp cho đứa con được chiếc khăn Pà Pe và dúi vội vào túi con 10 đồng bạc vừa mượn hàng xóm.
“Lúc nó đi, nhà nghèo nên chẳng có gì cho con mang theo. Nó rưng rưng nước mắt chào bố mẹ, ôm các em rồi vụt chạy ra xe đi thẳng vào nơi tập luyện.
Ai ngờ, lần đó nó đi mãi không về với mẹ nữa. 3 năm sau, tin báo tử về đến nhà mà ai cũng không dám tin đó là sự thật”, mẹ Hiền gạt vội nước mắt kể.
Không lâu sau ngày nhận tin báo tử của con, chồng của mẹ Hiền vì quá đau buồn nên lâm bệnh và mất. Đau thương mất mát cứ dồn dập ập đến với gia đình khiến mẹ Hiền tưởng chừng như không thể sống nổi.
Đã bao năm trôi qua, nhưng nỗi đau mất con chỉ như vừa mới ngày hôm qua trong lòng mẹ Hiền.
Chồng mất để lại một đàn con thơ, đứa con út chỉ mới tròn 9 tháng tuổi, nhưng mẹ Hiền vẫn gượng dậy sau nỗi đau để nuôi các con khôn lớn trưởng thành.
Ít năm sau, 4 người con của mẹ Hiền lần lượt lên đường nhập ngũ chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.
Nhưng một lần nữa, nỗi đau lại xé nát lòng mẹ khi vào năm 1972, giấy báo tử của con trai Tống Văn Xiên hy sinh tại Lào được gửi về quê nhà.
Nhắc đến anh Xiên, mẹ Hiền vẫn nhớ như in ngày nhận được bức thư đầu tiên và cũng là duy nhất mà anh gửi về cho mẹ từ chiến trường xa.
“Mấy năm đi nó chỉ gửi về được một bức thư nói nhớ mẹ, nhớ gia đình rồi dặn tôi đừng có đánh thằng út và chăm cho các em học hành lấy cái chữ.
Cuối thư nó bảo bận đánh giặc nên không thể viết dài hơn nữa”, Mẹ Hiền vừa khóc vừa kể.
Tuy chỉ vài dòng chữ nguệch ngoạc của con gửi về từ chiến trường xa đó, nhưng với mẹ Hiền đó là cả một ký ức không quên.
Với những đóng góp đó, mẹ Hiền là người phụ nữ ngoại quốc đặc biệt được phong danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngoài 2 người con là liệt sỹ, mẹ Hiền còn có 3 người con cũng gia nhập vào quân đội. Hiện nay, cả 3 người đều là sỹ quan về hưu. Tuy các con lập gia đình ở xung quanh đó, nhưng mẹ Hiền vẫn ở một mình lo nhang khói cho chồng và 2 con.
Cuối năm 2014, để ghi nhận những hy sinh, cống hiến đó, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Hiền. Có lẽ, mẹ là người phụ nữ ngoại quốc đặc biệt nhất khi được phong danh hiệu cao quý đó.
“55 năm sống ở đây rồi nhưng mẹ chỉ mới được về quê hai lần. Giờ mẹ chỉ mong sao sức khỏe tốt để được thêm một lần trở lại quê thăm người thân họ hàng. Nhưng có lẽ là không được nữa...”, mẹ Hiền nói như muốn khóc.
Kể về các con, mẹ Hiền tự hào lắm bởi dòng máu người Thái trong mẹ đã hòa vào dòng máu của đất nước Việt Nam.
Mẹ biết rằng, trong niềm vui chung của dân tộc sẽ không tránh khỏi niềm đau riêng của những người vợ, người mẹ, chịu cảnh ly biệt, tang tóc.
Nhưng mẹ hiểu, đã có nhiều người mẹ Việt Nam khác vượt qua nỗi đau và sống tự hào vì sự hy sinh cho đất nước của những người chồng, người con...